Thứ 2, 20/05/2024 06:54:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 17:43, 04/01/2018 GMT+7

Muôn đời khắc ghi

Thứ 5, 04/01/2018 | 17:43:00 107 lượt xem
BP - Theo sách “Danh nhân xứ Thanh”, cha của Nguyễn Chích có một thú chơi rất tao nhã, đó là chơi chim câu. Để thỏa mãn niềm đam mê, ông nuôi cả một đàn và coi chúng như con, hết lòng chăm sóc, huấn luyện chúng. Ngày ông mất, ngỡ tưởng đàn chim câu sẽ tiêu túng vì không ai nuôi dưỡng. Nguyễn Chích lúc ấy còn nhỏ lại chỉ có một mình, bươn chải nuôi thân còn khó huống hồ là phải nuôi thêm đàn chim kia.

Nhưng không, Nguyễn Chích coi đàn bồ câu ấy như anh em trong nhà, vẫn hết lòng chăm sóc chúng như cái cách cha ông thường làm. Ngày ngày săn sóc đàn bồ câu, ông chợt nhận ra khả năng tìm đường tuyệt vời của chúng. Lấy làm thích thú, ông quyết huấn luyện cho đàn chim câu này dù có bay đi đâu cũng tìm được đường về tổ. Sau thời gian dài kiên nhẫn huấn luyện, đàn chim câu của ông có thể bay đến những địa điểm cách nơi xuất phát hàng chục cây số rồi lại tìm được đường về. Ông cũng chẳng thể ngờ thú vui của mình sẽ giúp ông trong việc đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Nguyễn Chích đã tập cho đàn chim bay khéo như vậy và còn luyện cho chúng mang thư từ và đồ nhẹ đến nơi định sẵn và bay trở về. Bấy giờ bà Nguyễn Thị Bành trở thành trợ thủ đắc lực cho chồng trong việc huấn luyện đội quân chim bồ câu. Không chỉ vậy, bà còn nhiều lần tham gia chiến trận, đáng kể nhất là trận giữ thành Yên Mỗ. Tòa thành này là một trong những địa điểm quân sự do Nguyễn Chích xây dựng, ở vị trí hiểm yếu nên quân Minh rất muốn triệt hạ. Tướng giặc là Trương Phụ có lần huy động một lực lượng khá đông đến vây hãm nhưng bà Nguyễn Thị Bành đã cùng chồng chỉ huy quân lính đánh cho quân giặc một trận thất điên bát đảo, giữ vững căn cứ. Khi Nguyễn Chích gia nhập với quân khởi nghĩa Lam Sơn, ông cùng vợ đã mang toàn bộ binh sĩ và cả đàn bồ câu đi theo để giúp việc truyền tin. Có lần căn cứ Lam Sơn bị đánh úp, ở doanh trại chỉ có Lê Lợi và Nguyễn Chích cùng mấy trăm quân túc vệ. Giặc Minh ở ngoài vây rất chặt, khó có thể phá được vòng vây hay cử người đi báo tin giải cứu. Nguyễn Xí liền thả chim bồ câu đi đưa thư gọi được các cánh quân về cứu viện, trong đánh ra, ngoài đánh vào làm cho vòng vây của giặc tan vỡ. Bình Định Vương Lê Lợi rất khen ngợi, ban thưởng cho Nguyễn Xí và lấy thóc tẩm mật cho chim ăn để bồi dưỡng. Đến nay, người dân vùng đất xứ Thanh Nghệ vẫn lưu truyền bài thơ ca ngợi “đội quân” chim bồ câu của vợ chồng tướng quân Nguyễn Chích.

 

 

Sau chiến thắng quân Minh xâm lược, Nguyễn Chích trở thành khai quốc công thần nhà hậu Lê; vợ ông là Nguyễn Thị Bành được phong làm phu nhân. Từ đó, bà sống cuộc đời của người vợ hiền, lo việc gia đình giúp chồng nuôi dạy con cái, quán xuyến việc nhà kể cả lúc ông ở đỉnh cao danh vọng hay lúc bị nghi kỵ thất sủng. Chính sử không nhắc gì đến người vợ tài năng của Nguyễn Chích, nhưng sự nghiệp của ông có sự đóng góp ít nhiều của người vợ hiền Nguyễn Thị Bành. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, tháng 12-1448 (Mậu Thìn): Nhập nội đô đốc tham dự triều chính đình hầu Lê Chích chết. Chích là công thần khai quốc cũ, thời Thái Tổ đã tham dự triều chính, vì có lỗi mất chức, đến triều Thái Tông được khôi phục làm Đồng tổng quản châu Hóa, trấn thủ Thái Ải.

Người Chiêm hai lần đến cướp, vây thành, Chích lấy ít đánh nhiều cho đến khi phá được. Sau lại đi đánh Chiêm Thành có công, thăng dần đến chức này. Đến khi chết, tặng Nhập nội tư không bình chương sự, đặt thụy là Trinh Vũ. Triều đình còn cho dựng đền thờ ông, về sau lại cho khắc bia ghi tiểu sử và sự nghiệp của Nguyễn Chích. Trên tấm bia “Quốc triều tá mệnh công thần” dựng năm Canh Ngọ (1450) có đoạn viết về ông như sau: Ông ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn, không chăm lo công việc làm ăn cho riêng mình... Lập chí kiên quyết, thấy được sự việc lúc mới phát sinh, tính toán cẩn thận, ứng biến mau chóng, công danh đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình.

Lời bàn:

Trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích được xem là nhân vật tiêu biểu, điển hình, một vị tướng tài ba xuất thân từ tầng lớp nông dân mang trong mình dòng máu anh hùng của một dân tộc không biết đến khuất phục. Nguyễn Chích không chỉ là người đưa ra kế sách giúp Lê Lợi “bình định” thiên hạ, mà đồng thời ông cũng là tướng lĩnh trực tiếp tham gia thực tiễn hóa kế sách do chính mình đề xuất. Không những thế, ông còn thấu hiểu đạo lý muốn giành chiến thắng cuối cùng trong chiến tranh, thì phải biết cách tận dụng tốt nhất mọi nguồn lực mà mình có và đội chim bồ câu của ông là một minh chứng.

Từ quá trình hoạt động cũng như những cống hiến của Nguyễn Chích trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cho thấy, ở ông thể hiện rõ sự uy vũ của một dũng tướng quên mình trên yên ngựa, tung hoành nơi xa trường, giỏi trong cách dùng binh, tài trong lối cầm quân. Đồng thời, bên cạnh cái vũ dũng, ông còn chứng tỏ là một con người thấu thời hiểu thế, một mưu sĩ, một nhà chiến lược có nhãn quan quân sự thiên bẩm trong bộ chỉ huy Lam Sơn, là cánh tay phải đắc lực không thể thiếu, giúp “Lam Sơn động chủ” thực thi sứ mệnh thống nhất thiên hạ. Tài năng của ông mãi được sử sách lưu danh, công lao và những cống hiến của ông muôn đời được lịch sử dân tộc khắc ghi, hậu nhân truyền tụng.

N.D

  • Từ khóa
110003

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu