Thứ 2, 20/05/2024 06:55:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:42, 31/12/2017 GMT+7

Nữ tướng giả trai

Chủ nhật, 31/12/2017 | 08:42:00 258 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Chích quê xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Theo “Văn bia quốc triều tả mệnh công thần”, Nguyễn Chích mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ. Ông là người ít nói, ít cười, hiền lành, trung thực, có chí lớn. Năm Nguyễn Chích 25 tuổi, nước Đại Ngu của nhà Hồ mất do cuộc xâm lược của nhà Minh. Ông nuôi chí đánh đuổi người Minh để cứu nước. Ông là danh tướng kiệt liệt của nghĩa quân Lam Sơn, sau thành đại công thần khai quốc của nhà hậu Lê. Thế nhưng người đương thời cũng như hậu thế ít ai biết, ông và vợ quen nhau trong hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.

 

Minh họa: S.H

Sử sách không chép rõ thời điểm Nguyễn Chích nổi dậy chống quân Minh, nhưng theo các nhà nghiên cứu thì ông khởi nghĩa khoảng năm 1413 cho tới trước khi Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn. Căn cứ ban đầu ông xây dựng là tại Vạn Lộc. Từ Vạn Lộc, Nguyễn Chích đánh ra các vùng xung quanh, cả huyện Đông Sơn quân Minh không dám đến cướp phá. Sau đó, Nguyễn Chích tiến quân đánh chiếm núi Hoàng và núi Nghiêu, là vùng giáp 3 huyện Đông Sơn, Nông Cống và Triệu Sơn, xây dựng khu vực này thành căn cứ lớn.

Căn cứ Nguyễn Chích đóng quân có vách núi dựng đứng và sông Hoàng chảy qua là chiến hào tự nhiên, thuận lợi cho việc phòng thủ lẫn tiến công. Đây là khu vực địa thế hiểm yếu, nhiều hang động, đường đi hiểm hóc nên quân Minh không dám đem đại quân đến đàn áp. Để chiêu hiền đãi sĩ, anh hùng hào kiệt đến tụ nghĩa, Nguyễn Chích đã chọn động Chân Nghĩa ở núi Nghiêu làm nơi tiếp đón. Có nhiều người đã tìm đến Nguyễn Chích để đầu quân, góp sức cùng nhau đánh giặc cứu nước, cứu dân, nhờ đó lực lượng của ông lên đến trên 1.000 người. Nghĩa quân đã xây dựng nhiều đồn lũy, doanh trại, luyện tập quân sĩ. Những nơi này hiện vẫn còn nhiều dấu tích ở huyện Đông Sơn, Thiệu Hóa qua những tên gọi như cồn Pháo, cồn Voi, cồn Binh, cồn Lưỡi kiếm...

Về chuyện đời tư của Nguyễn Chích, mối tình của ông đến một cách rất tình cờ. Đó là khi Nguyễn Chích vẫn là người đứng đầu lực lượng khởi nghĩa ở vùng núi Hoàng và núi Nghiêu, anh hùng nhân sĩ cùng chí hướng tìm đến tham gia khá nhiều. Một hôm, khi ông đang ở trong doanh trại thì nghe nghĩa binh vào báo rằng có một tráng sĩ trẻ tuổi xin gặp chủ tướng. Khi người này bước vào, Nguyễn Chích thấy đó là một chàng trai dáng người nhỏ nhắn, thư sinh tưởng chừng “trói gà không chặt”, ông liền cất tiếng hỏi: Anh có tài năng gì, vì sao lại tìm đến đây?

Tráng sĩ đáp bằng giọng nói nhỏ nhẹ nhưng cương quyết và rất ngắn gọn: Tôi vốn học võ từ nhỏ, nay vì căm thù giặc nên đến xin đầu quân.

Nguyễn Chích liền nói: Anh đã nói như vậy, giờ hãy trổ tài cho ta xem.

Sau đó, ông mời tráng sĩ ra ngoài tỉ thí võ nghệ với một bộ tướng của mình. Không ngờ chỉ một thoáng, qua vài đường võ thuật tráng sĩ trẻ đã đánh ngã viên tướng kia. Tiếp sau thì lần lượt hạ hết tướng này đến tướng khác khiến cả doanh trại từ chủ tướng Nguyễn Chích đến nghĩa binh ai nấy đều kinh ngạc, khâm phục. Thấy người đó tuổi trẻ tài cao, Nguyễn Chích rất mừng bèn thu nhận vào đội quân của mình. Từ đó, qua việc quân hằng ngày, để ý thấy tráng sĩ kia có điều gì khác hẳn với mọi người, ông ngờ ngợ vì dáng vẻ thùy mị, khuôn mặt, làn da, vóc dáng, đi đứng, bàn tay nhỏ nhắn - tất cả như những đường nét của một người con gái.

Quyết tâm giải đáp những thắc mắc của mình, Nguyễn Chích liền cho tổ chức một cuộc thi đấu vật toàn quân, lệnh ban ra ai cũng phải tham dự. Lúc đó, tráng sĩ trẻ kia tìm cách từ chối khéo, thế nhưng trước mệnh lệnh và sự thúc ép của binh tướng, ở vào cảnh không thể làm sao được nữa, tráng sĩ kia đành thú thực với Nguyễn Chích rằng mình là gái giả trai, tên Nguyễn Thị Bành. Không lâu sau, vốn phục tài, đức của nhau, Nguyễn Chích đã lấy Nguyễn Thị Bành làm vợ và phong làm phó tướng. Người vợ này trong giỏi nội trợ, ngoài tường binh thư kiếm pháp, đặc biệt lại có tài nuôi chim bồ câu giống chồng.

Lời bàn:

Trong phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỷ XV, Nguyễn Chích được xem là nhân vật tiêu biểu, điển hình, một vị tướng tài ba xuất thân từ tầng lớp nông dân mang trong mình dòng máu anh hùng của một dân tộc không biết đến khuất phục. Nguyễn Chích không chỉ là người đưa ra kế sách giúp vua “bình định” thiên hạ, ông đồng thời cũng là tướng lĩnh trực tiếp tham gia thực tiễn hóa kế sách do mình đề xuất. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta có thể nói rằng, tất cả thắng lợi của phong trào Lam Sơn đều không thể tách rời ảnh hưởng to lớn của chiến lược Nguyễn Chích. Nhiều nhà nghiên cứu đã xếp vị trí và tầm vóc của Nguyễn Chích trong khởi nghĩa Lam Sơn chỉ sau Lê Lợi và Nguyễn Trãi mà thôi.

Từ sự nghiệp to lớn của Nguyễn Chích, hậu thế ngày nay thấy rõ ở ông sự uy vũ của một dũng tướng quên mình trên yên ngựa, tung hoành nơi xa trường, giỏi trong dùng binh, tài trong lối cầm quân. Và bên cạnh cái vũ dũng, ông còn chứng tỏ là một con người thấu thời hiểu thế, một mưu sĩ, một nhà chiến lược có nhãn quan quân sự thiên bẩm trong bộ chỉ huy Lam Sơn, là cánh tay phải đắc lực không thể thiếu, giúp Lê Lợi thực thi sứ mệnh thống nhất thiên hạ. Tài năng của ông mãi được sử sách lưu danh, công lao và những cống hiến của ông muôn đời được lịch sử dân tộc khắc ghi, hậu nhân truyền tụng.

N.D

  • Từ khóa
110002

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu