Thứ 2, 20/05/2024 05:51:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:06, 26/12/2017 GMT+7

Nỗi oan khiên

Thứ 3, 26/12/2017 | 16:06:00 158 lượt xem
BP - Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Trịnh Khắc Phục là khai quốc công thần nhà Lê sơ. Ông có công giúp Lê Thái Tổ đánh đuổi quân đội nhà Minh. Ông cùng tham gia khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh, thuộc hàng Bình Ngô khai quốc công thần. Khi Thái Tổ Cao hoàng đế bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước, ông trở thành một trong những trụ cột của triều đình, được Cao hoàng đế ban 4 chữ “Lê triều tham chính” để ghi công trạng đóng góp cho quốc gia.

Trịnh Khắc Phục người làng Thủy Chú, huyện Lôi Dương, tỉnh Thanh Hoa (nay là làng Thủy Chú, xã Xuân Thắng, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ông là con của Trịnh Nhữ Lượng, mẹ là Quốc trưởng công chúa Lê Ngọc Tiên, chị ruột của Thái Tổ Cao hoàng đế. Theo gia phả, cụ tổ của họ Trịnh làng Thủy Chú là Trịnh Thậm, nguyên quán xã Cổ Cừu, huyện Đông Sơn, đi chơi đến xã Thủy Chú, thấy đất đai ở đó bằng phẳng, rộng rãi, rừng núi rậm tốt, ruộng vườn đẹp nên quyết định xây dựng nhà cửa ở đây.

Tháng 2-1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại Lam Sơn. Ông cùng 50 người được cử làm tướng văn, tướng võ chia nhau đốc suất đội quân thiết đột ra đánh đuổi giặc Minh. Vương Thông phái các tướng là Trương Phụ, Trần Trí, Sơn Kỳ đem quân đi đàn áp. Lê Lợi cùng các tướng tá phục kích vây hãm quân giặc, bắt sống được hơn ngàn tên. Lúc ấy, ông Trịnh Khắc Phục theo Lê Lợi đánh giặc, chỉ mất một ngày một đêm phá được 3 thành của giặc. Ông qua Nghệ An, Thuận Hóa hỗ trợ các cánh quân khác của ta, rồi lại trở về vùng Giang Bắc, đóng quân trên sông Bồ Đề, sai quân làm thuyền bè, vượt qua Đông Đạo đánh tan quân giặc ở các thành. Xong việc, ông trở về Lam Sơn báo cáo với Lê Lợi.

 

Quân Minh đại bại khắp nơi, chỉ còn tổng binh Vương Thông đóng ở Đông Quan. Thông chia quân ra cố thủ rồi sai người về xin quân tiếp viện. Ngày 12-6-1428, tướng nhà Lê là Trần Lựu, Lê Bôi đem quân đánh tan, tiêu diệt trên một ngàn tên. Bọn giặc bị thua chạy. Hoàng đế nhà Minh lại sai tên Tổng binh An Viễn hầu Liễu Thăng cùng Kiềm quốc công Mộc Thạch, Bảo định bá Lương Dung, Đô đốc Thôi Tụ, Thượng thư Lý Khánh, Hoàng Phúc làm viện binh. Liễu Thăng lĩnh 10 vạn quân theo Khâu Ôn mà sang; Mộc Thạch lĩnh 5 vạn quân theo đường từ Vân Nam tiến đến.

Ngày 18-9, Trịnh Khắc Phục lĩnh 1.000 quân kéo thẳng đến ải Chi Lăng phục sẵn ở chỗ hiểm yếu rồi sai Trần Lựu đem quân ra khiêu chiến trước, giả thua bỏ chạy. Liễu Thăng thân chinh đốc quân đuổi theo. Chờ cho Liễu Thăng đến chỗ quân ta phục kích, ông Trịnh Khắc Phục cùng các tướng bốn bề nổi dậy, chém được Liễu Thăng, Lý Khánh, lũ giặc tan tác. Lê Lợi cho viết thư nói rõ sự đại bại của Liễu Thăng cho Mộc Thạch nghe. Quân và tướng Mộc Thạch hãi, kéo quân trở về.

Năm 1433, Thái Tổ Cao hoàng đế băng hà, Thái Tông lên kế vị. Do Thái Tông còn nhỏ, Đại tư đồ Lê Sát nắm trọn quyền lực triều đình. Lê Sát có tư thù với Lưu Nhân Chú, người anh em cùng mẹ với Khắc Phục nên bãi chức Nam Đạo Hành khiển của ông. Năm 1437, Thái Tông lại phong ông làm Bắc đạo quân dân bạ tịch, cùng năm đó Thái Tông giết Tư mã Lê Sát, chính thức lấy lại quyền hành. Tuy nhiên tháng 8 năm đó, Trịnh Khắc Phục phạm tội dùng người không đúng, khiến Thái Tông rất giận, nhưng do là hoàng thân quốc thích, Thái Tông chỉ biếm ông 1 tư.

Năm 1446, ông được cử cùng Lê Thụ, Trịnh Khả đem 60 vạn quân đi đánh ChiêmThành. Bấy giờ chúa Chiêm là Bí Cai hay đem quân quấy nhiễu, thái hậu ra lệnh đi đánh. Sau đó, các cánh quân đều đánh đến thành Đồ Bàn, phá hủy gần hết, bắt chúa Bí Cai cùng phi tần, voi, ngựa, vũ khí, nhiều không kể xiết.

Ngày 26-7-1451, Trịnh Khắc Phục cùng con là Phò mã đô úy Trịnh Bá Nhai; Thái úy Trịnh Khả cùng con là Trịnh Quát bị Nguyễn thái hậu xử tử, đương thời cho rằng những người này bị oan. Năm 1453, Nhân Tông hoàng đế đích thân trông coi chính sự, minh oan cho ông.

Lời bàn:

Theo sử cũ, ngày 26-7-1451, tức 9 năm sau án tru di tam tộc đầy oan khiên của Nguyễn Trãi thì Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả cùng hai người con trai trưởng của họ cũng bị giết hại bởi bàn tay của một người đàn bà - thái hậu Nguyễn Thị Anh. Trong cái chết của các công thần thời ấy, xét về chính lệnh là quyền ở vua, nhưng xét về thâm sâu thì do chủ ý của các thái hậu nhiếp chính. Và cái chết oan ức của hai vị đại thần đầu triều Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả là hệ lụy tất yếu của vụ án bất minh tru di tam tộc Nguyễn Trãi, là một chứng cứ để khẳng định vụ án Nguyễn Trãi là bất minh.

Và cái chết ấy cũng là minh chứng hùng hồn để khẳng định nhân cách cứng cỏi, trung thực, bất khuất của Trịnh Khắc Phục và Trịnh Khả. May thay, nỗi oan khiên ấy đã được vua Lê Nhân Tông thấu tỏ. Khi đích thân trông coi chính sự, ông đã minh oan cho hai vị đại thần này. Như vậy, với tài năng, công lao cống hiến của Trịnh Khắc Phục cho cuộc khởi nghĩa Lam Sơn cũng như suốt 3 triều vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông nên cuối cùng danh dự của ông đã được trả lại đúng như sự thật vốn có của nó.

N.D

  • Từ khóa
110000

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu