Thứ 2, 20/05/2024 05:49:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:06, 14/12/2017 GMT+7

Tấm bia ơn thầy

Thứ 5, 14/12/2017 | 16:06:00 109 lượt xem

BP - Theo sách “Địa chí Hải Dương”, từ xa xưa, làng Nghĩa Phú, xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương đã nổi tiếng là nơi sinh ra những con người tài hoa và có nhiều đóng góp cho xã hội. Một trong số đó phải kể đến là giám sinh Quốc Tử Giám Nguyễn tiên sinh, tức cụ Nguyễn Vĩ Tích, là hậu duệ đời thứ 6 của dòng họ Nguyễn Gia. Cụ là người có công dạy dỗ nhiều học trò đỗ tiến sĩ.

Dòng họ Nguyễn Gia sinh sống ở làng Nghĩa Phú đến nay khoảng 300 năm, truyền được 15 đời, chia làm 3 chi. Dòng họ có nhiều người tài giỏi, đỗ đạt làm quan và phát triển sự nghiệp ở khắp nơi, trong đó có cụ Nguyễn Vĩ Tích. Theo gia phả dòng họ Nguyễn Gia, cụ Nguyễn Vĩ Tích có hiệu là Lượng Trực, sinh năm 1772, mất năm 1814. Sinh thời, cụ là người thông minh lỗi lạc, có chí lớn, tính tình chân thật, tướng mạo đẹp, tiếng nói vang như chuông đồng. Cụ có học vấn uyên bác, thơ văn sâu lắng, gây ấn tượng mạnh mẽ. Đặc biệt, cụ có tinh thần học hỏi không biết mệt mỏi.

Triều Lê năm Đinh Mùi - 1787, cụ tham gia thi hội và đỗ tam trường. Đến triều Nguyễn, năm Gia Long thứ hai (1803), cụ được cử làm Tri huyện Đông Quan, tỉnh Thái Bình. Mặc dù làm Tri huyện nhưng cuộc sống của cụ rất giản dị, không màng vật chất. Nhiều vụ việc được cụ xét xử công minh, thấu tình đạt lý nên được người dân tin yêu. Tuy nhiên, chốn quan trường có nhiều đố kỵ, ghen ghét, vì thế cụ treo ấn từ quan về sống cuộc đời an nhàn và dạy học. Thời gian đầu, cụ mở trường dạy học tại các vùng Vĩnh Lại, Phù Tải, Hoa Dương, Kim Động, Nam Xương, Cao Đà...

 

Với tâm đức sáng ngời, tiếng lành đồn xa, học trò ở khắp nơi xin về trường cụ học chữ, làm người quân tử. Trong số hàng trăm học trò của cụ có nhiều người đã đỗ tiến sĩ và làm quan giúp dân, giúp nước như Đệ nhị giáp tiến sĩ Phạm Nghị, Tả tham tri bộ Hình Bùi Ngọc Quỹ, nguyên Giáo thụ Nguyễn Vĩ... Năm 1814, cụ Vĩ Tích lâm bệnh nặng nên về quê tại làng Nghĩa Phú để dưỡng bệnh và mất ngày 3-11 âm lịch. Người xưa truyền lại khi hấp hối, cụ gọi học trò và con cháu đến dặn rằng, thời trẻ cụ quyết chí thi đỗ tiến sĩ nhưng không đạt được ước nguyện nên mong con cháu hết lòng học hỏi để thành người tài có ích cho dân, cho nước.

Sau khi cụ mất, năm 1842, người dân địa phương và học trò của cụ đã quyên góp được 90 quan tiền, 3 mẫu ruộng để lập bia đá thờ cúng, tỏ lòng biết ơn cụ. Bia có 4 mặt hình hộp chữ nhật (kích thước 100x50cm) không có hoa văn. Mặt trước có khắc 7 dòng chữ ghi tên, học vị, chức vụ của thầy Vĩ Tích. Trải qua thời gian, tấm bia đá vẫn được dòng họ Nguyễn Gia lưu giữ tại nhà thờ họ ở xóm Cầu Thầy, làng Nghĩa Phú như một minh chứng cho những công lao to lớn của thầy Vĩ Tích, cũng như lòng tôn sư, trọng đạo của những học trò với thầy giáo đáng kính.

Tấm bia đá dù không có giá trị lớn về vật chất nhưng có ý nghĩa to lớn về lịch sử, văn hóa và giáo dục. Nó ghi nhận công lao đóng góp của cụ Vĩ Tích trong việc giáo dục và phát triển người tài. Cao hơn nữa là thể hiện tình cảm trân trọng của thế hệ học trò với người thầy đáng kính. Ý nghĩa giáo dục của tấm bia đá về tình thầy trò vẫn mãi vẹn nguyên đến tận hôm nay.

Trải qua gần 200 năm lịch sử, tấm bia đá khắc ghi công ơn dạy dỗ của cụ Vĩ Tích đối với các học trò đã trở thành câu chuyện được dòng họ Nguyễn Gia và người dân địa phương lưu truyền. Tấm bia như lời nhắc nhở các thế hệ con cháu sau này phải nhớ lấy truyền thống tôn sư, trọng đạo, không ngừng học tập nuôi dưỡng ý chí vươn lên. Tiếp nối truyền thống của tổ tiên, ngày nay, những người con của dòng họ Nguyễn Gia vẫn không ngừng học tập và rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Hằng năm, dòng họ có nhiều con cháu đạt học sinh giỏi các cấp, nhiều người thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học trong cả nước. Cứ vào dịp lễ, tết hay ngày giỗ của cụ Vĩ Tích, con cháu dòng họ Nguyễn Gia và người dân địa phương lại tề tựu về đây để dâng hương tưởng nhớ người thầy giản dị này.

Lời bàn:

Từ ngàn đời nay, hiếu học đã trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Biểu hiện trước hết của truyền thống hiếu học là tinh thần ham học hỏi, thích hiểu biết một cách tự nguyện và bền vững. Biểu hiện thứ hai của truyền thống hiếu học là thái độ luôn coi trọng sự học, coi trọng người có học. Từ đó hình thành đạo lý tôn sư trọng đạo “Kính thầy mới được làm thầy”. Thậm chí trong tam cương, người xưa còn đặt người cha tinh thần trước người cha đẻ của mình (quân - sư - phụ).

Hơn nữa, hiếu học sẽ giúp con người không chỉ thoát nghèo mà còn có thể giàu có một cách sang trọng. Bởi nhờ hiếu học mà con người có được nghề nghiệp, có thu nhập cao và ổn định. Và cũng nhờ có học mà tài năng của mỗi cá nhân được tỏa sáng, có cơ hội thỏa ước mơ “tu, tề, trị, bình” của mình. Cổ nhân đã dạy rằng “Muốn sang thì bắc cầu kiều; Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”. Tiếc rằng, truyền thống tốt đẹp ấy của dân tộc không phải ngày nay cũng được tất thảy mọi người làm theo. Thế mới có chuyện học trò hành hung thầy giáo ngay trên bục giảng. Lại còn có cả phụ huynh vào tận trường học để tìm đánh thầy giáo của con mình, thật đáng buồn thay! 

N.D

  • Từ khóa
109995

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu