Thứ 2, 20/05/2024 07:26:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:55, 03/12/2017 GMT+7

Đệ nhất trung thần

Chủ nhật, 03/12/2017 | 13:55:00 401 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Nam thực lục”, Nguyễn Kim là người chỉ huy quân đội thời Lê trung hưng, ông đã tích cực đối kháng nhà Mạc sau khi nhà Lê sơ sụp đổ. Ông đã đem con em chạy sang Ai Lao, chiêu tập binh mã, tôn lập vua Lê Trang Tông, đặt nền móng gây dựng lại nhà Lê khởi đầu thế Nam - Bắc triều (1533-1592). Ông được truy tôn miếu hiệu là Triệu Tổ của các chúa Nguyễn và ngoại tổ phụ của các chúa Trịnh.

Minh họa: S.H

Cũng theo sách trên, tổ tiên họ Nguyễn trước là một họ có danh vọng ở xứ Thanh Hoa. Cha Nguyễn Kim là Trừng quốc công Nguyễn Hoằng Dụ. Nguyễn Kim là con trưởng, làm quan triều Lê, giữ chức Hữu vệ Điện tiền tướng quân, tước An Thanh hầu. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Kim có tên húy là Cam, người làng Bái Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoa, là con của Yên Hòa hầu Nguyễn Hoằng Dụ và cháu của Nghĩa Quận Công Nguyễn Văn Lang.

Năm Canh Dần - 1530, Mạc Đăng Dung tiếm ngôi vua được 3 năm, sợ nhân tâm không ổn định, bèn truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh. Sau đó, Mạc Đăng Doanh đổi niên hiệu là Đại Chính, tôn Mạc Đăng Dung làm Thái thượng hoàng. Khi ấy, Lê Ý là con trai của An Thái công chúa đã khởi binh chống lại, xưng niên hiệu Quang Thiệu, hiệu triệu tướng sĩ các xứ Thanh Hoa, Nghệ An hợp binh đánh nhà Mạc. Nhưng sau đó, Lê Ý bị Mạc Quốc Trinh bắt vào tháng 11.

Thời ấy, cha con Mạc Đăng Doanh do thoán nghịch nên hào kiệt không phục, thổ tù các nơi khởi binh. Nguyễn Kim đóng ở nước Ai Lao;  Trịnh Ngung, Trịnh Ngang chiếm cứ xứ Thái Nguyên; Vũ Văn Uyên chiếm cứ xứ Tuyên Quang. Các tướng đều danh nghĩa phục quốc. Các xứ Thanh, Nghệ, Tuyên, Hưng đều không theo họ Mạc. Năm 1529, Nguyễn Kim ở Thanh Hoa lúc ấy giữ chức Hữu vệ Điện tiền tướng quân An Thanh hầu, đem con em chạy sang nước Ai Lao. Chúa nước Sạ Đầu cho rằng Đại Việt và nước họ có quan hệ môi răng, nên mới đem nhân dân và đất đai Sầm Châu cấp cho Nguyễn Kim. Từ đó Nguyễn Kim nuôi dưỡng sĩ tốt, chiêu nạp kẻ chạy trốn, làm phản rồi ngấm tìm con cháu họ Lê lập nên để mưu khôi phục.

Tháng 12-1530, Nguyễn Kim lánh nạn ở châu Sầm Thượng, Sầm Hạ nước Ai Lao thu dụng được vài ngàn người, 30 con voi và 300 con ngựa. Theo lời thỉnh cầu của các tướng, ông dẫn quân về Thanh Hoa. Nguyễn Kim đóng quân ở Lôi Dương, bị phục binh của Ngọc Trục hầu, tướng của Mạc Đăng Doanh đánh bại. Mùa xuân năm Tân Mão -1531, Mạc Đăng Doanh sai tướng Nguyễn Kính đánh Nguyễn Kim ở xứ Thanh Hoa. Nguyễn Kim đón đánh, phá tan quân của Nguyễn Kính, rồi sai quân đóng giữ các huyện.

Nguyễn Kính lại đánh vào Đông Sơn, Nguyễn Kim phá được, giết và bắt sống vài trăm người, rồi dẫn quân ra Gia Viễn, Điềm Độ chiêu dụ và chiếm đất. Tháng 9-1531, trời mưa nhiều, nước sông dâng tràn, nhà Mạc dùng chiến thuyền tiến đánh, quân Nguyễn Kim tháo chạy tán loạn, không thể cố thủ. Nguyễn Kim dẫn quân trở về Ai Lao. Năm ấy, xứ Thanh Hoa bị đói to. Năm 1533, các cựu thần nhà Lê gồm An Thanh hầu Nguyễn Kim, Hòa Trung hầu Lại Thế Vinh, Lỵ quốc công Trịnh Duy Thuận, Phúc Hưng hầu Trịnh Duy Duyệt và Tả đô đốc Trịnh Duy Liệu dựng người con của vua Lê Chiêu Tông tên Duy Ninh làm vua, tức Trang Tông. Sau khi Duy Ninh lên ngôi đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.

Vua Lê Trang Tông đã tấn phong cho tứ vị công thần khai quốc. Nguyễn Kim là Thượng phụ Thái sư Hưng Quốc công; Trịnh Kiểm là Dực Quận công, Trịnh Công Năng là Tuyên Quận công; Lại Thế Vinh là Hòa Quận công, lại ban cho mỗi vị một quả ấn và một thanh gươm để làm tướng soái tự mang quan bản bộ đi tiêu diệt quân Mạc và phủ dụ dân chúng ở các địa phương hướng về nhà Lê trung hưng. Sau đó, vua Lê Trang Tông sai Trịnh Duy Liệu vượt biển sang nhà Minh, tâu cáo tội trạng của Mạc Đăng Dung và xin nhà Minh đánh dẹp.

Lời bàn:

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi của Lê Cung Hoàng, từ đó chấm dứt nhà Lê sơ, lập nên triều Mạc (1527-1592). Khi ấy, nhân gian khắp nơi xáo xác, công thần dù hoài Lê nhưng lại không đủ sức đứng ra cự lại. Vậy nên có những vị trung nghĩa với nhà Lê vì quá uất ức mà tự mình tìm đến cái chết. Có người vì buồn chán mà thay tên, đổi họ để sống cuộc đời mai danh ẩn tích quyết không ra hợp tác với nhà Mạc. Lại có người bỏ hết sự nghiệp tìm đến nơi thâm sơn cùng cốc để thiền định tu hành. Duy chỉ có Nguyễn Kim là lo chiêu tập hào kiệt bốn phương lánh lên vùng đất Sầm Châu lập bản doanh phò Lê diệt Mạc. Sau đó ông đã giúp vua Lê Trang Tông từng bước đánh chiếm lại các vùng đất mất và được vua Lê phong làm Thái sư, Hưng Quốc công, nắm giữ tất cả binh quyền.

Theo nội dung của giai thoại đã nêu, Nguyễn Kim quả là một danh tướng, một đệ nhất trung thần của vua Lê Trang Tông. Và cũng chính ông đã góp phần to lớn để vua Lê Trang Tông giành lại cơ nghiệp của nhà Lê. Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng vậy, muốn lên sự nghiệp lớn thì rất cần có những người thực tài và trung thành giúp sức. Và cũng từ đây suy ra, người lãnh đạo phải biết trọng dụng, gần gũi, lắng nghe trung thần, xa lánh, cảnh giác trước nịnh thần và nghiêm trị gian thần. Muốn thành công, mong rằng đừng ai quên điều này. 

N.D

  • Từ khóa
109990

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu