Thứ 2, 20/05/2024 04:54:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:37, 28/11/2017 GMT+7

Thanh liêm, chính trực

Thứ 3, 28/11/2017 | 12:37:00 136 lượt xem

BP - Nguyễn Húc, sinh năm 1379, mất năm 1469, có tên khác là Nguyễn Đình Húc, tự Di Tân, hiệu Cúc Trang. Ông là nhà thơ và là quan trong triều đình Lê sơ. Ông sinh ra tại làng Kệ Sơn, huyện Hiệp Sơn (nay thuộc xã Hoành Sơn, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Thuở nhỏ, ông đã thông minh, ham học, lớn lên ông trở thành người văn võ song toàn.

Cha ông là Nguyễn Đình Đỉnh, đỗ Thái học sinh (sau này gọi là tiến sĩ) thời nhà Trần. Theo sách “Dư địa chí Hải Dương”, mùa đông năm 1406, vua Minh sai Trương Phụ và Mộc Thạnh mang 20 vạn quân ồ ạt kéo sang xâm lược nước ta. Quân đội nhà Hồ không ngăn được thế giặc lần lượt rút lui, sau đó thất bại, đất nước rơi vào ách đô hộ của nhà Minh. Vốn là người có tài thao lược, Nguyễn Đình Húc đã tập hợp nghĩa quân đánh giặc. Ngay tại mảnh đất quê hương, dựa vào địa hình núi rừng hiểm trở, ông cho quân làm bẫy đá diệt được nhiều giặc. Trận đánh lớn nhất là trận Thạch Bàn, trên đồi thông Nam. Tại đây ông đã tiêu diệt gọn toán giặc Minh, chém đầu tướng giặc là Trần Đăng Khoa khiến kẻ địch kinh hãi. Sau chiến thắng, Nguyễn Đình Húc đã mở rộng ảnh hưởng ra các vùng xung quanh.

Minh họa: S.H

Năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, Nguyễn Húc mang toàn bộ lực lượng hưởng ứng, được Lê Lợi phong làm phó tướng, trấn giữ miền Đông Bắc, lập nhiều chiến công lớn. Sau kháng chiến chống quân Minh thắng lợi, Nguyễn Húc được bổ nhiệm làm Tri phủ Bắc Ninh. Ông làm quan thanh liêm, chính trực, được nhân dân kính trọng. Khi triều đình nhà Lê mâu thuẫn nội bộ, một số công thần bị giết oan, ông cáo quan về quê vui thú điền viên.

Tuy vậy, ông vẫn quan tâm đến tình hình đất nước, thái độ quan lại chốn kinh kỳ. Khi về quê, ông lấy tên tự là Di Tân, hiệu Cúc Trang, làm thơ ngâm vịnh để thể hiện tình cảm và tâm sự của mình. Ông mất năm Quang Thuận thứ 10 (1469), thọ 91 tuổi. Nhớ công ơn của ông,  nhân dân lập đền thờ trên núi Thiên Kỳ, làng Kệ Sơn. Nhà thờ họ và di duệ của ông hiện vẫn cư trú tại cố hương.

Tác phẩm của Nguyễn Húc có “Cưu đài tập”, còn được gọi là “Cưu đài thi tập” và một số bài thơ chép trong “Toàn Việt thi lục”. “Cưu đài thi tập” là tập thơ trữ tình gồm 95 bài chữ Hán được viết theo thể thất ngôn luật, một số bài thể ngũ ngôn và 36 bài từ, mỗi bài viết theo một điệu. Đây là tập thơ phần lớn được ông sáng tác dưới thời thuộc Minh. Trong tập thơ này có bài tựa do chính Nguyễn Húc viết năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), đời Lê Thái Tổ. Hiện nay ở Thư viện Khoa học xã hội (Hà Nội) còn giữ được một bản chép lại.

Thơ Nguyễn Húc chất chứa nhiều cảm xúc buồn thương của một kẻ sĩ ẩn dật trong thời mất nước hơi lạc với âm điệu hùng hồn của thời đại chống Minh như các bài: Phong vũ thán (Than cảnh gió mưa), Hiểu thán (Buổi sáng than phiền), Hàn dạ độc lập (Một mình trong đêm lạnh), Phong vũ hối (Gió mưa mù mịt)... Ông cũng sáng tác một số bài nói về nỗi cô đơn, lạnh lùng của người khuê nữ, như: Phong vũ khuê tư (Nỗi niềm phòng khuê trong mưa gió), Thu khuê oán (Nỗi oán phòng khuê mùa thu)... Và mặc dù có một số bài thơ viết về việc nhà vua đi dẹp loạn, về tình cảm đối với dân, về quan hệ của tác giả đối với bạn hữu... song nhìn chung, “Cưu đài tập” rất ít đề cập tới những vấn đề cụ thể về thế sự, dân tâm, về gia cảnh của tác giả...

Về mặt nghệ thuật, thể cách thơ ông rất đa dạng, phóng túng, ít bị gò ép. Thơ ông có 6 bài được chép trong sách “Toàn Việt thi lục” và 1 bài được chép trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí”. Tương truyền, Nguyễn Húc là bạn thân của danh nhân Nguyễn Trãi. Sau khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, ông đã mang di hài Nguyễn Trãi về Kệ Sơn (Kinh Môn) mai táng. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa tìm được di tích.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại đã nêu và các tài liệu lịch sử còn lưu lại đến ngày nay, Nguyễn Húc là một nhà quân sự, một nhà thơ tài hoa. Ông thật sự là con người văn võ song toàn, một vị quan thanh liêm, chính trực được người đương thời và hậu thế yêu mến, kính trọng, tôn vinh. Vì thế khi còn làm quan, thấy triều đình nhà Lê có chất chồng mâu thuẫn, vua thì nhu nhược, quan ra sức vơ vét của dân, chính sự suy đồi nên ông cáo quan trở về quê, vui cảnh núi rừng. Tuy nhiên, ông vẫn theo dõi tình hình đất nước “ngoảnh lại Tràng An trời thăm thẳm” và lên án một số quan lại ăn chơi xa xỉ không chăm lo cho dân.

 Khi ông sắp mất, người dân địa phương đã gọi ông là Khuất Nguyên. Và để tỏ lòng tôn kính, nhân dân đã lập đền thờ ông trên núi Thiên Kỳ, ngọn núi ông từng mài gươm, ăn thề cùng nhân dân và nghĩa quân quyết đánh giặc Minh bảo vệ quê hương. Hiện nay hòn đá thề và đá mài gươm vẫn còn ở phía sau đền. Thế mới hay rằng, chính sử có thể bỏ sót, song với nhân dân thì không đời nào quên ơn những người đã có công với giang sơn xã tắc. Chính vì vậy mà cuộc đời và sự nghiệp của ông tồn tại mãi trong lòng người dân vùng đất Kệ Sơn. Vâng, thời nào cũng vậy, chính nhân dân là những người làm nên lịch sử và họ cũng là những người chép sử trung thành nhất.

N.D

  • Từ khóa
109988

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu