Thứ 2, 20/05/2024 05:19:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:43, 19/11/2017 GMT+7

Vua tự nhận sai

Chủ nhật, 19/11/2017 | 14:43:00 254 lượt xem
BP - Nguyễn Huệ (1753-1792), tức Quang Trung hoàng đế hay Bắc Bình Vương. Ông là hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn, sau khi Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc thoái vị và nhường ngôi cho ông. Nguyễn Huệ không những là một trong các vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế - xã hội nổi bật trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Nguyễn Huệ sinh năm Quý Dậu, tức năm 1753, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 13, dưới triều vua Lê Hiển Tông nhà hậu Lê. Ông còn có tên là Quang Bình, Văn Huệ hay Hồ Thơm. Sau này, người dân địa phương thường gọi ông là Đức ông Bình hoặc Đức ông Tám. Theo sách “Quang Trung anh hùng dân tộc” thì Nguyễn Huệ tóc quăn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, can đảm. Trong sách “Tây Sơn lược” còn miêu tả đôi mắt Quang Trung “ban đêm khi ngồi không có đèn thì ánh sáng từ đôi mắt soi sáng cả chiếu”.

Người dân và du khách dâng hoa, dâng hương tại Tượng đài hoàng đế Quang Trung (Bình Định)

Lớn lên, 3 anh em Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ được đưa đến thụ giáo cả văn lẫn võ với thầy Trương Văn Hiến. Trương Văn Hiến là môn khách của Trương Văn Hạnh, còn Trương Văn Hạnh là thầy dạy của Nguyễn Phúc Luân - cha Nguyễn Ánh. Sau khi Trương Văn Hạnh bị quyền thần Trương Phúc Loan hãm hại, Trương Văn Hiến chạy vào Bình Định. Chính người thầy này đã phát hiện được khả năng của Nguyễn Huệ và khuyên bảo 3 anh em khởi nghĩa để xây dựng đại nghiệp.

Tương truyền câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” là của Trương Văn Hiến. Khi ấy, Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ đều là những người rất giỏi võ nghệ và khai sáng ra một số võ phái Bình Định. Nguyễn Huệ khai sáng Yến phi quyền, Nguyễn Lữ sáng tạo Hùng kê quyền và cả 3 anh em Tây Sơn sáng tạo Độc lư thương. Tây Sơn tam kiệt có vai trò rất lớn trong sự hình thành, phát triển võ phái Tây Sơn Bình Định, đồng thời là những đầu lĩnh sáng tạo, cải cách các bài quyền, bài binh khí để truyền dạy cho ba quân trong giai đoạn đầu khởi nghĩa.

Quang Trung là vị vua có nhiều chiến công lừng lẫy, được người đương thời cũng như hậu thế tôn vinh là tài ba sáng suốt. Trong nhiều câu chuyện nói về tài năng lỗi lạc của ông, có sự việc cho thấy ông còn là vị vua rất cầu thị. Đó là việc ứng xử trước lá đơn “kiện” của dân làng Văn Chương ở Thăng Long. Năm 1789, sau khi vua Quang Trung đánh thắng quân Thanh thì dân trại Văn Chương (ở gần Văn Miếu) dâng lên một tờ sớ. Nội dung nói về việc Văn Miếu Thăng Long bị đốt cháy, bia đá bị đạp đổ ngổn ngang. Tờ sớ nói rõ: Bia Tiến sĩ vô can vô tội/Mà vạ lây vì nỗi cháy thành/Bia thì đạp đổ tung hoành/Nhà bia thì đốt tan tành ra tro. Tờ sớ cũng có ý trách vua Quang Trung: Một nền văn hiến lâu dài/Tiếc thay chưa được đón ngài ngự thăm.

Đọc sớ xong, vua Quang Trung thấy lạ vì nó không viết theo thể thức tờ sớ thông thường mà được một thầy Nho viết bằng chữ Nôm và văn vần theo đúng sở thích của ông. Mặt khác, tờ sớ tuy dẫn ra nghi vấn quân Trịnh Khải phá bia nhưng thực chất là để nói tránh việc quân Tây Sơn phá Văn Miếu nhằm đỡ làm mất lòng vua. Sớ còn không gọi vua là hoàng thượng mà lại lắt léo gọi là “ngài”, ngầm tỏ ý chưa phục.

 Vua Quang Trung không lờ đi hoặc sai người tra xét xem kẻ nào to gan viết tờ sớ đó và những ai dự vào việc đòi dựng lại bia, mà vị hoàng đế đã phê ngay vào đơn ấy như sau: Thôi! Thôi! Thôi! Việc đã rồi/Trăm điều hãy cứ trách bồi vào ta! Nay mai dọn lại nước nhà/ Bia Nghè lại dựng trên tòa muôn gian/Cơ đồ họ Trịnh đã tan?/Chớ đổ Trịnh Khải mà oan muôn đời. Như vậy, trước đơn “kiện” của dân, nhà vua chẳng quanh co mà thẳng thắn nhận trách nhiệm và hứa sẽ sửa chữa lại Văn Miếu. Với việc này quả thực vua Quang Trung đã thể hiện sự dũng cảm và thẳng thắn của một bậc minh quân.

Lời bàn:

Được sinh ra làm người và sống trên cõi đời này, dù ít hay nhiều, nặng hay nhẹ thì ai cũng có sai sót, lỗi lầm. Và khác nhau là ở chỗ người không có khả năng thấy được sai lầm, thậm chí còn cho rằng mình không thể phạm sai lầm, thiếu sót, hoặc có người đã thấy mình sai lầm, có lỗi nhưng không chịu thừa nhận, nếu có thừa nhận thì cũng không chịu sửa chữa, không xin lỗi hoặc có sửa chữa mà cũng không thành thật, không quyết tâm cho đến cùng. Giữa người bình thường với danh nhân khác nhau là ở chỗ đó. Chính vì vậy, từ xưa, các bậc minh triết, thánh hiền đã chỉ ra rằng, việc thấy được sai lầm của bản thân mình, có dũng khí để công khai thừa nhận và có quyết tâm sửa chữa những lỗi lầm đó là những dấu chỉ của một con người chân chính, trung thực, đáng cho mọi người tin cậy, kính trọng.

Chính điều này đã đưa Nguyễn Huệ từ một nông dân trở thành anh hùng dân tộc. Tiếc rằng, trong đời sống ngày nay điều đơn giản ấy ai cũng biết, nhưng chẳng mấy ai thực hiện được. Vì thế, có không ít người dường như đã quên cách phát âm hai cặp từ “cảm ơn” và “xin lỗi”. Thậm chí, ngay trong trường học đã có hiện tượng học sinh nói tục, chửi bậy, ngổ ngáo và có biểu hiện coi thường pháp luật, thậm chí có những hành vi trái thuần phong mỹ tục... Vậy, làm gì để ngăn chặn hiện tượng này? Trách nhiệm trả lời câu hỏi này không của riêng ai.

N.D

  • Từ khóa
109984

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu