Thứ 2, 20/05/2024 08:39:16 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:17, 05/10/2017 GMT+7

Câu đố chết người

Thứ 5, 05/10/2017 | 08:17:00 145 lượt xem

BP - Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí”, Mạc Đĩnh Chi là người làng Lũng Động, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Đông (tỉnh Hải Dương ngày nay), tổ tiên ông là Mạc Hiển Tích, đỗ khoa Thái học sinh năm Bính Dần, đời vua Lý Nhân Tông. Mạc Đĩnh Chi có tên chữ là Tiết Phu, hiệu là Tích Am, là quan đại thần triều Trần. Ông thông minh hơn người, nhưng tướng mạo xấu xí. Năm 1304, đời vua Trần Anh Tông, triều đình mở khoa thi và Mạc Đĩnh Chi đỗ trạng nguyên. Ban đầu, nhà vua chê ông thấp bé, xấu xí. Vị trạng nguyên 24 tuổi bèn làm bài phú “Ngọc tĩnh liên” và tự ví mình như sen. Theo sách “Lịch triều hiến chương loại chí” do Phan Huy Chú biên soạn, vua Anh Tông xem xong, thán phục trước tài văn thơ của Mạc Đĩnh Chi và thăng ông làm Thái học sinh dũng thủ, sung chức Nội thư gia.

Minh họa: S.H

4 năm sau, Mạc Đĩnh Chi đi sứ nhà Nguyên mừng vua Nguyên Vũ Tông lên ngôi. Tại thời điểm đó, quan hệ giữa hai triều đình không mấy ôn hòa nên sứ thần thường bị làm khó. Tuy nhiên, trong hoạt động bang giao, vị trạng nguyên trẻ tuổi của nước ta đã chứng tỏ được tài năng, khí phách của mình. Chuyện kể rằng, trong buổi tiếp kiến đầu tiên, thấy sứ thần Đại Việt nhỏ bé, người Nguyên tỏ ý khinh thường bèn ra câu đối: “Nhật hỏa vân yên, bạch đán thiêu tàn ngọc thố”. Nghĩa là: Mặt trời là lửa, mây là khói, ban ngày thiêu cháy vầng trăng và hàm ý của câu đối này là đại quốc đủ sức thâu tóm các nước nhỏ, trong đó có Đại Việt.

Vừa nghe xong, Mạc Đĩnh Chi bình tĩnh đối đáp lại như sau: Nguyệt cung tinh đạn, hoàng hôn xạ lạc kim ô. Nghĩa là: Trăng là cung, sao là đạn, chiều tới bắn rơi mặt trời. Dù tức giận, nhưng vua nhà Nguyên vẫn phải thừa nhận câu đối của ông rất hay và chỉnh không thể bắt bẻ được. Cũng trong lần đi sứ này, nhờ tài ứng đối nhanh nhạy, Mạc Đĩnh Chi được vua Nguyên thán phục, rồi tự tay hạ bút phong cho ông là “Lưỡng quốc trạng nguyên”. Trong lịch sử bang giao 2 nước, ông là người đầu tiên được triều đình phương Bắc công nhận danh hiệu này.

Ngoài ra, trong suốt thời gian làm quan, Mạc Đĩnh Chi có 2 lần đi sứ và vị trạng nguyên lỗi lạc đã để lại nhiều giai thoại đặc sắc. Tương truyền, khi đoàn sứ bộ Đại Việt cáo biệt triều đình nhà Nguyên để về nước, Mạc Đĩnh Chi nhận một câu đố hiểm hóc mà chỉ cần trả lời sai, ông chắc chắn sẽ mất mạng. Họ đố rằng: Có một chiếc thuyền, trong đó có vua, thầy học và cha mình (quân, sư, phụ) bơi đến giữa sông chẳng may gặp sóng lớn đắm thuyền. Khi ấy, ngươi ở trên bờ ra cứu, nhưng chỉ có thể cứu được một người thôi, thế thì ngươi cứu ai?

Rõ ràng, đây là một trường hợp khó chu toàn trung, hiếu, nghĩa. Trước nguy cơ bị xử tử nếu như nói sai, nhưng khi ấy Mạc Đĩnh Chi không chút nao núng và đưa ra đáp án thích hợp nhất: Thần đứng trên bờ, thấy thuyền bị đắm, tất phải vội vã nhảy xuống sông bơi ra cứu, hễ thần gặp ai trước thì thần cứu người ấy trước, bất kể người ấy là vua, thầy học hay cha mình. Và câu trả lời rất chuẩn này không chỉ thể hiện sự nhanh trí mà còn cho thấy thái độ bình tĩnh, gặp nguy không loạn của trạng nguyên nước ta.

Ngoài ra, liên quan đến câu chuyện đi sứ, còn có giai thoại kể rằng, sứ thần Cao Ly mến mộ tài năng, đức độ của sứ thần Đại Việt trẻ tuổi nên mời Mạc Đĩnh Chi qua Cao Ly chơi và gả cháu gái cho ông. Người thiếp này đã sinh cho ông một trai, một gái. Về sau, ông Mạc Văn Kết, hậu duệ của Lưỡng quốc trạng nguyên đã xác minh câu chuyện trên đây là có thật.

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông. Nhờ tài năng, tính ngay thẳng, liêm khiết, ông được vua nhà Trần trọng dụng, hậu đãi. Theo các nhà sử học, trong số 46 vị trạng nguyên thời phong kiến nước ta, Mạc Đĩnh Chi là một trong những người được dân chúng khâm phục và ca tụng, đồng thời sáng tạo nhiều giai thoại giàu trí tuệ nhất.

Lời bàn:

Mạc Đĩnh Chi làm quan dưới 3 triều vua đời Trần: Trần Anh Tông, Trần Minh Tông và  Trần Hiến Tông. Mạc Đĩnh Chi là vị quan có tiếng liêm khiết. Ông sống giản dị, lạc quan, mang hết tâm lực và trách nhiệm phục vụ đất nước. Ông được vua Trần Minh Tông tin tưởng cử đi sứ nhà Nguyên 2 lần, điều này chứng tỏ mức độ tin cậy tuyệt đối của vương triều Trần với Mạc Đĩnh Chi và cả 2 lần ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách của một sứ thần. Chính nhờ có sự giao tiếp đắc nghi giúp sức nên trong khoảng hơn trăm năm ngăn được sự nhòm ngó của ngoại bang, đồng thời tăng thêm thanh danh cho văn hiến nước nhà.

Mạc Đĩnh Chi sinh ra trong gia đình có truyền thống khoa bảng nhưng không may cha mất sớm, gia cảnh bần hàn. Bù lại những thiệt thòi đó là ông có người mẹ rất mực thương yêu con, tần tảo nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. Không chỉ người đương thời, mà ngay cả đến ngày nay cũng không một ai có thể tin rằng một bà mẹ sống bằng nghề đốn củi, bán than mà nuôi dạy được người con trở thành Lưỡng quốc trạng nguyên. Người xưa quả là không sai khi nói rằng “Phúc đức tại mẫu”. Vâng, chính nhờ có được người mẹ như vậy nên Mạc Đĩnh Chi đã trở thành một kỳ tài trong lịch sử khoa bảng nước ta. Một con người với khí phách kiên cường, tinh thần tự tôn tự hào dân tộc và tài văn thơ, ứng đối mẫn tiệp khiến vua quan triều Nguyên phải vị nể, thán phục.

N.D

  • Từ khóa
109967

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu