Thứ 2, 20/05/2024 06:05:07 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:30, 31/08/2017 GMT+7

Cụ Nghè Đông Tác

Thứ 5, 31/08/2017 | 08:30:00 95 lượt xem

BP - Nguyễn Văn Lý thường được gọi là “Cụ Nghè Đông Tác”. Ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân vào khoa thi năm Nhâm Thìn - 1832. Theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Văn Lý sinh năm 1795, tức năm Cảnh Thịnh thứ 3 tại phường Đông Tác (nay thuộc quận Đống Đa, TP. Hà Nội). Quê hương ông vốn là một trong 36 phường của kinh đô Thăng Long thời nhà Lê. Sang thời Nguyễn, được đổi thành thôn Trung Tự thuộc phường Đông Tác, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức (từ năm 1831 trở đi là tỉnh Hà Nội).

Dòng họ Nguyễn ở phường Đông Tác là một trong những dòng họ đến định cư tại kinh thành Thăng Long từ thế kỷ XV. Đây cũng là dòng họ đã sản sinh ra nhiều danh nhân như Nguyễn Hy Quang, người đã được chúa Trịnh truy tặng hàm Thị lang, gia phong Thượng thư, tước Hiển Quận Công, phong Phúc thần; Nguyễn Trù, đỗ Hoàng giáp khoa Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hòa, làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám và được tặng Công bộ Tả Thị lang, tước hầu; Phụ Quốc Thượng tướng quân Nguyễn Hữu Dụng... Cha của Nguyễn Văn Lý là Nguyễn Hữu Vọng, đỗ sinh đồ thời Lê, được phong tước Lương Vũ Bá nhưng không ra làm quan nhà Tây Sơn. Nguyễn Văn Lý là hậu duệ đời thứ 11 của dòng họ Nguyễn Đông Tác.

Minh họa: S.H

Cũng theo sách “Đại Nam liệt truyện”, Nguyễn Văn Lý từ nhỏ đã để chí vào việc học hành. Năm 14 tuổi (1808), ông theo học cụ Bùi Chỉ Trai, em của Tham tụng triều Lê là Bùi Huy Bích. Đến năm 18 tuổi (1812), ông theo học Lê Hoàng Đạo là tiến sĩ, Đốc học Hà Nội. Việc học hành đang thuận lợi thì vào năm 1817, mẹ ông bị bệnh nặng. Ông cùng em trai phải đêm đêm kê chiếc giường nhỏ bên cạnh để cùng chăm sóc, nghe ngóng bệnh tình của mẹ. Tháng 2-1818 thì bà mất. Chôn cất mẹ xong, mới được vài tháng thì cha đổ bệnh, đến tháng 6 cũng qua đời. Trong “Tự truyện”, ông kể: Chỉ trong vòng một năm mà gia đình có đến hai biến cố lớn, gia sản tổ tiên để lại có 4 mẫu ruộng bạc điền đã bán hết để lo việc tang. Để có tiền trang trải, Nguyễn Văn Lý đi dạy học và việc học hành, thi cử của ông cũng bị chậm lại.

Năm 1822, ông thi Hương chỉ trúng Nhị trường. Sau đó, ông tìm theo học tiến sĩ Phạm Quý Thích, Đốc học Cao Huy Diệu, Tri huyện Tiên Minh Nguyễn Trừng. Nhưng đối với Nguyễn Văn Lý, người thầy có ảnh hưởng đến ông lớn nhất là Phạm Quý Thích. Được sự khuyến khích, dẫn dắt của thầy Phạm Quý Thích, tại khoa thi Hương năm 1825, khi đó 31 tuổi, Nguyễn Văn Lý đỗ cử nhân hạng ưu. Sau khi hỏng thi Hội 2 lần vào các khoa 1826, 1829, tới khoa 1832 ông đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.

Năm 1833, Nguyễn Văn Lý được bổ nhiệm làm Tri phủ Thuận An (nay là Bắc Ninh). Tháng 10 năm đó, phủ Thuận An xảy ra việc tù phạm phá ngục, dù ông đi việc quan vắng nhưng vẫn bị triều đình giáng 1 cấp. 8 tháng sau, ông được triệu về kinh làm Viên Ngoại lang, rồi Lang trung bộ Lại. Đầu năm 1838, nhân dịp đang bị ốm, ông xin nghỉ về quê. Tháng 5-1838, ông tham dự lễ khánh thành Văn chỉ Thọ Xương. Ông chính là tác giả bài ký ghi trên bia thờ các tiên hiền huyện Thọ Xương. Về mục đích xây dựng văn chỉ, ông khẳng định: Trên thì noi theo phong độ và ý chí của tiên hiền, dưới thì khuyến khích thế hệ mai sau trau dồi tiến tới. Trong phạm vi hẹp thì trở thành các vị quân tử trong làng, các vị thầy trong xã. Mở rộng ra sẽ là tôn chúa giúp dân.

Năm 1840, ông được bổ làm Đốc học Bắc Ninh trong 7 tháng. Đầu năm 1841, Nguyễn Văn Lý được cử làm Án sát tỉnh Phú Yên đồng Hộ lý tuần phủ quan phòng. Tháng 8, ông được cử làm Chánh chủ khảo trường thi Gia Định. Trong thời gian ở Phú Yên, có 2 lần ông bị giáng chức. Lần thứ nhất vì việc dâng xoài chậm, bộ Lễ tham hạch, bộ Lại nghị tội là trái với quy định “phạt nhẹ giáng lưu”. Năm 1844, một lái buôn ở Phú Yên ăn trộm, vu khống cho ông nhận hối lộ. Sau khi được học sĩ Vũ Phạm Khải xét, thấy không có việc nhận hối lộ nhưng ông vẫn bị cách chức lưu lại làm các việc phụ dịch.

Lời bàn:

Theo nội dung của giai thoại trên đây cho thấy, Nguyễn Văn Lý là một nhà nho chân chính. Ông muốn đem sự học của mình để phò vua, giúp dân. Nhưng rồi chính sự rối ren và ông cũng lại giống các sĩ phu thời ấy là muốn trở về quê nhà vì quan trường là nơi hiểm họa và sợ “cháy thành vạ lây”. Và cũng chính vì hiểm họa luôn rình rập như vậy nên lòng tin đối với triều đình trong ông chẳng còn bao nhiêu nữa. Dù tình cảm, nhận thức như thế nhưng ông vẫn chưa “tự thoát” ra được, cứ phải gắng gượng “sa đà ở Trường An”. Với tính cách hồn hậu, trung tín của một nhà nho khiến ông không thể “dứt tình” với triều đình, không thể phụ ơn vua, không thể nghĩ xấu về đồng liêu, cho nên ông càng buồn sầu, càng vô vọng nhưng lại không oán hận, chống đối.

Song, trong thời gian làm quan, Nguyễn Văn Lý luôn quan tâm đến việc giúp dân cứu đời, quan tâm đến việc học của sĩ tử. Sách “Đại Nam liệt truyện” chính biên có đoạn viết về ông như sau: Văn Lý việc học rất ngay thẳng, trọng đạo lại trung thực và thơ văn chuộng về ý cách, nên Nội các là Hà Quyền cùng Đô ngự sử là Phan Bá Đạt thường giao tiến lên vua. Về sự nghiệp giáo dục của ông, “Đại Nam liệt truyện” khẳng định: Ông trước sau làm việc giảng học 20 năm có lẻ, người tới học thành tựu cũng nhiều. Nói về ông, Cao Bá Quát đã ví chí khí của Nguyễn Văn Lý như “chim hồng hộc” vượt hẳn lên lũ hoàng điểu tầm thường. Một con người mà đến chính sử và người đương thời phải tôn vinh như vậy thì hậu thế không còn gì để bàn thêm, mà chỉ biết kính cẩn nể phục.

N.D

  • Từ khóa
109953

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu