Thứ 2, 20/05/2024 08:59:28 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:20, 26/08/2017 GMT+7

Tình thầy trò

Thứ 7, 26/08/2017 | 10:20:00 124 lượt xem

BP - Theo sách “Đại Việt sử ký tục biên”, Nguyễn Công Cơ là người làng Minh Tảo, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Xuân Tảo, xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội). Năm 1697, dưới triều Lê Hy Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 23 tuổi và là người đỗ trẻ nhất khoa đó. Ông được bổ làm Hiệu thảo trong Viện Hàn lâm. Cũng theo sách trên, mùa xuân năm 1715, khi Nguyễn Công Cơ đang giữ chức Kinh diên chuyên việc giảng sách trong triều thì nhận lệnh đi sứ sang nhà Thanh.

Đây là một công việc rất quan trọng, sự thành bại của nó có ảnh hưởng lớn đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam và Trung Hoa lúc bấy giờ. Ngày khởi hành, vua Lê Dụ Tông đã đích thân tiễn đưa đoàn sứ bộ và ngự ban cho Nguyễn Công Cơ 1 bài thơ Đường luật và 2 bài thơ quốc âm (thơ Nôm) để động viên tinh thần ông trước khi lên đường. Mồng 5 tháng giêng năm 1715, đoàn xe của Chánh sứ Nguyễn Công Cơ đến địa giới tỉnh Quảng Đông và lưu lại thành Quảng Đông trong 4 ngày, trước khi lên đường tiếp tục đi Yên Kinh.

Minh họa: S.H

Chặng đường thứ hai của đoàn sứ bộ kéo dài khoảng hơn 3 tháng. Ngày đến kinh đô nước Đại Thanh đúng dịp lễ Nguyên đán, Nguyễn Công Cơ được vua Thanh ban cho đặc chỉ: Các vật phẩm tuế cống như vàng bạc, ngà voi, sừng tê giác... đều được giảm bớt. Và đây là chuyến đi thành công về mọi mặt của đoàn sứ bộ Việt Nam. Vì tất cả yêu cầu, mục tiêu của triều đình ta đặt ra trong chuyến đi này đều hoàn thành.

Tương truyền trong chuyến đi sứ này, Chánh sứ Nguyễn Công Cơ đã đấu tranh với triều đình nhà Thanh thành công trong việc đòi bỏ lệ cống người bằng vàng, một lệ cống có từ khi tướng giặc Liễu Thăng bị bắt và chém đầu ở nước ta. Đây là một thành công rất lớn trên lĩnh vực ngoại giao, nó không những thể hiện vị thế ngày một lớn mạnh của các triều đình Việt Nam, mà còn chứng tỏ vai trò đối ngoại tài giỏi của Chánh sứ Nguyễn Công Cơ. Những thành công này đã góp phần giúp quan hệ đối ngoại của nước ta và triều Thanh được cải thiện đáng kể.

Cũng trong chuyến đi sứ này, Nguyễn Công Cơ đã có cuộc gặp gỡ cảm động với 2 người học trò cũ cùng gia đình của họ trên đất nhà Thanh. Theo ghi chép trong “Sứ trình nhật lục”, ngay từ khi đoàn sứ bộ ta đặt chân đến địa giới của tỉnh Quảng Đông, Nguyễn Công Cơ đã được 2 người học trò họ Phùng tiếp đón hết sức long trọng và chu đáo. Khi đó, 2 người học trò này đang giữ những cương vị rất quan trọng 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây (thuở nhỏ họ là học trò của Nguyễn Công Cơ ở Việt Nam).

Trong sách “Sứ trình nhật lục”, bằng phương pháp tự sự, trần thuật, kết hợp những thủ pháp nghệ thuật khi sáng tác, Nguyễn Công Cơ đã xây dựng lên một câu chuyện với nhiều tình huống thật bất ngờ và xúc động. Từng câu chuyện, những buổi gặp gỡ trò chuyện, bắt đầu ở ngôi miếu thờ chính bản thân mình, rồi đến nơi công quán, phủ đệ của 2 vị quan đại thần, cùng suốt chặng đường 2 vị quan đại thần đưa tiễn đoàn sứ bộ lên Yên Kinh và quay về, nơi đâu Nguyễn Công Cơ cũng thể hiện mình nghiêm túc đàng hoàng với tư cách là một vị sứ giả của nước Nam.

Đồng thời qua đó chúng ta còn thấy hình ảnh, đạo đức sáng ngời của một người thầy giáo khiêm tốn, chính trực và tài năng. Và với 2 người học trò của Nguyễn Công Cơ là lòng kính trọng của họ đối với người thầy của mình. Theo sử cũ, họ đã dựng một ngôi miếu ở ranh giới của tỉnh Quảng Đông để quanh năm thờ cúng, tưởng nhớ người thầy phương Nam của mình. Điều này cho thấy trong lòng họ có niềm biết ơn, nỗi nhớ sâu nặng mà chưa báo đền được. Việc dựng nhà để rước thầy đến ở, rồi chăm lo hộ tống thầy suốt cả chặng đường lên Yên Kinh dâng cống và quay về đều xuất phát từ tấm lòng biết ơn, khâm phục người thầy phương xa.

Lời bàn:

Theo sử cũ, dấu ấn đậm nét nhất của cuộc đời Nguyễn Công Cơ với lịch sử dân tộc Việt là lần đi sứ sang nhà Thanh năm 1715. Với tài ngoại giao khôn khéo, ông đã buộc triều đình nhà Thanh phải hủy bỏ lệ cống “người bằng vàng thế mạng Liễu Thăng” có từ thời Lê sơ. Không chỉ vậy, trong chuyến đi sứ này, ông đã thực hiện được việc cắm mốc giới, xác định rõ chủ quyền bất di bất dịch giữa hai bên cho đến ngày nay. Ông còn đấu tranh đòi lại mỏ đồng Tụ Long và vùng đất biên cương nhiều năm bị Trung Quốc lấn chiếm và giành thắng lợi. Thành công này đã góp phần đưa quan hệ đối ngoại của nước ta và triều Thanh được cải thiện một cách đáng kể.

Trong chuyến đi sứ này, ông đã có một cuộc gặp gỡ diệu kỳ với 2 người học trò cũ trên đất khách. Cuộc gặp ấy đã vượt ra khỏi tất cả giới hạn về không gian, thời gian, địa lý, chính trị để đạt đến những tình cảm chân thành và cao đẹp của đạo làm người thuở xưa. Thông qua cuộc gặp gỡ này, một lần nữa còn cho chúng ta hiểu biết hơn về chủ trương đối ngoại của tổ tiên ta đối với nhà nước Trung Hoa láng giềng, đó là hòa hiếu và toàn vẹn lãnh thổ. Một chủ trương rất đúng đắn của của các triều đại phong kiến ở nước ta trong hơn 10 thế kỷ.

N.D

  • Từ khóa
109951

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu