Thứ 2, 20/05/2024 01:33:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:15, 19/05/2014 GMT+7

Cách dạy con trẻ

Thứ 2, 19/05/2014 | 15:15:00 111 lượt xem

Trong cuốn sách "Người Do Thái dạy con" có mẩu chuyện viết về George Washington. Ông là người đặt nền móng cho việc thành lập Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ. Ông cũng chính là vị tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Năm 1775, sau khi nổ ra cuộc chiến tranh độc lập ở Mỹ, ông là Tổng tư lệnh quân khởi nghĩa của 13 bang. Năm 1789, nước Mỹ giành độc lập, ông được bầu làm Tổng thống. Và tên ông được lấy để đặt tên thủ đô của nước Mỹ - Washington.

Chuyện kể rằng, Washington xuất thân trong một gia đình điền chủ có nhiều vườn hoa quả lớn. Một hôm, chú bé Washington được bố giao cho cái rìu làm nhiệm vụ chặt các cây hoang dại trong vườn. Ông dặn con rằng: Con chỉ được chặt những cây hoang dại thôi, không được chặt nhầm cây ăn quả.

Chú bé nghe lời cha dặn vào vườn chặt được nhiều cây hoang dại nhưng lại lỡ tay chặt nhầm một cây anh đào. Chú buồn quá, thẫn thờ cả người. Ông bố được người giúp việc mách bảo và đã biết chuyện này. Chập tối, ông vào vườn thấy con vẫn đang lao động. Ông bước đến bên con và hỏi:

- Thế nào, không chặt nhầm cây ăn quả chứ?

Chú bé thú thật:

- Con đã vô ý chặt nhầm mất một cây, bố ạ!

Ông ôn tồn nói:

- Lần sau phải cẩn thận hơn. Con đã biết nói thật và hối lỗi nên bố tha lỗi cho.

Cũng trong cuốn sách trên còn có mẩu chuyện với nội dung giáo dục tương tự. Chuyện kể rằng vào năm lên 8 tuổi, Penin từng được mẹ là bà Maria Alexandrovna dẫn đến nhà cô Anya chơi. Vốn là một chú bé hiếu động, ham nô đùa, Penin trót đánh vỡ lọ hoa nhưng không ai biết. Sau đó, bà Anya phát hiện lọ hoa bị vỡ mới hỏi bọn trẻ:

- Ai đánh vỡ lọ hoa này đây? Mấy đứa trẻ nhao nhao trả lời: Không phải con, không phải con đánh vỡ đâu. Penin khi ấy cũng lắp bắp nói: Không... không phải...

Bà Maria đoán biết ngay con mình hiếu động lắm đã đánh vỡ lọ hoa. Vậy phải giải quyết vụ việc này như thế nào? Đơn giản nhất là vạch rõ thủ phạm và trừng phạt nhưng bà không làm như vậy. Bà muốn con mình phải biết nói thật sau khi đã phạm sai lầm. Lúc này, bà tỏ vẻ không biết chuyện gì, bà cứ tỏ ra bình thản. Đến tối, khi hai mẹ con về nhà, bà Maria thấy vẻ mặt con rầu rầu, biết nó đang ăn năn với lỗi lầm của mình. Đến giờ đi ngủ, Penin lên giường nằm, bà mẹ đến bên xoa đầu con, chúc ngủ ngon. Khi ấy, tự nhiên chú bé Penin khóc nức nở. Chú đau khổ nói với mẹ: - Con đã nói dối cô Anya, chính con đã đánh vỡ lọ hoa.

Nghe con thú thật sai phạm của mình, bà Maria bèn an ủi và khuyên con viết thư xin lỗi cô Anya.

Khi thấy con nói dối, bố mẹ người Do Thái thường giải quyết như sau:

Dùng lý lẽ thuyết phục, kịp thời giáo dục để trẻ sớm nhận ra sai lầm. Giải thích rõ việc làm của trẻ là sai phạm chỗ nào và tìm cách giải quyết. Chú ý tìm hiểu nguyên nhân tại sao trẻ nói dối và giữ bí mật cho trẻ. Trẻ nói dối để tự bảo vệ mình hay để được người khác chú ý, hoặc do chưa biết phân biệt giữa sự việc và hiện thực nên còn có một khoảng cách nhất định. Phê bình, nhắc nhở trẻ không nên nói dai, nói dài. Ví dụ, bố đã mắng rồi, mẹ nên thôi, hôm nay đã phê bình rồi, thì ngày mai không nên đay nghiến lại. Đặc biệt là những người làm cha, làm mẹ cần phải tránh phê bình trẻ một cách mù quáng, vô căn cứ. Đồng thời, phải tuyệt đối không được đánh đập trẻ khi chúng mắc sai lầm, dù nhỏ hay lớn.

Lời bàn:

Qua nội dung của hai mẩu chuyện trên đây, không biết bạn đọc nghĩ gì, còn cá nhân tôi thấy rằng cách giáo dục và thái độ xử trí tốt nhất của bố mẹ đối với con là phải có sự nhất quán, tránh xảy ra tình trạng khi đang vui vẻ thì dễ dàng bỏ qua những sai lầm của trẻ, nhưng khi đang có chuyện bực mình thì liên tục dùng lời lẽ thô tục để chửi mắng con thậm tệ. Và điều quan trọng hơn nữa là những người làm cha, làm mẹ hay anh chị trong gia đình phải nêu gương tốt cho con trẻ học tập. Cần chú ý khuyến khích, động viên, tán dương để chúng phát huy cái tốt và nhận biết rõ cái hư, cái xấu, cái chưa tốt...

Vẫn biết mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh và mỗi người cha, người mẹ đều có cách riêng để dạy con mình, nhưng điều mà ai cũng mong muốn là làm sao để con mình trở thành người tốt, người sống có ích cho gia đình, xã hội. Tiếc rằng, điều mong muốn là vậy, nhưng không phải ai cũng chọn cho mình cách đi đúng để con sớm tới đích. Thậm chí ngày nay còn có không ít người hễ cứ thấy con mình thích gì là đáp ứng ngay. Lại có người sẵn sàng mua cả xe hơi, tậu cả nhà ở thành phố để cho con có chỗ ăn học, có phương tiện đi về thăm gia đình. Nhưng với một đứa trẻ mới lớn chưa bao giờ biết giá trị của đồng tiền do chính mình làm ra, mà chỉ quen tay dùng những đồng tiền mà bố mẹ chúng cũng chẳng phải đổ mồ hôi, cũng không phải sôi nước mắt mới có, thì ắt rằng "của thiên trả địa" mà thôi. Những ai chưa tin điều này, xin hãy cố nhìn kỹ xung quanh thì sẽ rõ.                                      

Đ.T

  • Từ khóa
109536

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu