Thứ 2, 20/05/2024 02:21:59 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:30, 28/03/2014 GMT+7

Bản lĩnh Đào Duy Từ

Thứ 6, 28/03/2014 | 13:30:00 160 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, sau buổi đối đáp với các nhà Nho ở Tùng Châu, tiếng tăm Đào Duy Từ - một kẻ chăn trâu kỳ lạ, tài giỏi hơn người đã lan truyền khắp nơi. Bấy giờ có vị quận công, anh em kết nghĩa với chúa Nguyễn, rất có thế lực, là Khám lí Trần Đức Hòa hay tin. Ông cho đón Đào Duy Từ đến nhà chơi. Qua các buổi chuyện trò, đàm đạo văn chương, Khám lí họ Trần đã nhận thấy Duy Từ có học vấn uyên bác, lại tỏ ra chí lớn hơn người, bèn đem lòng yêu quý và gả con gái là Trần Thị Chính cho Từ.

Khi đã có chốn nương thân vững chắc, Đào Duy Từ mới dần dà lộ rõ chí hướng phò vua giúp nước được nung nấu suốt mấy chục năm cho bố vợ biết. Ông đưa tác phẩm “Ngọa Long cương vãn” của mình cho Trần Đức Hòa xem. Nội dung bài chính là nỗi lòng của Duy Từ, tự ví mình như Gia Cát Lượng (là một nhà quân sự, chính trị nổi tiếng của Trung Quốc, vì chưa được thi thố tài năng, nên còn ẩn náu ở chốn Ngọa Long). Nỗi lòng đó của Duy Từ được thể hiện rõ ở đoạn kết:

Chốn này thiên hạ đã dùng,

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời.

Chúa hay dùng đặng tôi tài,

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên.

Khám lí Trần Đức Hòa xem đi xem lại bài “Ngọa Long cương” của con rể, thấy văn từ khoáng đạt, điển tích tinh thông, ý chí mạnh mẽ, hoài bão lớn lao, đã tấm tắc khen, rồi tìm cách dâng lên chúa Nguyễn để tiến cử Duy Từ với chúa.

Bấy giờ chúa Nguyễn là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) đang có ý định kén chọn nhân tài, để dựng nghiệp lớn, nên khi xem xong bài vãn của Đào Duy Từ đã rất tâm đắc, bèn lệnh cho Khám lí Trần Đức Hòa dẫn ngay con rể vào gặp chúa.

Gia đình nhà vợ vội may sắm quần áo, khăn mũ hợp nghi thức để Duy Từ mặc vào chầu cho thật chỉnh tề nhưng Duy Từ nhất mực từ chối, viện lẽ mình không dám dùng vì chưa có chức tước! Trước buổi tiếp, Sãi Vương muốn thử tư cách Đào Duy Từ, nên chúa mặc y phục xuềnh xoàng, cầm gậy đứng trước cửa, thái độ lơ đãng, như chờ một kẻ hầu nào đấy.

Từ xa, Đào Duy Từ đã nhìn thấy vẻ thờ ơ của chúa, bèn giả tảng hỏi bố vợ: Người kia là ai vậy, thưa cha?

Trần Đức Hòa sợ hãi, trả lời: Ấy chết! Sao con dám hỏi vậy? Vương thượng đấy, Người đứng chờ, con mau mau đến bái lạy!

Duy Từ nghe bố vợ nói, chỉ cười nhạt rồi quay lại chực không đi nữa. Khám lí Trần đi trước, ngoảnh lại thấy con rể bỏ về, sợ khiếp đảm, liền níu lại quở trách: Con làm thế này thì tội phạm thượng sẽ trút lên đầu cha.

Duy Từ đáp: Thưa cha, vì con thấy chúa đang trong tư thế đi dạo với các cung tần mỹ nữ, chứ không có nghi lễ tiếp đón khách hiền. Nếu con lạy chào tất phạm vào tội khinh vua.

Nghe con rể nói vậy, ông bố vợ lại càng thất kinh, cáu kỉnh cầm tay Duy Từ bắt trở lại ngay, để lạy chào chúa, không được để chúa phải chờ. Nhưng Duy Từ vẫn dùng dằng không chịu nghe lời.

Từ xa, Sãi Vương đã để ý quan sát thấy tất cả, biết Đào Duy Từ là kẻ tài giỏi đích thực, tính khí khái, chứ không giống những bọn tầm thường, chỉ cốt quỵ lụy, được ra mắt chúa, hòng tiến thân để kiếm chút bổng lộc, chức tước. Chúa bèn quay vào nội phủ, thay đổi áo mũ và bảo thái giám đem áo mũ ban cho Duy Từ, rồi vời vào sảnh đường tiếp kiến.

Kể từ buổi đó, Đào Duy Từ được chúa Sãi Vương tin yêu, trọng vọng, tôn làm quân sư, luôn ở cạnh chúa để bàn bạc việc quốc gia trọng sự. Ông được phong chức Tán trị, tước Lộc Khê hầu, nên người đời vẫn quen gọi ông là Lộc Khê.

Lời bàn:

Từ nội dung của giai thoại trên cho thấy Nguyễn Phúc Nguyên đích thực là người có tài nhìn người và dùng người. Chỉ sau một lần gặp mà ông đã không ngần ngại khi phong tước Hầu, chức Nội Tán quân cơ cho một kẻ chăn trâu, xuất thân từ giai cấp nô tỳ. Với chức vị ấy, Đào Duy Từ nghiễm nhiên thành quân sư, người cố vấn tối cao cho chúa Nguyễn.

Và cũng chính vì không biết nhìn người và dùng người, nên vua Lê - chúa Trịnh đã ruồng bỏ một nhân tài quan trọng mà sau đó chính họ đã phải trả giá đắt không thể lường nổi. Những năm 1648, 1655, 1657 quân Trịnh Lê thảm bại liên hoàn. Lũy Trường Dục và Lũy Thầy do Đào Duy Từ thiết lập đã khiến chúa Trịnh phải nản lòng không dám kéo quân chinh phạt Đàng Trong nữa. Vâng, một lần nữa qua Đào Duy Từ, chúng ta hiểu sâu sắc thế nào là nỗi đau trước sự hủ lậu của triều đại phong kiến thời vua Lê - chúa Trịnh.        

N.V

  • Từ khóa
109518

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu