Thứ 2, 20/05/2024 04:30:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:44, 26/03/2014 GMT+7

Chết tại miệng

Thứ 4, 26/03/2014 | 10:44:00 141 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, vua Thành Thái là vị hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn, ông tại vị từ năm 1889 đến 1907. Do chống Pháp nên ông cùng các vua Hàm Nghi và Duy Tân, là 3 vị vua yêu nước trong lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc bị đi đày tại ngoại quốc.

Cuộc đời của vua Thành Thái không chỉ gắn liền với những câu chuyện của lòng yêu nước. Ở một mặt khác, cuộc đời ông còn gắn liền với những giai thoại kì lạ về các phi tần của mình. Người phi tần có số phận kì lạ trước hết của vua Thành Thái chính là phi tần thứ chín Dương Thị Ngọt. Dương Thị Ngọt là con gái của Dương Quang Xứng, người giữ chức Thái bộ Tư khoanh rồi giữ chức Bố chính tỉnh Khánh Hòa.

Sử xưa kể lại rằng trên con đường hoan lộ, dù làm gì, ở đâu ông Xứng cũng mang cô con gái rượu Dương Thị Ngọt theo cùng. Càng lớn lên, Dương Thị Ngọt càng xinh đẹp. Chính vì thế, Dương Thị Ngọt nhanh chóng lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái.

Trong nội cung triều Nguyễn, kể từ đời vua Minh Mạng trở về sau, các bà phi được xếp hạng theo 9 bậc thứ tự gồm: Nhất giai phi, nhị giai phi, tam giai tần, tứ giai tần, ngũ giai tần, lục giai tiệp dư, thất giai quý nhân, bát giai mỹ nhân và cửu giai tài nhân. Bà Dương Thị Ngọt được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”. Bà được hưởng lương 180 quan tiền và 48 vuông gạo.

Khi đã trở thành phi tần của nhà vua, Dương Thị Ngọt được vua Thành Thái hết mực sủng ái. Chính vì thế Dương Thị Ngọt bị những bà phi khác hết sức ghen ghét. Nhân một lần vua Thành Thái cắt tóc ngắn, các bà phi đã bày mưu tính kế để hại bà Ngọt. Họ đã đánh lừa để cắt mất của bà Ngọt một nắm tóc, rồi tìm cách báo cho vua hay.

Thấy vậy, vua Thành Thái gán cho bà mắc phải trọng tội khi quân nên đã xử chém bà. Về nguyên nhân dẫn đến cái chết bi thảm của người thứ phi thứ chín mà vua Thành Thái rất mực yêu chiều này cũng còn có một giai thoại khác. Theo một giai thoại khác, cái chết oan khuất của phi tần Dương Thị Ngọt bắt đầu bởi một lời nói vô tình của chính người phi tần này.

Chuyện kể rằng, vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc ngắn xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không. Khi ấy, bà nào cũng khen đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: Trông giống như kẻ cướp ấy. Vua nổi giận, liền đem bỏ bà Ngọt vào nấu trong vạc dầu.

Mặc dù có một số tình tiết không sát với sự tình nhưng về cơ bản các câu chuyện cho thấy là thứ phi Dương Thị Ngọt đã mắc phải tội khi quân mà chuốc lấy cái chết. Sau khi bà Ngọt chết, nhà vua vẫn cho làm lễ mai táng bà hết sức chu đáo, đúng theo nghi lễ triều đình, xứng đáng với cái chết của một bà hoàng phi. Quan tài của bà được đưa xuống thuyền rồng rồi theo đường sông về bến Ô Lâu, rồi sau đó về với làng quê yêu dấu của bà ở thôn Hội Kỳ, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Lăng mộ của bà cũng được xây cất rất cẩn thận, trên bia mộ có khắc dòng chữ: Hoàng triều cửu giai tài nhân thụy Thục Thuận Dương thị chi tẩm. Thành Thái thập tam niên bát nguyệt cát nhật tại. Tạm dịch là: Lăng của bà họ Dương, bà phi của nhà vua được xếp vào bậc “cửu giai tài nhân”, có tên thụy là Thục Thuận, lăng được dựng vào ngày lành, tháng 8, năm Thành Thái thứ 13. Sau khi xây cất lăng xong, vua còn cho bốn người từ phu túc trực trông coi lăng bà. Và cả bốn người này đều được nhà vua cấp phát ruộng đất và miễn tất cả các loại sưu thuế cho đến trọn đời.

Lời bàn:

Tuy lên ngôi từ khi ở tuổi thiếu niên (10 tuổi), nhưng vua Thành Thái đã có tính khí cương nghị và giàu lòng yêu nước. Vì vậy, dù ở ngôi vua không bao giờ ông lấy làm vui sướng, mà luôn luôn suy tư với vận nước. Thành Thái đã tự giả dạng làm người mất trí để che mắt thực dân Pháp và đám quan lại bù nhìn mãi quốc cầu vinh, để được tiếp cận dân chúng và các sĩ phu yêu nước tìm kiếm kế sách đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho đất nước. Thế nhưng lòng ái quốc, thương dân của ông không qua được tai mắt của bọn thực dân và ông đã bị buộc phải thoái vị rồi bị bắt  đưa đi quản thúc tại đảo Réunion của châu Phi thuộc địa Pháp.

Và đó là lời của các sử gia thời xưa chép lại như vậy, nhưng xem ra thực tế Thành Thái chưa hẳn đã là người hết lòng vì nước vì dân. Bởi một ông vua thương dân thì đâu đến nỗi giết chết người vợ mà mình yêu quý chỉ vì một câu nói không hợp lễ nghi. Vâng, suy cho cùng thì vua Thành Thái ngày xưa cũng giống như nhiều vị vua tiền triều của nhà Nguyễn ở chỗ lòng yêu nước thương dân của các vị này chẳng qua chỉ là yêu cái ngai vàng và quyền lợi của hoàng gia, dòng tộc mà thôi.         

N.N

  • Từ khóa
109517

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu