Thứ 2, 20/05/2024 02:22:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:27, 09/03/2014 GMT+7

Thành công không có đường tắt

Chủ nhật, 09/03/2014 | 13:27:00 85 lượt xem

Người Do Thái có truyền thống giáo dục con cái phải chăm chỉ học tập, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi trí tuệ và rèn luyện thân thể để có sức khỏe. Họ cũng rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ, khuyến khích con tu dưỡng phẩm hạnh, cố gắng phấn đấu trở thành người có nhân, có đức. Đặc biệt, người Do Thái thường dùng gương sáng của các nhân vật tiêu biểu về cần cù, tài năng, trí tuệ, đức độ và bản lĩnh kiên trì để hướng cho con cái noi theo. Mẩu chuyện dưới đây là một minh chứng cho điều này.

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có ghi lại mẩu chuyện với nội dung: Một ngày kia có hai người lao động đều là dân nhập cư ở nước Mỹ chuẩn bị đi làm thuê nơi xa. Người gốc Ireland thì mua vé đi New York, còn người gốc Do Thái mua vé đi Boston. Khi đến nhà ga, họ mới biết người dân ở New York thực dụng, chỉ đường cho người lạ cũng đòi hỏi thù lao, còn người dân ở Boston lại chất phác, biết thương người.

Biết thế nên người Ireland nghĩ bụng: Như vậy nên đến Boston, có nghèo cũng không sợ bị đói, đến làm ăn ở đó thì ắt sẽ có lợi hơn. Trong khi đó, người Do Thái lại nghĩ khắc: Làm ăn ở New York dễ kiếm tiền hơn vì chỉ đường cũng có được thu nhập. Vậy nên đến đó. Hai người quyết định đổi vé cho nhau khi họ vô tình gặp nhau ở quầy bán vé.

Người Do Thái đến New York một thời gian cảm thấy nơi đây rất dễ kiếm tiền, chỉ cần chịu khó suy nghĩ và bỏ công sức ra là đã có thể sống sung túc. Chẳng bao lâu sau, anh ta đã khá giả, có nhà cửa đàng hoàng.

Một hôm, người Do Thái đến thăm thành phố Boston. Trong khi đi dạo phố, anh ta gặp một người ăn xin ngửa tay mong được bố thí. Hai người nhìn nhau đều tỏ vẻ kinh ngạc. 5 năm trước, họ đã đổi vé cho nhau ở nhà ga!

Cũng trong cuốn sách trên còn ghi lại mẩu chuyện với chủ đề giáo dục trẻ về ý chí phấn đấu và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Nội dung mẩu chuyện này như sau: Vào thời kỳ quốc vương David trị vì, ở Israel có một người tên là Nahason quyết chí làm giàu để trở thành một phú ông. Anh ta cho rằng con đường tắt để nhanh thành công là học lấy nghề luyện vàng. Thế là anh ta tập trung toàn bộ gia sản, thời gian và sức lực cho việc thực nghiệm luyện vàng. Cuối cùng, vàng chẳng thấy đâu, trong khi gia sản khánh kiệt, đói ăn. Chị vợ của anh ta chịu không nổi cảnh sống vất vả, đói khổ đã chạy về nhà bố mẹ mình khóc lóc, tố khổ.

Ông bố nghe con gái nói xong thì cho gọi chàng rể là Nahason đến nhà rồi nói:

- Ta đã tìm ra một cách luyện vàng nhưng còn thiếu một thứ nguyên liệu.

Nghe bố vợ nói vậy, Nahason vui mừng vội hỏi đó là thứ nguyên liệu gì. Và ngay lúc đó, ông bố vợ nói:

- Đây là một bí mật của thuật luyện vàng. Cần có đủ 3kg tơ trắng lấy từ lá chuối tại những cây chuối do chính con trồng. Khi đã có 3kg tơ trắng, ta sẽ mách cho con cách luyện vàng.

Nghe lời bố vợ, Nahason trở về nhà và trồng chuối tiêu trên vùng đất của gia đình. Anh ta còn khai khẩn thêm nhiều đất hoang nữa. Chuối mọc rất tốt, vợ anh mang ra chợ bán thu được nhiều tiền.

10 năm sau, Nahason mới thu thập được 3kg tơ trắng. Anh sung sướng mang đến nhà bố vợ và xin được biết cách luyện vàng. Ông bố vợ chỉ vào một gian phòng và nói:

- Anh hãy mở cánh cửa phòng kia ra xem sao.

Anh con rể làm theo lời bố vợ, mở toang cửa ra thì thấy bên trong có nhiều thỏi vàng sáng lấp lánh. Lúc này, ông bố vợ mới nói với anh ta rằng:

- Số vàng này là công sức lao động của các con trong suốt thời gian qua đấy. Việc làm giàu không có con đường tắt đâu.

Lời bàn:

Qua hai mẩu chuyện trên cho thấy, những người Do Thái khi làm cha, làm mẹ rất quan tâm đến việc dạy bảo các con phải biết kiên trì, nhẫn nại để vượt qua mọi khó khăn, nhất quyết không lùi bước trước vất vả, gian nan. Họ còn dạy cho con trẻ phải luôn luôn có tinh thần dũng cảm và sẵn sàng đối phó với mọi thách thức. Dân gian thường nói: Có công mài sắt có ngày nên kim. Và điều ấy quả không hề sai, bởi kiếm sắc là nhờ công sức mài giũa, cây ra quả ngọt là nhờ công sức con người chăm sóc nhiều năm tháng.

Vâng, thế mới hay rằng, hạnh phúc và thành công không bao giờ có đường tắt dành riêng cho bất cứ ai. Nếu ai đó còn có suy nghĩ sai lầm rằng “hy sinh đời bố để củng cố đời con” bằng cách vơ vét của công hay ăn của đút lót hoặc buôn gian bán lận thì hãy nhìn lại. Vâng, thế mới hay rằng, con đường đi đến thành công với bất cứ ai cũng không bao giờ có lối đi tắt. Và Dương Chí Dũng là tấm gương tày liếp, xin đừng ai quên.  

N.V

  • Từ khóa
109510

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu