Thứ 2, 20/05/2024 02:54:13 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:09, 07/03/2014 GMT+7

Cái tốt nhất

Thứ 6, 07/03/2014 | 13:09:00 132 lượt xem

Đối với người Do Thái, ngoài việc giáo dục con cái phải chăm chỉ học tập, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi trí tuệ và rèn luyện thân thể để có sức khỏe, họ còn rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống. Họ luôn luôn khuyến khích con cái tu dưỡng tính cách, cố gắng phấn đấu trở thành một con người có năng lực, có trình độ chuyên môn giỏi.

Đặc biệt người Do Thái thường giáo dục con cái đức tính trung thực và phải luôn tin tưởng vào chính mình. Vì vậy, ngay từ khi con còn nhỏ, người Do Thái đã thường dạy cho bọn trẻ hiểu rằng con người ta sống trên đời cần phải có lòng tự trọng, phải có lòng tin vào bản thân, đồng thời không được tự ti và đừng bao giờ quá sùng bái kẻ khác. Về nội dung này, trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có mẩu chuyện với nội dung như sau:

Có một thanh niên suốt ngày luôn miệng than phiền về số phận của mình sao không may mắn. Hôm đó, trong lúc buồn phiền, anh ta đã tìm gặp một vị đại sư để xin được lời khuyên cách làm cho mình được sung sướng. Sau khi nghe xong ý nguyện của anh ta, vị đại sư nói:           

- Trên đời này, anh thích nhất cái gì, cái đó sẽ làm cho anh sung sướng nhất.            

Nghe lời đại sư dạy như vậy, anh ta bèn tạm biệt vợ con lên đường đi tìm cái làm mình sung sướng nhất. Trên đường đi, thanh niên kia đã gặp một bệnh nhân đang bệnh nặng và đã nằm liệt giường từ nhiều ngày qua. Anh ta hỏi người bệnh rằng:

- Xin ngài cho biết trên đời này cái gì làm cho ngài thích nhất? 

Không một chút suy nghĩ, người bệnh trả lời anh ta ngay rằng: Cần gì phải hỏi cái đó nữa, thích nhất là sức khỏe chứ còn là cái gì.

Nghe vậy, chàng thanh niên kia bèn nghĩ trong bụng rằng: Sức khỏe thì dễ quá, mình lúc nào chả có sức khỏe.

Thế rồi anh ta lại tiếp tục đi rồi gặp được rất nhiều người nữa và tiếp tục hỏi xem trên đời họ thích nhất là cái gì. Một cụ già trả lời: Trên đời này, tôi thích nhất tuổi trẻ.

Một vị thương gia lại nói: Trên đời này tôi thích nhất là buôn bán kiếm được càng nhiều lãi càng thích.

Một họa sĩ thì trả lời: Màu sắc là cái thích nhất trên đời.

Một tù nhân nói: Tự do là cái thích nhất trên đời.

Một bà mẹ trả lời: Trên đời này tôi thích nhất trẻ con.

Và người cuối cùng trong ngày mà anh ta hỏi là một phụ nữ. Người này đã trả lời rằng: Trên đời này tôi thích nhất nụ cười tươi của người yêu.

Tuy nhiên, với chàng thanh niên kia thì chẳng có câu trả lời nào làm anh ta vừa lòng. Anh ta cảm thấy thất vọng và tiếp tục đi, một mình lang thang trên con đường vạn dặm. Sau đó, anh ta tiếp tục gặp rất nhiều người và mang về một đống đáp án trình diện đại sư. Lúc đó, vị đại sư chẳng cần xem cũng đoán biết được sự thất vọng của anh ta và ông đã mỉm cười nói với chàng thanh niên kia rằng:

- Thôi, tạm thời chưa nói về các câu trả lời mà anh nhận được, chẳng có câu nào là thực sự chính xác đâu. Bây giờ tôi hỏi anh và anh phải nói thật: Trên đời này anh thích thứ gì nhất?

Nghe vị đại sư hỏi, anh thanh niên suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Thưa cụ, trong thời gian cháu đi lang thang khắp nơi, cháu rất nhớ vợ con, nhớ những buổi tối cả nhà quây quần bên nhau chuyện trò vui vẻ...

Nói đến đây, tự nhiên anh ta than thở: Đó là cái hiện nay cháu thích nhất đấy ạ”.

Ngay lúc đó, vị đại sư cười ha hả rồi vỗ vai anh thanh niên mà nói rằng: Hãy về đi, cái thích nhất ở ngay nhà anh đó. Gia đình, vợ con chính là cái làm cho anh thích nhất, sung sướng nhất. Nó là cái tốt nhất đời đấy.

Lời bàn:

Người xưa có câu rằng: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Và câu nói ấy quả không sai đối với chàng thanh niên trong mẩu chuyện trên. Vì nếu không đi, không thấy, không hỏi và cũng không biết suy nghĩ thì có lẽ chàng thanh niên sẽ còn buồn phiền, đau khổ mãi vì không biết tìm đâu ra hay làm thế nào để có một cuộc sống sung sướng. Vâng ở đời vẫn thường thế. Có không ít người cứ mải mê đi tìm hạnh phúc ở nơi khác, cho đến khi “xôi hỏng bỏng không” và lúc trở về họ mới thấy nó chẳng ở đâu xa mà ngay tại nhà mình.

Nhưng tại sao người xưa không nói rằng “Đi một ngày đàng học một nia khôn”. Thứ nhất là chữ “sàng” cùng vần bằng với chữ “đàng” và cùng có phụ âm là “àng”. Thứ hai là cái sàng có lỗ rất thưa, người ta thường dùng để sàng lấy ra những hạt thóc còn sót trong khi xay lúa. Và vấn đề là ở chỗ nếu ai đã học được một sàng rồi mà không biết giữ thì nó cũng sẽ bị lọt mất những gì vừa học được. Vâng, cái hay, cái thâm thúy trong thành ngữ của người xưa là vậy.  

N.V

  • Từ khóa
109509

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu