Thứ 2, 20/05/2024 04:30:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:40, 22/02/2014 GMT+7

Một lời tâu

Thứ 7, 22/02/2014 | 08:40:00 138 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nguyễn Hữu Dật là một trong những vị đại công thần của chúa Nguyễn ở Đàng Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ông là người có công phò tá nhiều đời chúa Nguyễn, đánh lui nhiều cuộc Nam tiến của chúa Trịnh, giữ vững lãnh thổ Đàng Trong và được phong chức Chiêu vũ hầu. Sau khi mất, ông được nhân dân ở Quảng Bình tiếc nhớ, gọi là Bồ Tát và lập đền thờ ở Thạch Xá.

Theo phả hệ họ Nguyễn của Việt Nam, Nguyễn Hữu Dật là cháu 18 đời của Định Quốc công Nguyễn Bặc thời nhà Đinh và là cháu 8 đời của công thần Nguyễn Trãi nhà Hậu Lê. Cũng theo phả hệ này thì chi của Nguyễn Hữu Dật và chi chúa Nguyễn (Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng) đều là con cháu Nguyễn Trãi, nhưng chi của Nguyễn Hữu Dật là chi trên.

Do dòng họ Nguyễn Trãi bị tản mát sau vụ án Lệ Chi Viên và loạn lạc thời Nam Bắc triều, nên tổ tiên Nguyễn Hữu Dật đã lưu trú ở nhiều nơi: Ninh Bình, Hải Dương, Hà Đông, Thanh Hóa...

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào tháng 3 năm Ất Mùi - 1655, cuộc ác chiến lần thứ năm giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài lại bùng nổ. Nhưng đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất triều đình Đàng Trong chủ động kéo quân tấn công Đàng Ngoài. Đến tháng 2 năm Bính Thân, quân Đàng Trong do Nguyễn Hữu Tiến làm tiết chế, Nguyễn Hữu Dật làm đốc chiến đã ồ ạt tiến đánh ra đến tận vùng đất Nghệ An ngày nay và đã giành được nhiều thắng lợi rất quan trọng.

Tin chiến thắng báo về triều đình của chúa Nguyễn ở Đàng Trong, khiến chúa Nguyễn Phúc Tần mừng vui, phấn chấn. Tháng 6-1656, Nguyễn Phúc Tần thân đem đại binh ra châu Bắc Bố Chính để tiếp ứng. Cũng tại đây, chúa Nguyễn Phúc Tần đã nhận được lời tâu chí tình và sâu sắc của quan đốc chiến Nguyễn Hữu Dật. “Sách Đại Nam thực lục” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Nguyễn Hữu Dật đến hành tại của chúa Nguyễn Phúc Tần để yết kiến. Khi chúa hỏi về việc binh, Nguyễn Hữu Dật liền đem hết mọi tình trạng ra tâu bày. Nhân đó, Nguyễn Hữu Dật tâu rằng:

- Dụng binh đã hai năm nay mà chỉ mới lấy được bảy huyện của Nghệ An. Thắng đã khó mà chi phí cũng rất nhiều. Nay, thế chưa thể cho phép nhân đó mà đánh tiếp được. Vậy thần cúi xin cho đắp lũy ở phía Nam sông Lam để giữ đất chờ thời. Vả chăng, việc dụng binh trước hết phải chờ đến tướng. Nay, những người cầm quân phần nhiều là bậc thân cận của chúa, có người không giữ kỷ luật, đi đứng không phải phép. Lại có người dung túng cho quân sĩ cướp bóc để mất lòng dân và như thế là không hợp với đạo toàn thắng. Xưa Hàn Tín, Bành Việt và Anh Bố, cả ba đều là danh tiếng của nhà Hán ở Trung Quốc thời xưa và họ đều là những tướng trí dũng, một lòng phò giúp nên nhà Hán mới có được cơ nghiệp. Thế mà trong số họ chẳng có ai là người ở đất Phong, đất Bái (quê hương của Hán Cao Tổ) đâu?

- Nay, thần dám kính xin chúa, nên cẩn thận chọn kỹ các tướng có tài phương lược để giao việc cầm quân, bất kể đó là thân hay sơ. Còn những người dù là họ hàng cố cựu mà không hiểu việc binh thì chỉ nên hậu đãi bổng lộc suốt đời chứ không thể để họ giữ binh quyền. Nếu được như vậy thì việc dùng người đều xứng tài của họ, đánh đâu thắng đó.

Nghe xong lời tâu của Nguyễn Hữu Dật, chúa Nguyễn Phúc Tần khen là phải, sau đó hạ lệnh ban thưởng cho Nguyễn Hữu Dật nhiều vàng bạc và thanh bảo kiếm rồi sai đến quân thứ.

Lời bàn:

Nguyễn Hữu Dật là một danh tướng có tài ở vào thời kỳ các chúa Nguyễn mà nổi bật nhất là trong các cuộc chiến tranh nhà Nguyễn chống lại quân Trịnh trong gần nửa thế kỷ của thế kỷ XVII. Với tài trí của mình, Nguyễn Hữu Dật đã có những đóng góp không nhỏ cho các chúa Nguyễn và quân đội trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Vì vậy ông thường được các chúa Nguyễn mời tham gia vào việc triều chính, tham mưu, hiến kế sách đánh bại các cuộc tiến công với phương châm đánh nhanh thắng nhanh của quân Trịnh, đè bẹp ý đồ thôn tính lãnh thổ phía Nam của chúa Trịnh. Với những đóng góp quan trọng đó, ông được nhiều đời chúa Nguyễn tin dùng, ngợi khen.

Tuy nhiên, trong cuộc đời làm tướng của ông không phải lúc nào cũng được thuận buồm xuôi gió, mặc dù ông là một người có nhiều tài năng, đức độ, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, cho nhân dân trên nhiều lĩnh vực. Sống bên cạnh ông phần lớn là những người tâm huyết, rất quý trọng ông nhưng cũng có những người ganh đua, ghen ghét bởi ông luôn được các chúa Nguyễn sủng ái, tin dùng, số người này tuy không nhiều nhưng cũng mấy phen làm cho ông điêu đứng. Thế mới hay rằng thời nào và ở đâu cũng có những kẻ tài hèn, đức mỏng nhưng gian kế thì lại có thừa.                                                                                                

Đ.T

  • Từ khóa
109504

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu