Thứ 2, 20/05/2024 02:03:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:48, 20/02/2014 GMT+7

Bể học vô bờ

Thứ 5, 20/02/2014 | 08:48:00 592 lượt xem

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có ghi lại một mẩu chuyện với nội dung như sau:

Ngày thi cuối cùng của sinh viên trường Đại học Jelusalem. Rất đông sinh viên tụ tập trước cửa phòng thi gần cầu thang và mọi người đang bàn tán sôi nổi về kỳ thi tốt nghiệp năm đó. Sau cuộc thi này sẽ đến ngày làm lễ vinh quy và mọi người có thể đi kiếm việc làm, từ đó khẳng định những kiến thức mà mình đã học được trong trường đại học. Vì vậy, tất cả sinh viên đều tỏ ra tự tin, phấn khởi, tất nhiên cũng có phần hồi hộp. Vì với họ đây chính là dịp để kiểm định kết quả của nhiều năm học tập từ cấp một cho đến nay.

Mọi người không còn cảm thấy lo lắng khi thầy hiệu trưởng bước đến cửa phòng thi và nói rằng: Tất cả sinh viên có thể mang theo đủ mọi tài liệu tham khảo vào trong phòng thi. Khi vị giáo sư chủ nhiệm bắt đầu phát đề thi, các sinh viên đều thở phào nhẹ nhõm khi thấy đề thi chỉ có năm câu với nội dung rất ngắn gọn.

Sau ba giờ trôi qua, vị giáo sư coi thi bắt đầu thu bài thi. Nhưng đến khi ấy, không khí thoải mái ở đầu buổi thi đã biến mất mà nhường vào chỗ đó là sự lo lắng của tất cả sinh viên trong phòng thi và không ai dám nói với ai câu nào. Khi thu bài xong, vị giáo sư quay lại ngắm nhìn bộ mặt đăm chiêu của từng sinh viên và ông hỏi:

- Anh nào trả lời đủ cả năm câu, giơ tay lên.

Sau câu hỏi ấy, chẳng có một cánh tay nào giơ lên.

Sau đó, vị giáo sư lại hỏi tiếp:

- Thế có ai làm được bốn câu thì giơ tay lên.

Nhưng lần này cũng chẳng có ai giơ tay.

Giáo sư tiếp tục hỏi. Rồi đến ba câu, hai câu và thậm chí là một câu cũng không có một cánh tay nào giơ lên.

Lúc đó, giáo sư mới từ tốn giải thích rằng:

- Tôi đã dự kiến được kết quả này rồi. Nhà trường ra đề thi này nhằm mục đích để các anh chị thấy bể học là mênh mông và vô bờ bến, bốn năm đại học chưa phải là một cái gì ghê gớm. Mọi người chúng ta cần phải học tập suốt đời, học ở mọi lúc, mọi nơi và dù có học tập suốt đời cũng không ai có thể nắm bắt hết được tri thức của nhân loại đâu.

Nói xong, vị giáo sư mỉm cười và lại nói tiếp:

- Mấy ngày thi vừa qua các anh chị đều đạt điểm thi đỗ. Xin chúc mừng! Nhưng nhớ nhé, phải luôn luôn coi bể học là vô bờ bến.

Và cũng chính vì biết xác định cho mình động cơ học tập và biết rằng bể học là vô bờ nên người Do Thái dù ở đâu cũng luôn luôn coi trọng sự tự học và họ đều thành công. Trong quá trình lập nghiệp của người Do Thái thường là cả một quá trình học tập và thực hiện mục tiêu trong đời mà họ đã đặt ra từ khi còn là đứa trẻ để cố gắng phấn đấu.

Vì thế, ngay từ khi còn đi học, nhiều người Do Thái đã tích cực tham gia học tập và làm việc trong các công xưởng chế tạo. Nhờ đó, phần lớn người Do Thái đã rèn luyện được tính ham học hỏi và phấn đấu trong gian khổ, để nắm được kỹ thuật công nghiệp, định ra mục tiêu cho mình nên trong bất cứ môi trường nào cũng có nhiều người Do Thái đã thành công một cách mỹ mãn.

Lời bàn:

Theo quan niệm của người Do Thái, học vấn không chỉ là học tập. Nó là một quá trình lấy cái học được làm cơ sở để sáng tạo ra cái mới, cái chưa và sẽ có trong thực tế cuộc sống. Mục đích của việc học tập không phải để tạo ra một giáo sư hạng nhất và cũng không phải tạo ra một bản sao của một ai khác, nhất là những người đã và đang là thần tượng của những ai đó. Học tập chính là để tạo ra một người mới, nhờ đó thế giới mới tiến lên được. Quả đúng sự học là vô bờ bến, học không bao giờ là đủ, là thừa. Vì vậy, Lênin đã từng nói “Học, học nữa, học mãi”.

Và trong dân gian, nhân dân ta có câu “Học thầy không tày học bạn”. Câu này có nghĩa là học thầy không thì chưa đủ, mà phải biết học ở mọi người, học ở bạn bè. Tiếc rằng thời nay không phải ai cũng biết rồi hiểu và làm theo những lời khuyên trên đây. Bởi thế mới có không ít người học hành thì chẳng ra sao, bằng cấp thì chẳng ra gì nhưng vì họ là con ông này, cháu bà kia nên vẫn cứ thăng tiến vù vù. Lại có người khi trẻ thì ham chơi, nhưng vì gia đình có tiền nên học cũng có bằng này kia và quan trọng hơn cả là họ có được “cái bằng lòng”, lại có ô to... nên quan lộ cứ thẳng tắp như đường kẻ. Vâng, vẫn biết như thế thì chẳng hay gì, nhưng xưa nay đời vẫn thế..., thật đáng buồn thay!                                     

K.N

  • Từ khóa
109503

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu