Thứ 2, 20/05/2024 05:20:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:12, 14/02/2014 GMT+7

Hòa thượng

Thứ 6, 14/02/2014 | 15:12:00 67 lượt xem

Bộ sách “Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Đây là bộ sách lịch sử còn được lưu giữ đến ngày nay. Sách này do Cao Xuân Dục, một vị đại thần của triều Nguyễn làm tổng tài và được in xong vào năm 1889, đưới thời vua Khải Định, gồm 33 quyển.

Quyển thứ 29 trong bộ sách này là Hạnh nghĩa kiệt truyện (ghi lại tiểu sử một số người có đức hạnh, tiết nghĩa) và Liệt nữ liệt truyện (những phụ nữ tiết liệt). Ở quyển này có ghi lại chuyện về nhà sư có tên là Sơn Nhân. Nội dung câu chuyện được ghi lại như sau:

Sơn Nhân hòa thượng là hiệu của Giác ngộ hòa thượng. Hiệu này do chính vua Minh Mạng ban cho ông. Giác ngộ hòa thượng là người vùng Gia Định, tên họ là gì đến nay chưa ai rõ và ông xuất gia rồi viên tịch năm nào cũng chưa ai hay. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện nhị tập có đoạn viết về ông như sau:

Lúc đầu, Sơn Nhân từng phải đi phu, lo việc đẽo đá để xây thành rất chăm chỉ. Một hôm, Sơn Nhân chợt thấy trong tảng đá lớn có bức tượng Phật, liền phát nguyện đi tu, đem tượng Phật ấy vào rừng và đoạn tuyệt với thế tục. Sau có người ở Phú Yên bỗng thấy chùa Thôn Không ở trên núi có người đến ở. Nguyên xưa, người của thôn này có dựng ngôi chùa ở trên núi, nhưng núi lắm cọp nên bỏ không. Thấy Sơn Nhân tới ở, họ kinh sợ mà hỏi thăm. Sơn Nhân liền đáp: Ta là ta, cọp là cọp.

Nghe Sơn Nhân nói vậy, có người lại hỏi: Sơn Nhân học chú ở đâu mà có thể khiến được cọp?

Sơn Nhân lại đáp: Ta chỉ có sáu chữ Nam-mô-a-di-đà Phật, thế thôi!

Bấy giờ là lúc dịch bệnh đang hoành hành, đâu cũng có người bị mắc phải bệnh dịch mà chết, duy chỉ có thôn ấy, nhờ Sơn Nhân cầu đảo tụng niệm nên mới được yên. Bấy giờ, nhà viên quan tỉnh chẳng may có người con bị đau tim, cúng vái, thuốc men mãi cũng không công hiệu gì, người người đều cho là bị yêu tinh cọp cái quấy nhiễu, bởi vậy quan tỉnh liền sai người đi đón mời Sơn Nhân. Đến nơi, Sơn Nhân hỏi: Nhà quan tỉnh ở nơi nào?

Người đi thỉnh Sơn Nhân đáp: Ở hướng Đông.

Sơn Nhân nói: Người về trước đi. Ta biết rồi.

Người ấy chưa về đến nơi thì Sơn Nhân đã tới bắt mạch và nói:

- Hổ tinh nương, tha cho kẻ ngây thơ dại dột này đi. Tha đi!

Nói xong thì chợt nghe có tiếng động, tựa như có tấm lục bay vút ra ngoài rồi tan biến mất. Con của quan tỉnh khỏi bệnh. Quan tỉnh liền đem việc ấy tâu lên Thánh Tổ Nhân Hoàng đế, tức là vua Minh Mạng. Nhà vua đã xuống sắc dụ cho triệu Sơn Nhân vào nội điện, rồi cho ngồi và hỏi nhờ đâu mà đắc đạo. Hỏi xong, nhà vua ban cấp cho Sơn Nhân rất hậu, nhưng ông không nhận bất cứ thứ gì vua ban. Ngay lúc đó, vua Minh Mạng nói:

- Đời xưa có câu: Thuần nhất không pha là hòa, muôn loài đều tôn là thượng, hòa thượng chính là người đấy ư?

Nói rồi, nhà vua bèn ban cho hiệu là Sơn Nhân hòa thượng, lại sắc cho hòa thượng đến ở các chùa công.

          Lời bàn:

Thời gian với lộ trình vô tận mà sự đổi thay là một thuộc tính bất di bất dịch, sự triển chuyển là cơ sở để có sự phát sinh và cả hoại diệt, sự tăng trưởng sinh sôi cũng đồng thời tàn tạ mỏi mòn. Quy luật là như thế và nền tảng của sự sống cũng như vậy. Do đó, đã là người thì phải biết rõ sự đổi thay là hiện tượng, sự miên viễn là vĩnh hằng, quy luật là việc của trời đất, còn tâm lý và thế giới tâm lý là của riêng con người. Chính vì vậy, sống chung với quy luật của trời đất là việc phải biết chấp nhận nó, hòa mình cùng nó trên lộ trình biến diệt vô thường mà ta không thể nào cưỡng lại được.

Và một trong những tiêu chí của Thiền học là thâm nhập được vào thế giới vô thời trong thời gian và vô không trong không gian. Có thể hiểu nôm na điều này là tâm không còn bị chi phối do cố chấp vào những giới hạn thường tình của thời gian và không gian, thì dẫu có phải đối diện với cái mà con người kinh khiếp nhất - cái chết - cũng nhẹ không. Cũng chính vì hiểu biết và nắm bắt được quy luật của tự nhiên mà Sơn Nhân hòa thượng trở thành người như lời của vua Minh Mạng: Thuần nhất không pha... muôn loài đều tôn kính... Tiếc rằng thời nay không phải tất thảy những người tu hành đều hiểu và sống như Sơn Nhân hòa thượng. Lại còn có những người giả dạng nhà sư để lừa bá tánh bằng cách nhận tiền các đình, chùa trong mùa lễ hội... Vẫn biết rằng đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng không thể không buồn thay.               

K.N

  • Từ khóa
109500

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu