Thứ 2, 20/05/2024 08:59:39 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:37, 21/01/2014 GMT+7

Chuyện về Lê Đình Dao

Thứ 3, 21/01/2014 | 10:37:00 300 lượt xem

Các vua nhà Nguyễn rất đề cao Nho học. Vua Gia Long cho lập Văn Miếu ở các doanh, trấn thờ đức Khổng Tử và lập Quốc Tử Giám năm 1803 ở Kinh thành Huế để dạy cho các quan và các sĩ tử, đồng thời cho mở khoa thi Hương lấy những người có học, có hạnh ra làm quan. Cũng trong năm này, Gia Long cho ban hành hai đạo dụ về việc mở các trường ở các tỉnh, ấn định nhân viên giáo giới và chương trình học chế, đồng thời tái lập lại các khoa thi ở các trấn. Ở mỗi trấn có một quan Đốc học, một phó Đốc học hay Trợ giáo. Cứ tháng 10 hàng năm triều đình mở một kỳ thi. 

Theo thông lệ cứ ba năm triều đình mở khoa thi Hương ở các địa phương. Những người trúng cao ở khoa thi Hương gọi là cử nhân, trúng thấp gọi là tú tài. Năm sau ở kinh đô mở khoa thi Hội tại Bộ Lễ, những cử nhân năm trước khi ứng thí, nếu trúng cách thì được tiếp tục thi Đình ở trong điện nhà vua để lấy các bậc tiến sĩ. Tự Đức là ông vua tổ chức nhiều khoa thi nhất với 16 kỳ.

"Quốc triều khoa bảng lục" là cuốn sách do Cao Xuân Dục, một viên quan đại thần của triều đình nhà Nguyễn biên soạn và còn lưu giữ được cho đến ngày nay. Trong cuốn sách này, tác giả đã ghi lại đầy đủ họ và tên cùng quê quán của tất cả những thí sinh thi đỗ trong các khoa thi Đình dưới thời nhà Nguyễn, tức là từ khoa thi năm Nhâm Ngọ, năm Minh Mạng thứ ba - 1822, đến khoa sau cùng là năm Kỷ Mùi, năm Khải Định thứ tư - 1919.  

Theo cuốn sách này, Lê Đình Dao (có sách ghi là Lê Đình Đao) là người ở vùng Thuận Xương, tỉnh Quảng Trị. Ông sinh năm Quý Mùi -1823 và mất năm Kỷ Mão - 1879. Trong khoa Tân Hợi - năm Tự Đức thứ tư - 1851, Lê Đình Dao đỗ Phó bảng và trong 10 người đậu Phó bảng khoa này, ông là người đứng đầu. Sau khi thi đậu, ông bắt đầu làm quan. Tuy là người nổi tiếng học rộng nhưng Lê Đình Dao làm quan chỉ đến chức cao nhất là Viên ngoại lang Bộ Hộ.

Sinh thời, Lê Đình Dao là người thanh liêm, đức độ và không bao giờ chịu cầu cạnh ai. Trong sách "Đại Nam chính biên liệt truyện" có hai đoạn ghi lại sự việc có liên quan đến Lê Đình Dao như sau: 

Lê Đình Dao có tên chữ là Bá Ngọc, người Thuận Xương, tỉnh Quảng Trị. Thân phụ của ông là Lê Đình Khuê cũng là người nổi tiếng là bậc túc nho, nhưng bấy giờ đi thi cứ bị quan trường đánh hỏng. Vì thế, Lê Đình Khuê đành phải dời đến vùng xa xôi hẻo lánh để cư ngụ và mở trường dạy học. Ngày ấy, học trò của ông rất đông. Nhà Lê Đình Khuê rất nghèo, chỉ có một con trâu làm chỗ dựa để tính kế sinh nhai. Lúc nhỏ, Lê Đình Dao phải vừa chăn trâu vừa học, tối đến, thân phụ hỏi về nghĩa lý của sách, ông trả lời khá tốt nên thân phụ lấy làm lạ, bèn bán trâu đi để lo cho ông học hành. Khi lớn lên cũng là lúc Lê Đình Dao nổi tiếng là người hay chữ. Năm 25 tuổi, Lê Đình Dao đi thi và ông đỗ khoa Hương (tức đỗ cử nhân). Ngay năm sau, ông thi Hội và đỗ đầu bảng phụ (tức đầu hàng Phó bảng).

Lê Đình Dao tính tình chất phác, hòa thuận, có phong độ của bậc cổ nhân. Ông làm quan trải gần 30 năm nhưng chỉ chìm đắm ở hàng quan thấp, vậy mà vẫn điềm nhiên an phận, không hề tỏ rõ sự buồn bực với ai. Bấy giờ, Lê Đình Dao có nhiều bạn bè là người cùng quê, làm quan với những chức vụ rất quan trọng trong triều đình, nên cũng có người khuyên ông chỉ cần tới yết kiến vài lần là được chức quan cao hơn, nhưng Lê Đình Dao chỉ từ tạ mà nói là mình vụng về, đâu dám lạm làm như thế. 

Khi ông về già, bạn bè nhiều người được làm quan to trong triều đã nhiều lần xin tiến cử ông lên hàng đại thần và xin được chỉ dụ chấp thuận của vua, nhưng chưa kịp nhận chức thì Lê Đình Dao đã mất.

Lời bàn: 
Từ thượng cổ cho tới nay, chuyện giàu sang nhờ bạn bè, đồng liêu cũng đã có không ít. Nhưng thực tế từ xưa tới nay cũng có nhiều người biết có thể nhờ bạn bè để được giàu sang, phú quý và vinh hiển, song họ đã từ chối và tấm gương Lê Đình Dao trong giai thoại trên là một minh chứng. Điều ấy chứng tỏ Lê Đình Dao hiểu rằng cái đã không phải hoặc chưa phải là của mình mà cố tình nhờ vả, hay hạ thấp mình để có cho bằng được thì cái đó có vẻ vang, vinh hạnh gì, mà ngược lại chỉ tổ mang nặng bên mình cái cục "nợ" và lúc nào cũng canh cánh lo trả ơn, đáp nghĩa. Hơn nữa, cái vốn đã không phải của mình mà có được thì chắc gì đã bền lâu. 
Có lẽ chính vì biết mình, hiểu đời và hiểu người nên Lê Đình Dao đã cố tình từ chối sự nhiệt tình của đồng liêu. Vẫn biết rằng sinh có hạn, tử bất kỳ, tức là người sau 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ sẽ được sinh ra, còn chết thì không ai có thể biết trước được. Song, với Lê Đình Dao, có lẽ sự ra đi của ông cũng là một cách từ chối mà không ai có thể chê trách hay hờn giận được. Vâng, nếu nhờ đồng liêu mà ông được phong lên hàng đại thần thì chắc gì tên tuổi ông đã được người sau biết đến và điều này quả là có ích cho hậu thế ngày nay.                  
                     

Đ.T

 

  • Từ khóa
109496

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu