Thứ 2, 20/05/2024 07:26:05 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:32, 04/01/2014 GMT+7

Phải biết kiên nhẫn

Thứ 7, 04/01/2014 | 16:32:00 143 lượt xem

Giải Pulitzer là một giải thưởng ở nước Mỹ và giải này được trao cho nhiều lĩnh vực, trong đó quan trọng hơn cả là báo chí và văn học. Đối với báo chí, Pulitzer được xem như một trong những giải danh giá nhất của nước Mỹ.

Người sáng lập giải thưởng này là Joseph Pulitzer, chủ bút của tờ báo New York World. Ông đề nghị giải này trong di chúc của mình được viết vào năm 1904. Khi đó, ông có đề ra 13 giải: 4 cho báo chí, 4 cho văn học, 4 cho sân khấu và 1 cho giáo dục. Nhạy cảm với sự thay đổi của thời cuộc, Pulitzer còn lập ra một hội đồng tư vấn có quyền thay đổi nội dung giải thưởng. Từ năm 1917, giải được trao vào tháng 4 hàng năm bởi Hiệu trưởng trường Đại học Columbia. Một phong bì khoảng 10 ngàn đô la được tặng kèm theo giải thưởng. Hiện nay, giải Pulitzer có tới 21 nội dung: Một số thể loại phóng sự, biên tập, biếm họa, nhiếp ảnh, tiểu thuyết, tiểu sử, sân khấu, thơ và âm nhạc.

Khi nói đến giải Pulitzer, có lẽ nhiều người biết Pulitzer là ai, ông ta làm gì nhưng làm thế nào để có được giải này thì chắc chắn không có nhiều người biết. Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có mẩu chuyện kể về Pulitzer và ước mơ cũng như cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi cho ước mơ của ông. Nội dung mẩu chuyện như sau:

Pulitzer là người Do Thái di cư sang sinh sống ở Mỹ từ đầu thế kỷ XX. Năm 21 tuổi, anh xin được giấy phép hành nghề luật sư. Vốn là người có chí lớn, anh cảm thấy làm luật sư khó có thể làm nên sự nghiệp lớn. Sau khi suy nghĩ kỹ, anh quyết tâm dấn thân vào nghề làm báo.

Nhà Vật lí học Archimedes của Hy Lạp từng nói: Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi có thể bẩy cả địa cầu lên. Pulitzer thấy câu nói đấy đã cho mình một gợi ý lớn, đúng là cần phải tìm ra một điểm tựa, có điểm tựa sẽ làm được việc lớn. Từ đó, anh luôn để tâm tìm cho mình một điểm tựa trong làng báo. Hôm đó, anh đến tòa soạn của một tờ báo lớn ở Sait Louis xin việc. Ông chủ báo thấy Pulitzer nhanh nhẹn, nhiệt tình, thông minh nên đã nhận với điều kiện Pulitzer phải tập sự trong một năm, nhưng chỉ được hưởng 50% lương.

Pulitzer cảm thấy ông chủ chưa thực sự tín nhiệm mình nhưng anh vẫn vui vẻ nhận. Lúc đó, anh nghĩ rằng làm biên tập viên dự bị là rất tốt rồi. Nhờ có tính kiên nhẫn cố hữu của người Do Thái, anh đã chịu đựng được những thử thách gian nan của chủ báo và cả những lời dè bỉu từ các đồng nghiệp. Trong khi làm việc, anh phát huy sở trường cũng như lòng yêu nghề của mình, nhờ đó chủ báo đã giảm thời gian tập sự và chỉ một năm sau anh đã chính thức được giao làm biên tập viên. 

Thời gian sau, Pulitzer đã liên tiếp viết được nhiều bài báo giá trị, thanh danh nổi lên nhanh chóng. Năm 1869, anh được bầu làm nghị viên của Nghị viện bang Missouri. Từ những năm 1871 đến 1872, uy tín và ảnh hưởng của anh càng lan rộng, thu nhập cũng tăng lên khá mạnh. Năm 1878, Pulitzer đã tích lũy đủ vốn liếng để mở một tờ báo riêng bằng cách mua lại một tờ báo sắp phá sản. Anh đặt tên báo là “Tin nhanh bưu điện Sait Louis”. Qua 5 năm kiên nhẫn phấn đấu khắc phục mọi khó khăn, báo của anh đã được coi là thành công lớn nhất nước Mỹ, mỗi năm anh kiếm được 150 ngàn đô la tiền lãi ròng.

Khi đã tích lũy được nhiều hơn, Pulitzer mua luôn tờ “Thế giới New York” đang làm ăn sa sút. Và chỉ ít lâu sau tờ báo này đã trở thành một cơ quan thông tin có ảnh hưởng và kiếm được nhiều lợi nhuận nhất nước Mỹ. Sau này, toàn bộ gia sản ông đã tình nguyện để làm quỹ trao phần thưởng cho những bài báo xuất sắc. Đó chính là giải thưởng báo chí Pulitzer.

Lời bàn:

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng hạnh phúc hay thành công chẳng bao giờ đến với những người không biết chờ đợi, không biết kiên nhẫn và không có sự nỗ lực phấn đấu của chính bản thân mình. Chính vì hiểu rõ điều này nên Pulitzer đã sớm khẳng định được chỗ đứng của mình trong xã hội và đi từ thành công này đến thành công khác. Và từ nội dung của mẩu chuyện trên đây cho thấy, sự thành đạt của Pulitzer chính là vì anh ta đã biết phát huy đức tính kiên nhẫn và sự bền bỉ phấn đấu của dân tộc Do Thái.

Cha ông ta vẫn thường nói rằng “phi cổ bất thành kim”, nói một cách đơn giản là “không có trước thì chẳng bao giờ có sau”, không có ông cha thì làm sao có con cháu và không có thất bại cũng như thành công của thế hệ đi trước thì làm sao có vinh quang cho thế hệ sau. Và điều đáng nói sau mẩu chuyện này là nếu ai hay một gia đình và thậm chí là một quốc gia mà không biết giữ gìn, phát huy truyền thống của gia đình, của đất nước thì con cháu sẽ chẳng bằng ai, đất nước cũng khó trở thành một cường quốc. Chính vì vậy cho nên bài học từ mẩu chuyện trên không phải chỉ dành riêng người Do Thái.               

N.N

 

  • Từ khóa
109490

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu