Thứ 2, 20/05/2024 05:48:47 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:43, 30/12/2013 GMT+7

Hòa khí và tài lộc

Thứ 2, 30/12/2013 | 08:43:00 136 lượt xem

Đối với người Do Thái, ngoài việc giáo dục con cái phải chăm chỉ học tập, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi trí tuệ và rèn luyện thân thể để có sức khỏe, họ còn coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống. Họ luôn luôn khuyến khích con cái tu dưỡng phẩm hạnh, cố gắng phấn đấu trở thành một con người có nhân, có đức. Đặc biệt là người Do Thái thường hay dùng gương sáng của các nhân vật lớn về sự cần cù, tài năng, trí tuệ và đức độ để hướng cho con cái noi theo. Và mẩu chuyện dưới đây là một minh chứng cho điều này.

Chuyện kể lại rằng: Cook là cán bộ của một công ty, ông ta rất giỏi về nghiệp vụ nhưng không khéo đối xử, hay cáu kỉnh với bạn bè, đồng nghiệp và thường làm mất lòng nhiều người, ngay cả với những người hàng xóm. Vì thế đường công danh của ông vẫn ì ạch, chậm lên chức lên lương.

Hồi đó, cạnh nhà Cook có một bà hàng xóm vừa mới dọn đến ở. Bà ta rất vô ý, nên mỗi lần ra vào đều đóng mở cửa rầm rầm, nhiều khi làm Cook mất ngủ. Hôm đó, cực chẳng đã, Cook bảo bà hàng xóm:

- Sao bà vô ý quá, đóng cửa rầm rầm như thế thì ai mà ngủ được.

Cook không ngờ bà hàng xóm kia là một đối thủ cũng không vừa. Ông vừa dứt lời thì bà ta trừng mắt nhìn Cook vừa nghiến răng vừa nói như quát thẳng vào mặt ông rằng:

- Này, ông ăn nói với ai thế hả? Ông là cái thá gì mà dám quát nạt người ta.

Cook im lặng không trả lời, nhưng khi ấy ông đã tính tới chuyện trả đũa người hàng xóm của mình và ông nghĩ trong bụng rằng: Được, rồi tôi sẽ cho biết tay.

Hôm sau khi đi làm về, ông thấy bà hàng xóm cũng vừa đi về. Ông bèn cố ý dập cửa kêu thật to. Ông nghĩ chắc từ đây bà ta phải cải tà quy chính.

Ngờ đâu mấy hôm sau, bà hàng xóm làm mạnh tay hơn, tiếng sập cửa càng to hơn. Cook nghĩ bụng:  Phải dàn hòa thôi, chiến tranh là có hại cho cả hai.

Nghĩ vậy nên hôm sau, khi đi làm vừa về thì bà hàng xóm nhìn thấy một bì thư gài ở cửa. Bà mở ra xem thấy mấy dòng chữ:

- Kính thưa bà hàng xóm, tôi thành thực xin lỗi vì mấy hôm trước đã làm ồn ào quấy rầy bà. Hôm đó, tôi nhận được tin không vui nên tính khí có phần thất thường. Rất mong bà thứ lỗi. Kính thư. Hàng xóm của bà.

Hôm sau, Cook đi làm về cũng nhìn thấy một bì thư gài ở cửa. Ông mở ra xem thấy có mấy hàng chữ:

- Kính thưa ông hàng xóm. Mấy ngày qua tôi gặp việc rắc rối ở cơ quan, tâm trạng kém vui nên hay làm ồn ào. Mong ông thứ lỗi. Kính thư. Người hàng xóm của ông.

Từ đó, hai người đi đi về về gặp nhau đều mỉm cười chào hỏi có vẻ thân tình hơn. Và cũng từ đó, Cook sửa được thói xấu hay gây gổ của mình, sống hòa khí với mọi người, được cấp trên và đồng nghiệp tin yêu, đã liên tiếp được đề bạt, giữ một chức vụ cao trong công ty.

Lời bàn:

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, đã là con người sống trên cõi đời thì điều vô cùng cần thiết đối với mỗi cá nhân là phải biết chú ý tới mối quan hệ với những người xung quanh, đặc biệt là đối với cấp trên và cộng sự. Nếu đối xử không khéo, kém hòa khí, làm mất lòng và đắc tội với người khác sẽ gặp phải hai điều bất lợi sau: Một là sẽ làm cho mình mất một lối đi và một con đường thông thoáng để dễ tiến bước. Hai là sẽ vô tình tạo ra những quả bom nổ hẹn giờ, rất nguy hiểm cho bước đường công danh phía trước.

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ta cứ “ngậm miệng ăn tiền”, chẳng dám có ý kiến phê bình cái sai của người khác. Vấn đề là phải nói thế nào để tỏ rõ được lòng chân thành của mình và phải có thái độ khách quan. Và ông bà ta vẫn thường nói rằng: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau. Vâng, vấn đề là chỗ phải biết “lựa lời” và cũng phải biết nói sao cho “vừa lòng nhau”. Vẫn biết rằng, ở đâu có hòa khí thì ở đó ắt sẽ có tài, lộc, nhưng sống ở trên đời có mấy ai hiểu và làm được như vậy?

N.V

  • Từ khóa
109488

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu