Thứ 2, 20/05/2024 05:49:49 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 11:26, 20/12/2013 GMT+7

Trí tuệ tạo ra của cải

Thứ 6, 20/12/2013 | 11:26:00 3,389 lượt xem

Trong kho tàng văn học dân gian của người Do Thái có một câu chuyện hài hước nói về trí tuệ và của cải như sau: Có hai vị Rabi ngồi trao đổi với nhau. Vị này hỏi vị kia rằng: Trí tuệ và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn?

- Tất nhiên là trí tuệ rồi.

Nghe vậy, vị Rabi kia liền trả lời bằng một câu hỏi:

- Thế tại sao người có trí tuệ lại phải đi làm thuê cho người có của cải? Trên đời này biết bao nhiêu học giả, nhà triết học đang phải ăn lương của các nhà triệu phú đấy thôi.

- À, đơn giản quá. Đó là vì người có trí tuệ biết được giá trị của tiền bạc, còn người giàu thì biết được giá trị của trí tuệ.

Lý lẽ của hai vị Rabi này nghe ra không phải là vô lý. Người có trí tuệ mới được người giàu thuê mướn và người không có trí tuệ mới tỏ ra hợm hĩnh trước các nhà trí thức. Cái hay của câu chuyện hài hước này là ở chỗ đó.

Người có trí tuệ biết rõ giá trị của đồng tiền, tại sao lại không dùng trí tuệ đó để làm giàu, cứ phải đi làm thuê cho người giàu để có cơm ăn áo mặc. Như vậy mới là trí tuệ thực sự chăng? Và trí tuệ phải cúi đầu nghe theo chỉ đạo của tiền bạc, thì rõ ràng trí tuệ đó không có giá trị bằng tiền bạc. Trái lại, người giàu có biết dùng đồng tiền để điều khiển các nhà trí thức phục vụ cho mình và như thế mới là trí tuệ đích thực?

Nhưng nói như vậy thành ra đồng tiền lại là thước đo của trí tuệ và có giá trị hơn trí tuệ. Thực ra điều đó không có gì mâu thuẫn. Đồng tiền sống mới là đồng tiền sinh ra lợi nhuận, trí tuệ chết không thể sinh ra tiền bạc, trí tuệ sống mới là trí tuệ sinh ra tiền bạc.

Vậy đồng tiền sống và trí tuệ sống, cái nào quan trọng hơn?

Trí tuệ phải hòa nhập với đồng tiền mới là trí tuệ sống, đồng tiền phải hòa nhập với trí tuệ mới là đồng tiền sống. Trí tuệ sống và đồng tiền sống không có phân biệt cao thấp vì chúng là một mà thôi. Chúng là sự kết hợp nhuần nhuyễn hai mà một. Chính vì thế các nhà kinh doanh Do Thái đã trở thành những con buôn giàu trí tuệ nhất.

Người Do Thái thường hay chê cười những kẻ chỉ có lý thuyết suông. Họ coi những người chỉ biết chúi đầu vào sách vở mà không biết áp dụng vào thực tiễn cuộc sống để biến kiến thức thành hiện thực thì chẳng khác nào những con lừa chỉ biết thồ tơ lụa, gấm vóc. Điều mà người Do Thái quan tâm là ở chỗ con lừa khác với gấm vóc. Của cải không chỉ là tiền bạc mà còn là trí tuệ. Của cải là lực lượng, là sự kết tinh của trí tuệ và sức lực, là sự thống nhất của tinh thần và vật chất.

Và giai thoại sau đây là minh chứng cho điều này: Vào đầu thế kỷ XX, Công ty ôtô Ford ở Mỹ có một máy phát điện cỡ lớn bị hỏng. Công ty bèn mời một chuyên gia kỹ thuật từ Đức và là người Do Thái đến giúp. Vị chuyên gia này ngắm nghía cỗ máy, kiểm tra một lúc rồi nói: Phải giảm bớt 16 vòng của cuộn dây ở đúng chỗ này.

Công ty làm đúng như vậy, quả nhiên có kết quả, máy lại chạy êm. Khi nói đến chuyện thù lao, chuyên gia kia đòi tiền công 10 ngàn đô la. Ngay lúc đó, có nhiều người xì xào, sao chỉ vẽ có một vạch phấn mà lấy đắt thế. Người chuyên gia kia nghe được và bình thản trả lời rằng:

- Vẽ một vạch phấn đúng là chỉ đáng giá 1 đô la, nhưng biết được cần vẽ chỗ nào lại đáng giá tới 9.999 đô la.

Lời bàn:

Lịch sử của nhân loại đã chứng minh rằng, những người có tài năng, có trí tuệ cao siêu biết mang kiến thức của mình để phục vụ quê hương, đất nước... Nói cụ thể hơn là giúp cho đồng bào mình có cuộc sống đầy đủ hơn thì người đó không những được người đương thời, mà còn được các thế hệ về sau mãi mãi tôn vinh, nể trọng và ngược lại. Và trong dân gian người ta vẫn thường nói “miệng ăn núi lở”, nên nếu ai đó không biết làm cho tài sản của mình sinh sôi thì tiền dẫu có chất cao như núi rồi cũng có ngày hết.

Bởi thế, chỉ những người thực sự có trí tuệ mới hiểu rõ được giá trị của đồng tiền và họ biết cách dựa vào trí tuệ để làm ra nhiều của cải, dùng trí tuệ của mình để làm ra những sản phẩm có ích cho xã hội. Nếu tri thức mà không được áp dụng vào thực tiễn, không thể chuyển hóa thành của cải thì chỉ là thứ vô dụng mà thôi. Vâng, như vậy chắc hẳn mọi người đã biết, trí tuệ và tiền bạc, cái nào quan trọng hơn!                                                                           

N.V

  • Từ khóa
109484

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu