Thứ 2, 20/05/2024 07:26:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:43, 01/12/2013 GMT+7

Tứ đức xưa và nay

Chủ nhật, 01/12/2013 | 09:43:00 167 lượt xem

Nhờ có công lớn trong việc giúp triều đình đánh đuổi nhà Mạc, khôi phục vương triều nhà Lê mà họ Trịnh dần dần lấn át quyền lực của vua Lê. Chưa hết, họ Trịnh còn tự xưng vương, rồi lập phủ đệ riêng, thâu tóm quyền hành trong triều về mình và biến các hoàng đế trở thành bù nhìn. Đến đời Lê Thần Tông thì ngôi vua lúc này chỉ còn là hư vị, bản thân vua có mẹ là con gái chúa Trịnh Tùng, do chúa lập lên ngôi, sau đó lại bị ép lấy con gái chúa Trịnh Tráng.

Trong cảnh bị o ép nhưng đành phải cam chịu, nên vua Lê Thần Tông ngoài tận hưởng ca múa để giải khuây, ông còn thích đi du ngoạn các danh lam thắng tích trong nước. Một lần, vua ngự thuyền rồng xuôi dòng sông Đáy, khi qua một dải đất có hình dáng lạ kỳ ở xã Hoàng Đan, xứ Sơn Nam Hạ (nay là xã Yên Hưng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định), vua truyền cho dừng thuyền lại để hỏi thăm và người dân ở đây cho biết, nơi họ sinh sống có tên gọi là xóm Thoi. Bởi vì dải đất ấy có hình như một cái thoi dệt vải.

Khi ấy, nhà vua bỗng nghe thấy tiếng hát trong trẻo, thánh thót từ xa vang đến, đưa tầm mắt tìm kiếm, Lê Thần Tông rất ngạc nhiên thấy một cô gái không giống như mọi người đến lạy phục ra mắt hoàng đế mà lại điềm nhiên như không, bàn tay thoăn thoắt dùng liềm cắt cỏ bên bờ sông, vừa làm vừa hát. Điều đặc biệt là trên đầu cô gái lơ lửng một đám mây xanh có hình như chiếc lọng.

Cho đó là chuyện khác thường, nên vua Lê Thần Tông truyền gọi cô gái cắt cỏ đến, tuy là con gái thôn quê nhưng cô gái dung nhan diễm lệ, cử chỉ nhẹ nhàng, tự tin không hề e ngại, ứng đáp lại thông minh, trôi chảy khiến vua rất mến bèn cho rước lên thuyền rồng, đưa về cung làm phi.

Cô gái đó tên gọi là Nguyễn Thị Bạch Ngọc, cùng với việc được lập làm Quý phi, Lê Thần Tông còn truyền chỉ đổi tên quê hương của mỹ nữ từ tên xóm Thoi thành thôn Thanh Vân (Mây Xanh) để đánh dấu kỷ niệm mối duyên tình cờ của mình. Vào cung được hơn một năm, quý phi Nguyễn Thị Bạch Ngọc có thai và hạ sinh cho vua Lê Thần Tông một hoàng tử trưởng được đặt tên là Lê Duy Hựu. Cũng vào thời gian này, chúa Trịnh ép vua lấy con gái mình là Trịnh Thị Ngọc Trúc để lập làm Hoàng hậu cho dù trước đó bà Trịnh Thị Ngọc Trúc đã lấy chú họ của Lê Thần Tông và đã có 4 người con.

Vì là Hoàng hậu nên Trịnh Thị Ngọc Trúc trở thành mẹ đích của vua Lê Duy Hựu, còn quý phi Nguyễn Thị Bạch Ngọc chỉ là mẹ sinh. Có con trai nối dõi, Lê Thần Tông rất vui mừng ban chiếu lập làm Hoàng thái tử và đến tháng 10 năm Quý Mùi (1643) thì truyền ngôi cho Lê Duy Hựu để lên làm Thái thượng hoàng.

Thái tử kế vị ngai vàng, đặt niên hiệu Phúc Thái, sử sách thường gọi là Lê Chân Tông. Làm vua được 7 năm (1643-1649) thì Lê Chân Tông mất, thọ 20 tuổi. Sau khi Lê Chân Tông mất, thái thượng hoàng Lê Thần Tông trở lại ngai vàng làm vua lần thứ hai và tại vị cho đến tháng 9 năm Nhâm Dần (1662) thì băng hà. Người con thứ là Lê Duy Vũ do cung phi Phạm Thị Ngọc Hậu sinh ra được đưa lên làm vua.

Mấy năm sau đó, quý phi Nguyễn Thị Bạch Ngọc qua đời, triều đình rước linh cữu bà đưa về chôn cất tại quê nhà. Theo sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, mùa hạ tháng 5 năm Nhâm Tuất (1682), triều đình truy tôn quý phi Nguyễn Thị Bạch Ngọc làm Minh Thục hoàng thái hậu. Đến năm Giáp Tý (1684), vua Lê Hy Tông dâng thêm tôn hiệu cho bà là: Minh Thục, Trinh Tĩnh, Thuần hòa Hoàng thái hậu, sau đó sai người xây dựng điện Hoàng Long ở thôn Thanh Vân để thờ phụng, còn người dân đến nay vẫn quen gọi là đền bà Hoàng thái hậu.

Lời bàn:

Vua Lê Thần Tông có tên húy là Lê Duy Kỳ và là vị vua thứ 6 của nhà Lê Trung Hưng. Ông cũng là vị vua Việt Nam duy nhất 2 lần lên ngôi (lần thứ nhất năm 1619, lần thứ hai năm 1649) và cũng là người Việt đầu tiên lấy vợ phương Tây. Dưới thời phong kiến thì chuyện một ông vua mà có hàng trăm cung tần mỹ nữ là lẽ thường tình và vua Lê Thần Tông cũng vậy. Nhưng ở vị vua này có điểm khác so với những vị vua tiền triều cũng như các ông vua sau này của nhà Nguyễn là ở chỗ, ngoài bà vợ đầu tiên Trịnh Thị Ngọc Trúc là người Việt (Kinh), vua Lê Thần Tông có 5 phi tần nữa nhưng mỗi bà thuộc một dân tộc khác nhau: Bà vợ thứ 2 là người Thái Lan, thứ 3 là người Mường, thứ 4 là người Hán, thứ 5 người Lào và thứ 6 người Hà Lan.

Tuy nhiên, điều muốn nói ở giai thoại này không phải là vua Lê Thần Tông có bao nhiêu bà vợ hay những bà vợ người dân tộc nào, mà là ở chỗ trước khi lên long kiệu, tất cả những người phụ nữ ấy không ai biết chắc rằng mình sẽ là vợ vua, là mẫu nghi thiên hạ. Vẫn biết rằng với thời nay mà năm thê bảy thiếp là không phù hợp với cuộc sống văn minh, nhưng với một người phụ nữ thì “công, dung, ngôn, hạnh” không bao giờ là cũ, là lạc hậu. Tiếc rằng, các thiếu nữ và thậm chí là không ít các mệnh phụ phu nhân cũng không hiểu được điều này.                                                

N.N

  • Từ khóa
109477

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu