Thứ 2, 20/05/2024 07:48:20 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 13:43, 14/11/2013 GMT+7

Cần biết tiết kiệm

Thứ 5, 14/11/2013 | 13:43:00 158 lượt xem

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có mẩu chuyện ngắn với nội dung đơn giản, nhưng lại chứa đựng ý nghĩa giáo dục về đức tính tiết kiệm đối với mọi người rất sâu sắc, đặc biệt là đối với trẻ em. Và trong điều kiện của nước ta hiện nay, nội dung của câu chuyện dưới đây chắc chắn sẽ giúp ích nhiều cho không ít bậc làm cha, mẹ trong việc giáo dục và rèn luyện đức tính tiết kiệm cho con em mình. Nội dung mẩu chuyện như sau:

Lần đó, bé An làm xong bài tập thì tiện tay cầm chiếc bút chì gãy vứt vào sọt rác. Ông nội của em thấy vậy bèn bước tới gần rồi đưa tay nhặt cây bút chì từ trong sọt rác ra và nói rằng:        

- Chiếc bút chì này chẳng đáng giá bao nhiêu nhưng cũng phải dùng đến một số tài nguyên quốc gia mới chế tạo được. Cụ thể là người ta phải dùng đến than đá trong lòng núi và cây gỗ trên rừng mới chế tạo ra. Nếu ai cũng làm như cháu, nhà nước sẽ bị thiệt hại to. Ai cũng vậy, ở mọi lúc, mọi nơi cần phải biết tiết kiệm cháu ạ.

Đời sống hiện nay của nhân loại tuy đã được cải thiện nhiều, nhưng một số trẻ nhỏ dễ chi tiêu hoang phí, không có ý thức tiết kiệm. Ngay một số người lớn cũng mắc phải thói xấu đó và chính vì không biết tiết kiệm của cải, công sức nên có không ít người vẫn phải sống trong nghèo khó.

Thấu hiểu điều đó cho nên người Do Thái thường sớm dạy con phải biết coi trọng thói quen chi tiêu, tiết kiệm. Các vị Rabi Do Thái thường nói:

- Tập quán, thói quen là một động lực giúp con người vươn tới, xã hội phát triển và nó là kết quả của một quá trình rèn luyện dài. Vì vậy cần giáo dục trẻ có được thói quen tốt từ khi các cháu còn ấu thơ. Khi trẻ còn ở tuổi mẫu giáo đã dạy chúng biết quý trọng những đồ chơi, áo quần, sách vở. Khi trẻ lên tiểu học cần dạy chúng biết chi tiền khi tiêu vặt.

Xưa kia có một anh thợ mộc rất khéo tay, sản phẩm của anh ta làm ra rất tinh xảo, ai cũng thích. Tất cả những sản phẩm mà anh ta làm ra đến đâu đều được tiêu thụ hết. Thậm chí có nhiều người đã phải đặt hàng và trả tiền đặt cọc trước. Vì thế anh ta kiếm được khá nhiều tiền, nhưng do chi tiêu hoang tàng nên đã bao năm mà gia đình của anh ta vẫn cứ nghèo rớt mùng tơi. Với ý định đổi đời, một hôm anh ta quyết định nghỉ việc rồi tìm đến nhà một phú ông ở gần đó để hỏi về kinh nghiệm làm giàu và mong rằng sẽ học được rồi từ giã với cái nghèo. Thấy có khách đến thăm, người phú ông kia niềm nở đón tiếp và nói:

- Việc làm giàu nói ra thì dài lắm nhưng cũng rất đơn giản. Xin anh hãy đợi một lát rồi tôi sẽ nói. Trước hết tôi cần tắt đèn cái đã.

Nói xong, phú ông liền cầm cây đèn lên và thổi tắt. Anh thợ mộc vốn là người thông minh nên ngay lúc đó đã hiểu ngay ra vấn đề mà người phú ông kia chuẩn bị muốn nói với mình. Và ngay khi ấy, anh thợ mộc vui vẻ đứng lên nói:

- Thưa ông, tôi đã hiểu rõ rồi ạ, muốn làm giàu thì trước hết phải biết sống tiết kiệm, xin cảm ơn ông.

Thế mới hay rằng, dù trong hoàn cảnh nào, người Do Thái cũng luôn luôn chú ý đến việc tiết kiệm và họ cũng luôn có ý thức dạy bảo con cái cố gắng rèn luyện thói quen tiết kiệm bằng mọi cách.

Lời bàn:

Ngày nay, xã hội phát triển, đất nước đã vượt qua thời kỳ khó khăn, phần lớn các hộ đã có cuộc sống khá no đủ. Vì vậy đã có không ít người có ý nghĩ sai lầm rằng, trong thời kỳ đất nước còn nghèo đói mới cần chú trọng đến tiết kiệm, còn bây giờ tình hình khác xa rồi, ôtô, tủ lạnh, ti vi, máy tính, cái gì cũng có, cần gì phải nói đến hai chữ “tiết kiệm”. Vâng, đó là suy nghĩ không đúng. Vì ngay đến tài nguyên thiên nhiên tưởng như vô tận nhưng chúng ta cứ khai thác bừa bãi để xuất khẩu rồi nhập hàng tiêu dùng về thì đến đời sau con cháu lấy gì mà ăn. Cha ông ta có câu rằng “Miệng ăn núi lở” và “Buôn tàu bán bè không bằng ăn dè hà tiện”. Tuy nhiên việc ăn dè hà tiện ở đây không phải là ky bo, là bủn xỉn, là keo kiệt.

Vì vậy trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng phải biết sống tiết kiệm và thường chú ý dạy con cái rèn luyện thói quen tiết kiệm bằng cách lợi dụng mọi cơ hội để giảng giải cho trẻ hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm. Bên cạnh đó là phối hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường trong việc giáo dục trẻ về tiết kiệm. Đồng thời phải nghiêm khắc yêu cầu trẻ biết thực hành tiết kiệm từ những việc nhỏ nhất. Tuy nhiên, biện pháp giáo dục tốt nhất chính là những người lớn, những người làm cha, mẹ phải biết tự mình làm gương sáng về tiết kiệm cho trẻ noi theo. Và nếu thế hệ sau không biết tiết kiệm, thì ai đó có hy sinh đời bố cũng không thể củng cố được đời con.                     

N.N

  • Từ khóa
109471

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu