Thứ 2, 20/05/2024 04:53:57 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:59, 06/11/2013 GMT+7

Sau cơn mưa...

Thứ 4, 06/11/2013 | 09:59:00 67 lượt xem

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có hai mẩu chuyện đáng được người đọc quan tâm. Chuyện thứ nhất kể lại rằng: Kinmon là người Do Thái sống ở Mỹ và cô đã trở thành nữ vận động viên trượt tuyết xuất sắc của nước Mỹ khi cô mới 18 tuổi. Một số tạp chí thể thao nổi tiếng đã có lần đưa ảnh cô lên trang nhất. Tháng Giêng năm 1955, đúng vào dịp đại hội thể thao Olympic đã xảy ra một bi kịch đối với cô. Trong đợt thi dự tuyển, Kinmon đã bị ngã khi đang trượt tuyết từ trên đỉnh núi xuống. Cô được đưa ngay vào bệnh viện, tính mạng được cứu sống nhưng toàn thân cô từ vai trở xuống bị tê liệt.

Kinmon quyết không chịu trở thành người tàn phế. Cô tìm mọi cách để thoát ra khỏi sự thống khổ của cõi cô vọng. Lúc này cô muốn làm một điều gì đó để giúp ích cho xã hội. Cô học đánh máy, học cách điều khiển xe lăn, tự ăn bằng một loại muỗng đặc biệt. Ngoài ra, cô còn dự học một số môn ở trường Đại học California với mong muốn trở thành một giáo viên. Cô làm đơn xin việc với một cơ sở giáo dục, nhưng không được ban giám hiệu chấp nhận. Họ nói điều kiện tối thiểu để làm giáo viên là phải tự lên xuống cầu thang dẫn vào lớp học mà cô không thể làm được.

Tuy nhiên, Kinmon vẫn kiên quyết tin vào khả năng của mình. Cô vẫn kiên trì gửi đơn xin việc đến 90 cơ sở giáo dục ở Los Angeles. Kết quả đã có ba cơ sở đồng ý nhận cô. Nhà trường đã sửa lại một số đường đi để tiện cho cô dùng xe lăn tới lớp học. Thậm chí, vị giám hiệu còn sửa lại quy định, giáo viên không nhất thiết phải đứng giảng bài, mà có thể ngồi. Kinmon đã làm việc tận tụy, được học sinh yêu mến giúp đỡ. Dịp nghỉ hè, cô còn về khu dân cư người da đen giúp con em họ học thêm. Và tấm gương kiên cường phấn đấu, tin tưởng vào tương lai của Kinmon là một bài học có ích cho thanh niên.

Chuyện thứ hai kể về nữ nhà văn Gordimer người gốc Do Thái và bà là nhà văn nữ đầu tiên trên thế giới nhận được giải Nobel văn học trong vòng 25 năm trở lại đây. Vinh dự lớn lao này đến với bà không dễ dàng gì. Đó là kết quả của 40 năm vật lộn đẫm mồ hôi, nước mắt. Từng nhiều lần rơi vào nguy cơ thất bại nhưng rồi nhờ có nghị lực phi thường và lòng tin kiên định, bà đã vượt qua được khó khăn, đúng là sau cơn mưa trời sẽ đẹp lắm.

Ngày 3-10-1991, là một ngày diễn ra bình thường như mọi ngày trong năm, nhưng với nhà văn Nam Phi gốc Do Thái Gordimer lại có ý nghĩa đặc biệt và đã để lại cho bà những kỷ niệm không bao giờ quên. Đó là ngày bà được nhận giải Nobel văn học.

Gordimer sinh ngày 20-11-1923. Năm lên 6 tuổi, bé Gordimer vốn có thân hình mềm mại, dễ thương từng mơ ước trở thành diễn viên múa ballet. Sau khi được nhận vào trường múa, cô bé đã không chịu được sự luyện tập căng thẳng nên phải từ bỏ. Điều bất hạnh và số phận trớ trêu đã đến với cô bé yếu đuối này. Năm lên 8 tuổi, Gordimer mắc bệnh nặng nên phải bỏ học. Hàng ngày, em nằm trên giường bệnh làm bạn với sách báo. Sau đó, em còn thường xuyên đến thư viện ở Sphins. Dần dần em có hứng thú về văn học. Năm 15 tuổi, Gordimer đã có tác phẩm đầu tay được xuất bản.

Năm 1953, bộ tiểu thuyết dài “Ngày nói dối” của Gordimer ra đời đã làm sôi động văn đàn thế giới, vì lời văn đẹp và nội dung tư tưởng sâu sắc. Trong nhiều năm cầm bút, bà đã viết được 10 bộ tiểu thuyết dài, 200 tiểu thuyết ngắn. Tác phẩm văn học của bà có chất lượng cao, từng giành được nhiều giải thưởng. Đó là kết quả của sự lao động miệt mài, của ý chí vượt qua bệnh tật hiểm nghèo để trở thành người có ích cho xã hội.

Lời bàn:

Từ nội dung của hai mẩu chuyện trên đây cho thấy, việc dạy con ngay từ khi chúng còn tấm bé bằng những tấm gương tuổi trẻ không chịu nhụt chí trước khó khăn, trắc trở là vô cùng có ích, là một biện pháp mang lại hiệu quả giáo dục cao. Không những thế, trong sinh hoạt hằng ngày, bậc cha mẹ cần cố ý tạo ra một số khó khăn để trẻ tìm cách khắc phục và từ đó sẽ tạo cho chúng những thói quen tốt. Đồng thời, bậc làm cha mẹ còn cần biết nêu những tấm gương không chịu nhụt chí, lùi bước trước vấp ngã để con mình noi theo. Bên cạnh đó còn cần phải biết dạy trẻ cách xử lý khi bị thất bại bằng việc tìm rõ nguyên nhân thất bại, tự động viên mình và tiếp tục phấn đấu, khắc phục khó khăn.

Tất cả những điều đó là cơ sở, là tiền đề, là điều kiện để cho trẻ tiến bộ và thành công về sau. Tiếc rằng những điều ấy có được mấy bậc làm cha mẹ ngày nay học và làm theo. Tuy có người cũng tạo mọi điều kiện nhưng là để cho con cái của họ không thua kém ai về tiền, về xe máy, xe hơi và những thứ hàng hiệu mang theo trên người. Thậm chí có người còn tổ chức sinh nhật cho con ở nước ngoài. Lại có người con tuy mới một tuổi nhưng đã công bố để lại di chúc với khối tài sản khổng lồ - 1 tỷ USD. Vẫn biết rằng, với bậc làm cha mẹ thì tài sản quý giá nhất là những đứa con. Nhưng những người con ấy không được giáo dục tốt thì thứ tài sản quý giá nhất ấy cũng trở thành vô nghĩa. Và những ai chưa tin điều này, xin cứ ngẫm cho kỹ ắt sẽ hiểu.

K.N

  • Từ khóa
109469

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu