Thứ 2, 20/05/2024 04:54:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:18, 22/10/2013 GMT+7

Sống mãi trong lòng dân

Thứ 3, 22/10/2013 | 14:18:00 189 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, đến cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, vùng đất bãi bồi ven biển mênh mông hàng ngàn mẫu ở tỉnh Thái Bình, Ninh Bình ngày nay, hầu như chưa được khai phá bao nhiêu. Ngày ấy, ở nơi đây mới chỉ xuất hiện một số làng tự phát. Ở bên tả ngạn sông Hồng thì vẫn trong tình trạng “thủy thăng kiến thủy, thủy giáng kiến thổ”, nghĩa là khi thủy triều lên chỉ mênh mông thấy nước, khi thủy triều xuống thì thấy đất.

Chính vùng đất mọc đầy sú vẹt, lau sậy, cỏ lác này là nơi lui tới của đám hải tặc và trong những năm 1826-1827 là căn cứ của cuộc khởi nghĩa nông dân Phan Bá Vành. Trong những năm làm quan ở Bắc thành, Nguyễn Công Trứ đã để ý đến vùng đất này. Đặc biệt khi làm tham tán quân vụ trong đạo quân của Phạm Văn Lý đánh dẹp cuộc khởi nghĩa Phan Bá Vành, ông đã đến tận nơi và bằng mắt mình chứng kiến vùng đất, con người nơi đây.

Trong một lần về kinh, Nguyễn Công Trứ đã mạnh dạn dâng sớ tâu ba việc lớn, trong đó có việc thứ ba liên quan trực tiếp đến việc khai hoang lấn biển. Trong sách “Đại Nam thực lục” có đoạn ghi về lời tấu này của Nguyễn Công Trứ như sau: 

- Vỡ ruộng hoang cho dân nghèo. Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường ở yên, nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay, những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái lệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng vỡ hoang ở các huyện Giao Thủy, Chân Định mênh mông bát ngát. Ngoài ra, còn không biết mấy trăm ngàn mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác...

Vua Minh Mệnh chuyển sớ cho đình thần bàn bạc và hết thảy đều cho là khai khẩn ruộng hoang thì thực được ý nghĩa chăm nghề nông làm gốc, nên vua Minh Mệnh quyết định phong chức mới cho Tả thị lang Hình bộ Nguyễn Công Trứ là Dinh điền sứ để thực thi công việc quan trọng đó. Trong cuộc yết kiến vua lần ấy, Nguyễn Công Trứ đã mạnh dạn bộc bạch những suy nghĩ của mình về việc thu nhận những thân phận nông dân khốn khổ đã từng đi theo Phan Bá Vành vào công cuộc khai hoang lấn biển. Nghe xong, Minh Mệnh hạ lệnh cấp cho Nguyễn Công Trứ một viên Tư vụ, 10 người có hàm bát phẩm và một vị nhập lưu thư lại đi theo để sai phái.

Hành trang buổi ban đầu khai hoang lấn biển của ông chỉ có vậy. Sau khi nhậm chức Dinh điền sứ, Nguyễn Công Trứ nhanh chóng trở lại vùng đất bãi bồi thuộc hai huyện Chân Định và Giao Thủy tức khắc triển khai công việc. Với tư cách người tổ chức và chỉ đạo công cuộc khai hoang lấn biển, vấn đề ông quan tâm trước tiên là thu hút lực lượng vào công việc. Như trong sớ khai hoang trình vua Minh Mệnh đã nói ở trên, có 4 đối tượng mà ông muốn thu hút vào dự án mở đất của mình: Những người địa phương giàu có, những người đồng hương với ông (Nghệ - Tĩnh), những thầy đồ có uy tín. Số người này đóng vai trò tập hợp và tổ chức các đơn vị khai hoang như lý, ấp, trại, giáp; nông dân vùng châu thổ sông Hồng không có ruộng đất; dân du đãng; những người đã tham gia khởi nghĩa của Phan Bá Vành.

Những người tham gia khai hoang thuộc 3 nhóm đó được phân ra thành nhiều hạng, tùy vào công việc và thời gian tham gia. Những người đầu tiên đứng ra tập hợp và tổ chức lực lượng khai hoang được gọi là chiêu mộ hay nguyên mộ. Sau nguyên mộ là thứ mộ, những người góp phần hoàn chỉnh các đơn vị khai hoang. Cuối cùng, lực lượng đông đảo nhất, đến sau gọi là tân mộ hay tòng mộ. Việc phân những người khai hoang thành ba cấp độ như vậy liên quan mật thiết tới quyền lợi ăn chia ruộng đất và địa vị xã hội mà họ được hưởng khi công việc hoàn tất.

Lời bàn:

Thành tựu từ công cuộc khai hoang lấn biển của Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ ngày xưa không chỉ góp phần làm tăng diện tích đất canh tác của đất nước, mà còn góp phần không nhỏ vào việc ổn định tình hình chính trị nông thôn vùng châu thổ sông Hồng vốn đầy biến động và không mấy bình yên dưới vương triều nhà Nguyễn. Công lao đó trước hết thuộc về Nguyễn Công Trứ và những người đi theo tiếng gọi đổi đời của ông.

Với hậu thế hôm nay, việc làm của Nguyễn Công Trứ ngày xưa không chỉ là việc khẩn hoang, mở đất, mà còn là xây dựng và củng cố dải phòng thủ ven biển Bắc bộ của Tổ quốc ta. Nguyễn Công Trứ quả là con người hết lòng vì dân, vì nước. Và công lao đó của ông không chỉ được triều đình Huế ghi nhận, mà còn được tạc vào lòng dân bằng việc dân thờ ông như thành hoàng làng trong các làng thuộc hai huyện Kim Sơn - Ninh Bình và Tiền Hải - Thái Bình ngay từ khi Nguyễn Công Trứ còn sống.             

N.N

  • Từ khóa
109465

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu