Thứ 2, 20/05/2024 08:58:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:30, 29/09/2013 GMT+7

Chuyện về Thiều Thốn

Chủ nhật, 29/09/2013 | 14:30:00 724 lượt xem

Theo sử cũ, Thiều Thốn được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình danh giá thế phiệt thời nhà Trần. Khi còn trẻ, Thiều Thốn sớm trở thành một chàng trai có sức vóc mạnh mẽ như hổ, lại giỏi võ nghệ, tài cưỡi ngựa bắn cung và lầu thông thao lược. Nhờ đó,  Thiều Thốn đã được tuyển vào làm võ tướng, ông được phong ngay chức Phó Đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long.

Nhờ anh dũng nhất ba quân, lập công hơn trăm trận và nổi tiếng là tướng trung dũng nên được hoàng đế Dụ Tông (1341-1369) sắc phong bậc quan võ nhất phẩm và gả công chúa Ngọc Chiêu có sắc nước hương trời, chim sa cá lặn. Theo truyền thuyết, công chúa Ngọc Chiêu còn là người nhân từ phúc hậu và hiếu hạnh như nàng Chu Thái thời Chu Văn Vương đang ngóng đợi nhân duyên, như chim tước trên bức bình phong của vua nhà Đường.

Biết ý định của vua cha ghép duyên Châu Trần cho mình với hổ tướng Thiều Thốn, tuy không phải trong hoàng tộc nhưng cũng là dòng dõi phiệt hiệt, Ngọc Chiêu công chúa muốn thử tài thi phú, văn chương của chàng. Nàng ra điều kiện nếu chàng đối được vế đối sau thì sẽ ưng thuận kết bạn trăm năm:

- Trai Thọ Sơn đứng núi Thọ Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt.

Câu thách đố lấy chữ “sơn” làm trục, lại chơi chữ xuất với hai chữ sơn chồng nhau, ý cao vời vợi, khiến cho Thiều Thốn toát mồ hôi hột. Dưới ánh trăng thu bàng bạc phủ khắp cung thành Thăng Long, Thiều Thốn ngước nhìn chị Hằng Nga trên cung trăng để cầu cứu như cầu cứu Nguyệt Lão cho tình yêu của mình. Thế rồi, như được mách bảo của Hằng Nga, chàng đã dùng chữ “nguyệt” để đối lại vế thách của Ngọc Chiêu:

- Gái cung nguyệt ngồi trong cung nguyệt, nguyệt nguyệt bằng quân tử trượng phu.

Với câu ấy ta dễ dàng thấy rằng Thiều Thốn đã ví Ngọc Chiêu như Hằng Nga ngồi trong cung nguyệt và lấy hai chữ nguyệt ghép lại thành chữ bằng là bạn (trăm năm). Ngọc Chiêu công chúa nghe xong vế đối lại của Thiều Thốn, ngỡ ngàng trước tài văn chương của chàng võ quan nhất phẩm. Thế là mối tình loan phượng giữa hai người được tác thành, Thiều Thốn trở thành Phò mã đô úy triều Trần.

Không lâu, Thiều Thốn được cử giữ chức Phòng ngự sứ Lạng Giang thống lĩnh quân của triều đình và Sơn Lão quân (quân của các dân tộc miền núi Lạng Sơn và Bắc Giang ngày nay) nhằm trấn giữ biên cương phía Bắc, ngăn chặn sự uy hiếp của giặc Minh đang mưu mô xâm lấn phương Nam. Tại miền biên cương gian khổ, phò mã Thượng tướng quân Thiều Thốn vốn là một hổ tướng tài ba lại khéo vỗ về quân lính nên họ coi ông như một người cha. Đội quân của ông thực sự là một đội quân phụ tử, luôn luôn đè bẹp các cuộc xâm lấn, quấy nhiễu biên cương của giặc phương Bắc, được triều đình ngợi khen và ban thưởng. Cuối đời vua Trần Dụ Tông, Thiều Thốn lại trở về Thăng Long chỉ huy quân cấm vệ bảo vệ kinh thành.

Sau khi Trần Dụ Tông qua đời, do vua không có con nối ngôi nên hoàng tộc đã cho Dương Nhật Lễ là con nuôi của anh trai Dụ Tông là Cung Túc vương Trần Dục lên kế vị. Ở trên ngôi báu, Dương Nhật Lễ trở nên dâm dật, thao túng gian thần lũng đoạn triều chính và giết hại hoàng tộc nhà Trần, âm mưu chuyển quyền bính sang tay họ Dương. Vì thế vào cuối năm 1370, hoàng tộc nhà Trần cùng các trung thần đã khởi nghĩa phế Dương Nhật Lễ và lập Trần Phủ lên ngôi hoàng đế (đó là Trần Nghệ Tông, 1370-1372) khôi phục nhà Trần. Trong cuộc phế lập này, Thiều Thốn đã bắt được Dương Nhật Lễ ở bến Đông Bộ Đầu khi hắn định dùng thuyền chạy trốn. Với công lao ấy, Thiều Thốn được ban thưởng hậu và trở thành khai quốc công thần của nhà Trần.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên, Thiều Thốn quả là bậc anh hùng, công lao trùm xã tắc, đức thấm muôn dân và được hưởng mối tình quốc sắc thiên hương. Đó là phần thưởng vượt lên hết những phần thưởng vàng bạc, quan chức mà nhà Trần đã trao cho ông. Sau khi ông qua đời, nhà Trần đã cho xây đền thờ ông ở bản quán tại huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa và được phong làm Phúc thần để hậu thế hương khói phụng thờ. Cho đến ngày nay, trong ngôi đền thờ vẫn còn sáng mãi đôi câu đối tôn vinh ông: Công với triều Trần, tên lưu lịch sử; Sống làm tướng giỏi, chết thượng đẳng thần.

Xưa nay trong thiên hạ người được phong quan, tướng có rất nhiều nhưng không phải ai cũng được đương thời và hậu thế tôn vinh, bái tế hằng năm như Thiều Thốn. Thế mới hay rằng, muốn có được ân đức cho con cháu đời sau và sự nghiệp còn mãi với thiên thu thì dù là vua hay là quan, tướng cũng phải biết sống với dân và vì dân. Bởi chính nhân dân mới là người làm nên lịch sử và làm rạng danh những bậc vĩ nhân. Hậu thế nếu ai chưa tin điều này xin hãy suy cho kỹ, ngẫm cho sâu.                                                         

N.N

  • Từ khóa
109457

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu