Thứ 2, 20/05/2024 05:20:15 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 07:23, 21/09/2013 GMT+7

Thiều Thốn được phục chức

Thứ 7, 21/09/2013 | 07:23:00 1,178 lượt xem

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, danh tướng Thiều Thốn đời nhà Trần sinh ngày 3 tháng 3 năm 1326, vào đời vua Trần Minh Tông trị vì. Ông là thế hệ đời thứ ba của dòng họ Thiều ở đất Thọ Sơn (nay thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Thiều Thốn là một vị tướng tài ba và đức độ hơn người. Ông đã có công lớn trong cuộc chiến đấu chống quân Chiêm Thành năm 1357 và trấn ải vùng biên thùy ở phía Bắc năm 1365.

Thiều Thốn là hậu duệ của Thiều Kim Tinh hiệu Thuần Đức, gốc người Thiều Châu Trung Quốc. Ông được sinh ra và nuôi dưỡng trong một gia đình danh giá thế phiệt. Người cha đi đâu cũng ngựa xe, người mẹ khoác trên mình lụa là gấm vóc. Từ nhỏ, Thiều Thốn đã sớm trở thành một chàng trai có “sức vóc mạnh mẽ như tỳ hổ, giỏi võ nghệ, tài cưỡi ngựa bắn cung và lầu thông thao lược, chí khí nuốt sao Ngưu, sao Đẩu”.

Vì thế mà năm còn vị thành niên, ông đã được tuyển vào làm võ tướng. Rồi ông được phong ngay chức Phó đô tướng Kim Ngô vệ, quản lĩnh một trong sáu vệ quân bảo vệ kinh thành Thăng Long. Về sau, nhờ anh dũng nhất ba quân, lại lập nhiều chiến công hiển hách với hơn trăm trận và nổi tiếng là tướng trung dũng khắp triều nên được hoàng đế Trần Dụ Tông (1341-1369) sắc phong bậc quan võ nhất phẩm, với hàm chức Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân Kim Ngô vệ. Chưa hết, Thiều Thốn còn được nhà vua tin yêu và gả công chúa Ngọc Chiêu. Theo truyền thuyết thì công chúa Ngọc Chiêu là người “sắc nước hương trời” khiến chim sa cá lặn. Đồng thời, công chúa còn là người nhân từ phúc hậu và hiếu hạnh như nàng Chu Thái thời Chu Văn vương và đang ngóng đợi nhân duyên như chim tước trên bức bình phong của vua nhà Đường.

Vào năm Thuận Phong thứ 14 (1354) Trần Hữu Lượng - là một viên tướng của nhà Nguyên đã sai người sang cầu thân với triều đình nhà Trần. Mục đích của Trần Hữu Lượng là muốn cùng nhà Trần chống lại Chu Nguyên Chương. Năm 1363, Chu Nguyên Chương đã dốc toàn lực để tiêu diệt đội quân cát cứ ở phía Nam của Trần Hữu Lượng. Cuộc chiến áp sát vùng biên giới phía Bắc của nước ta. Trước tình hình đó, để tăng cường bảo vệ biên giới phía Bắc, nhà vua đã sai tướng quân Thiều Thốn đem lực lượng bảo vệ vùng biên. Thiều Thốn được phong làm Phòng ngự sứ đem quân trấn giữ Lạng Giang (Lạng Sơn ngày nay).

Trong khi trấn ải biên thùy, ông thực hiện chính sách của nhà Trần rất thành công trong việc bảo vệ biên giới. Không những thế, ông còn ra sức giúp dân địa phương an cư lạc nghiệp, tạo ra một vùng biên cương bền vững và được dân chúng khắp vùng quý trọng, tin yêu. Giữa lúc đó, người em của Thiều Thốn lại cậy thế của anh rồi làm những điều xằng bậy. Nhân lúc đó, một số kẻ ghen ghét đã xàm tấu lên triều đình rằng ông đã để cho người em lộng quyền.

Vì thế, triều đình buộc phải trị tội người em, do đó Thiều Thốn cũng bị vạ lây, bị tước hết mọi chức vụ phải về triều đình chịu tội. Tuy vậy trên đường đi cũng như khi ở kinh thành, ông không kêu ca nửa lời, vẫn chấp hành hình phạt và sẵn sàng chịu tội. Thương ông nên quân sĩ buồn lòng bèn đặt câu ca rằng: Trời chẳng thấu oan, Thiều công mất quan.

Khi ông về kinh chịu tội quân sĩ lại ca rằng: Thiều công ra về, lòng ta tái tê.

Lời ca vang đến tận triều đình, nhà vua biết được bèn xem xét kỹ và miễn tội cho ông. Thiều Thốn lại được phục chức quan cũ. Khi đó quân sĩ vô cùng vui sướng lại ca rằng: Trời đã thấu oan, Thiều công lại được làm quan.

Thiều Thốn tuy được phục chức nhưng chẳng bao lâu sau thì mất vì bệnh. Sau ngày ông qua đời, dân chúng đã lập đền thờ ông và triều đình đã sắc phong ông là Thành hoàng làng.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì Thiều Thốn quả là nhân vật hiếm có trong lịch sử nhân loại cũng như của nước nhà. Bởi lẽ trước đó đã có mấy ai làm tướng mà được quân lính kính trọng đến như vậy. Và chính những lời ca ngợi về ông của quân sĩ đã cứu ông thoát khỏi cái án bị cách chức. Tuy nhiên, hậu thế không thể phủ nhận cái tài dùng người của vua Trần Minh Tông.

Thế mới hay rằng, người làm tướng mà chỉ lo ra oai thì quân sĩ tuy sợ nhưng không tôn kính và việc có thể xong mau trong nhất thời, mà cơ nghiệp khó bền lâu. Người làm tướng biết đem lòng thành mà vỗ về thì quân sĩ cũng lấy lòng thành mà đáp lại, việc có thể chậm trễ chút ít trong nhất thời nhưng ân đức cơ và nghiệp thì còn mãi với thiên thu. Lòng quân yên ả thì biên cương sẽ yên ổn và vững chắc. Vâng, muốn giữ nước thì trước hết phải giữ yên lòng quân dân. Đó chính là điều mà người xưa mong muốn các thế hệ hôm này và mai sau phải hiểu, nên mới lưu truyền lại giai thoại này.

N.V

  • Từ khóa
109454

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu