Thứ 2, 20/05/2024 06:25:37 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:08, 22/08/2013 GMT+7

Thói quen

Thứ 5, 22/08/2013 | 09:08:00 81 lượt xem

Trong kho tàng ngạn ngữ của người Do Thái có câu: “Không anh thì chợ vẫn đông”. Và người Do Thái thường cho rằng, kẻ nào tự mãn, tự cao, tự đại sẽ khó có được đức tính khiêm tốn. Với người Do Thái thì những người tự cao là những con người ngu xuẩn.

Ở phần Sáng thế kỷ trong Kinh Thánh nói: “Chúa trước hết sinh ra ngày và đêm tức quang minh và đen tối, sau đó Chúa mới tạo ra bầu trời và mặt đất, rồi tạo ra nước, đất và mọi sinh vật, cuối cùng Chúa mới tạo ra con người đầu tiên là Adam. Như vậy là sâu bọ cũng ra đời sớm hơn con người, vậy con người có gì ghê gớm mà dám lên mặt kiêu căng?”.

Vì vậy, trong kinh Tamuhd của người Do Thái rất chú ý đến việc dạy dỗ con người phải có ý thức khiêm tốn, tránh kiêu căng, tự cao tự đại. Như vậy, khiêm tốn cũng là một thói quen và là thói quen tốt. Và người Do Thái cho rằng, không có một sự thành công nào lại không đòi hỏi phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Ai quen lao động chăm chỉ, người đó sẽ có cuộc sống đầy đủ. Kinh Thánh có câu: Có đổ mồ hôi thì mới có cơm ăn.

Thuở xa xưa, người Do Thái phải lao động rất vất vả để kiếm sống. Trong suốt thời kỳ bị Ai Cập nô dịch, người dân Do Thái đã phải lao động cực nhọc ngoài đồng ruộng mà cuộc sống vẫn khốn khổ. Lao động của họ bị áp lực từ giặc ngoại xâm nên khó có thể đạt kết quả cao. Nhưng người Do Thái cho rằng, kẻ lười biếng sẽ suốt đời không làm nên công cán gì. Thượng đế chỉ thích thưởng cho những người cần lao. Và một biện pháp quan trọng để bảo tồn giống nòi của người Do Thái là phải luyện được thói quen cần cù lao động. Đó chính là mấu chốt của mọi thành công. Mẩu chuyện dưới đây của một người Do Thái là minh chứng cho điều này.

Ban đầu, người khổng lồ của ngành điện báo thế giới là Sarnoff có gia cảnh vô cùng nghèo khó, không có cơ hội để đi học. Từ nhỏ, anh đã phải tranh thủ vừa học vừa đi làm thuê kiếm sống. Học hết tiểu học, do gia đình quá túng bấn, anh đành phải dừng lại công việc học hành để đi kiếm tiền phụ giúp cho gia đình.

Năm 15 tuổi, Sarnoff đã lĩnh trách nhiệm nuôi sống cả gia đình. Anh vừa đi kiếm tiền vừa tranh thủ tự học để mình có một cái nghề. Hồi đó, anh xin được công việc chuyên đưa báo cho công ty bưu điện. Công việc của anh vô cùng vất vả. Mỗi ngày anh phải đưa khoảng 20 bức điện báo. Thậm chí một bức điện báo phải đi mất vài dặm Anh. Khi anh về đến nhà thường đã 2 đến 3 giờ sáng và luôn ở trong tâm trạng vừa đói vừa mệt, cảm thấy không thể bước thêm được nữa. Tuy nhiên, anh vẫn vạch ra cho mình kế hoạch phải làm một việc gì đó trong tương lai. Hồi đó, rất ít người nắm được phương pháp thao tác truyền điện mật mã Morss. Anh rút ngắn thời gian đưa điện báo để tranh thủ học tập. Với người chỉ có trình độ sơ cấp như anh, mức độ tiếp thu là vô cùng khó khăn. Nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực phi thường, anh đã học được kỹ thuật khó này. Với thành công trên, anh đã được làm điện báo viên.

Trong phòng nghiên cứu của công ty, anh đã hoàn thành khóa học về công trình điện khí, trở thành điện đài có công suất mạnh nhất trên thế giới lúc đó. Công việc điện báo trong một thời gian dài đã khiến anh nhanh nhạy phát hiện thị trường kỹ thuật vô tuyến điện có triển vọng phát triển vô cùng to lớn. Năm 30 tuổi, anh được đề bạt làm tổng giám đốc của công ty kỹ thuật cao. Thành tích siêu việt của anh lúc đó là vô cùng hiếm có.

Lời bàn:

Khiêm tốn hay tự cao, tự mãn và cần cù hay lười biếng cũng đều do ta tự tạo cho ta thói quen. Ai quen thói nào sẽ có cuộc sống tương xứng với thói quen ấy. Lời nhận xét này chẳng những không hề sai mà còn rất chí lý. Bởi thực tế cuộc đời cho thấy, những ai cố gắng tạo lập cho mình những thói quen tốt, thì người đó sẽ có cuộc sống tốt hơn và ngược lại. Nói theo cách khác là những người khiêm tốn và cần cù trong học tập, lao động sẽ mang lại cho chính họ những thành công và cả sự tôn vinh của xã hội. Còn đối với những người lười biếng thì thất bại trong mọi lĩnh vực là lẽ đương nhiên. Hơn nữa, với những người lười biếng mà còn mang trong mình thói quen kiêu căng, tự cao, tự đại thì ắt thất bại sẽ nặng nề hơn.

Vâng, đó là quy luật của cuộc đời, bởi tạo hóa sinh ra con người và cũng sinh ra muôn loài, muôn vật, nhưng mọi thứ ấy không phải dành cho riêng ai. Và nếu tạo hóa có cho ai cái gì đó bằng tay trái, nhưng rồi sẽ đưa tay phải ra để giành lại. Vì thế, nếu ai đó cứ cố giữ, cố chiếm cái không phải của mình, không do chính mình làm ra thì cũng bị kẻ khác lấy mất bằng chính thủ đoạn mà mình đã lấy từ tay người khác. Tiếc rằng cái quy luật đơn giản ấy cho đến nay không phải ai cũng biết, cũng hiểu và làm theo. Bởi thế nên mới có người chẳng chịu làm gì và có làm thì cũng chẳng ra gì, nhưng nói thì như “rồng cuốn” và lại cứ muốn lấy của người khác làm của mình. Lại có người lấy của người khác không được thì tìm cách ném đá sau lưng hoặc đổ bùn vào rồi nhúng cả chân lẫn tay khoắng cho đục, cho hôi... thật đáng tởm thay.                                                                  

N.N

 

  • Từ khóa
109445

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu