Thứ 2, 20/05/2024 07:26:44 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:37, 17/08/2013 GMT+7

Tấm lòng nhân hậu

Thứ 7, 17/08/2013 | 09:37:00 62 lượt xem

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có một câu chuyện kể về người vợ của một ông giám đốc trại giam ở nước Mỹ vào những năm đầu thập niên thứ 3 của thế kỷ XX, với nội dung như sau:

Năm 1921, ông Louis Raus là một người Do Thái tản cư sang Mỹ và được cử làm giám đốc trại tù Ngôi sao. Lúc này, đúng vào thời kỳ khó khăn ở đây, nhất là công việc quản lý tù nhân của trại. 20 năm sau, khi Louis Raus về hưu thì trại tù này được biểu dương là cơ quan có tính chất nhân đạo cao cả và người ta đã tôn vinh công lao cho giám đốc trại tù. Khi được nhà báo hỏi về nguyên nhân thành công của trại vào thời kỳ ấy, ông Raus không phải suy nghĩ mà nói ngay rằng:

- Tất cả đều là nhờ vào tấm lòng thương yêu con người của vợ tôi - bà Catherin. Vợ tôi nay không còn nữa, mộ bà ấy ở gần trại tù.

Khi ông Louis Raus được điều về làm giám đốc trại tù, bà Catherin cũng theo chồng về đó và những ngày mới đến, bà đã được mọi người cảnh báo rằng:

- Nếu không có việc gì quan trọng hoặc gấp thì tuyệt đối không được vào trong trại tù. Vì trong số tù nhân có nhiều người ngỗ ngược lắm, rất nguy hiểm. Tuy nhiên, bà Catherin lại suy nghĩ khác với mọi người.

Hôm trại tổ chức một cuộc thi đấu bóng rổ, bà Catherin đã dẫn cả ba đứa con còn nhỏ vào xem. Bà và lũ trẻ ngồi lẫn với các tù nhân. Ngay lúc đó, trong đầu bà nảy ra một ý nghĩ rằng:

- Mình cần quan tâm đến họ, có gì mà phải lo.

Khi biết được một tù nhân phạm tội giết người bị hỏng cả hai mắt, bà Catherin đã chủ động đi thăm hỏi. Bà nắm tay anh ta một lúc lâu rồi hỏi:

- Anh có biết cách đọc chữ nổi không? Anh ta ngạc nhiên hỏi lại:

- Chữ nổi là cái gì thưa bà, tôi không hiểu.

Ngay lúc đó, bà Catherin đã ân cần giải thích và cũng từ đó bà dành thời gian dạy người tù này học chữ nổi.

Trong trại có một tù nhân vừa câm vừa điếc. Bà Catherin đã mày mò tìm cách tự học nói chuyện bằng động tác tay rồi về dạy lại cho người tù ấy. Chỉ một thời gian sau, anh ta đã có thể trao đổi, chuyện trò thoải mái với mọi người.

Từ năm 1921 đến năm 1937, bà Catherin thường xuyên vào thăm trại tù, trò chuyện thân mật với tù nhân và sẵn sàng giúp họ giải quyết mọi khó khăn, vướng mắc. Nhưng thật không may, bà đã bị tử vong trong một tai nạn giao thông. Tin dữ lan truyền nhanh chóng khắp trại. Hôm ấy, toàn thể tù nhân trong trại đều nháo nhác và trên khuôn mặt của mỗi người đều thể hiện rõ sự đau buồn.

Ông Louis Raus phải ở nhà lo đám tang cho vợ, nên mọi công việc tạm thời giao cho quyền giám đốc trại quản lý. Nhà ông Louis Raus ở gần sát trại và mộ của bà vợ cũng nằm ở gần nhà. Hôm làm tang lễ cho bà Catherin, ông quyền giám đốc rất ngạc nhiên khi thấy đông đảo tù nhân tập trung ở gần cổng lớn, người nào cũng khóc thút thít. Đặc biệt là những tù nhân có tiếng là hung tợn nhất cũng chảy nước mắt. Ông hiểu ngay được tâm trạng của họ và nói to:

- Tôi cho phép các anh đi dự tang lễ bà Catherin nhưng đến tối phải về đủ mặt.

Thật bất ngờ, trong buổi điểm danh tối hôm đó, toàn thể tù nhân đều có mặt, không thiếu một ai. Điều đó cho thấy, lòng yêu thương giữa con người với nhau thật vĩ đại và cao cả biết bao.

Lời bàn:

Triết lý nhà Phật cho rằng “sống là gửi, thác là về”, điều này có nghĩa là cuộc sống trên cõi đời này của mỗi con người chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi, gởi tạm ở trần gian. Còn khi người ta mất đi thì vĩnh viễn trở về với cõi vĩnh hằng và con người khi trở thành cát bụi thì mới thực sự trở về nơi mình sinh ra. Nhưng đó là quan niệm của đạo Phật. Nhưng cái quý giá nhất mà tạo hóa đã ban cho mỗi con người là sự sống. Và cái quý giá nhất ấy lại càng quý hơn nếu mỗi con người biết trân trọng nó, sử dụng nó một cách hữu ích cho mình và cho đời. Có lẽ vì thế không phải chỉ ở Việt Nam hay phương Đông, mà đã là con người sống trên trái đất này đều có chung một tình cảm đối với người quá cố: Nghĩa tử là nghĩa tận.

Vâng, ông quyền giám đốc trại giam trong mẩu chuyện trên đây đã làm được điều mà ông ta cần làm và nên làm, đó là cho phép các tù nhân đi viếng đám tang ân nhân của họ. Có một điều mà không ai có thể phủ nhận đó là, khi cái thiện và lẽ phải đã thức tỉnh thì ai đó dù xấu xa, tội lỗi đến mấy cũng trở nên lương thiện. Chính cái chết đột ngột sau một vụ tai nạn giao thông của bà vợ ông giám đốc trại tù đã làm cho các tù nhân trong trại xích lại gần nhau hơn và cao hơn nữa là nó đã đánh thức cái thiện đã ngủ quên lâu ngày trong mỗi tù nhân. Thế mới hay rằng, đằng sau cái chết, phía sau sự đau buồn là ngọn nguồn làm nảy nở những điều mới mẻ.                          

Đ.T

 

  • Từ khóa
109444

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu