Thứ 2, 20/05/2024 07:26:11 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:19, 22/07/2013 GMT+7

Làm và ăn

Thứ 2, 22/07/2013 | 15:19:00 94 lượt xem

Người Do Thái chủ trương không nên sống ky bo, tiết kiệm quá mức. Trong sách kinh Tamuhd có đoạn viết về vấn đề này như sau: Khi người giàu không dám mua đồ dùng cho mình là họ đã trở thành một người nghèo. Có tiền mà không biết tiêu pha chỉ là kẻ ngu xuẩn. Người Do Thái cũng cho rằng, không nên noi theo cuộc sống tinh thần của chúa mà bắt mình phải khổ hạnh. Tín ngưỡng thượng đế và việc theo đuổi hưởng thụ có thể dung hòa với nhau. Thanh cao về tinh thần, nhưng đồng thời cũng phải chăm lo cho cuộc sống thế tục, không nên quên cuộc sống vật chất của bản thân mình.

Trong cuộc sống thực tế, người Do Thái chịu khó chăm lo cho bản thân, làm sao để có nhà cửa khang trang, bữa ăn ngon lành, xe cộ thì lại sang trọng. Có như vậy thì mới bõ công họ đã dốc sức ra kiếm tiền và xứng đáng với địa vị cao quý của con người. Yêu cầu tiết kiệm không mâu thuẫn với sự hưởng thụ. Có lẽ vì thế ở thành phố New York, người ta thường thấy có nhiều nhân sĩ Do Thái tụ tập tiệc tùng trong các khách sạn sang trọng. Họ không tiếc tiền chi cho các bữa ăn thịnh soạn, đắt giá. Họ cho rằng biết kiếm tiền cũng phải biết tiêu tiền mới là người hiểu biết. Và người Do Thái có thói quen không bàn công việc trong bữa ăn, ăn là đang hưởng thụ. Nhưng khi làm việc, họ hăng hái như lúc lâm trận đọ gươm súng, một phút cũng không bỏ phí.

Trong khi ăn, người Do Thái kỵ nói chuyện chính trị, kỵ nói chuyện chiến tranh và kỵ nói chuyện trai gái bồ bịch lăng nhăng. Bữa ăn tối của họ kéo dài tới hai giờ đồng hồ, toàn nói chuyện vui vẻ với nhau, chuyện giải trí, chuyện danh lam thắng cảnh, chuyện hoa lá, chuyện động vật... Trong thời gian nghỉ Xaba, vào cuối tuần, người Do Thái có phong tục cấm rượu chè, cấm thuốc lá và cấm dục, chỉ có chuyên tâm nghỉ ngơi và cầu nguyện. Trên thực tế, họ lợi dụng thời gian đó để nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, chuẩn bị trận chiến mới vào tuần sau.

Trong cuốn sách “Người Do Thái dạy con” có viết lại một câu chuyện với nội dung như sau: Có lần một nhà triệu phú người Do Thái được một người bạn hỏi: Mỗi giờ đồng hồ, người Do Thái có thể kiếm được 50 đô la. Vậy một ngày nghỉ một giờ, thì một năm anh ta đã tốn mất 18 ngàn đô la, như thế có lãng phí quá không? Nghe người bạn hỏi xong, nhà triệu phú kia đã tính toán rất nhanh và trả lời ngay rằng: Không phải thế đâu ông bạn thân của tôi. Nếu một ngày ai đó làm việc trong 8 tiếng và được 400 đô la mà không nghỉ ngơi gì thì tuổi thọ sẽ giảm 5 năm. Như vậy, mỗi năm anh ta sẽ mất 120 ngàn đô la và 5 năm sẽ mất 600 ngàn đô la. Vì thế nếu mỗi ngày tôi nghỉ một giờ mất 50 đô la, ngày chỉ làm 7 tiếng, nay tôi 60 tuổi, có thể sống thêm mười năm nữa, tôi chỉ bị thiệt 150 ngàn đô la, ít hơn 600 ngàn đô la nhiều.

Người Do Thái cho rằng, những người không biết nghỉ ngơi dưỡng sức là người ngu ngốc. Người Do Thái vốn quý đồng tiền như mạng sống của mình, nhưng họ vẫn vui lòng dành thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Ngày Xaba là dịp nghỉ cuối tuần của người Do Thái, tính từ khi mặt trời lặn ngày thứ Sáu đến khi mặt trời lặn ngày Chủ nhật. Trong ngày này, mọi người đều cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, đình chỉ mọi công việc.

Khác với người Do Thái, người phương Đông truyền thống thường có thói quen cần cù lao động vất vả quanh năm, duy chỉ có những ngày tết mới được nghỉ ngơi. Họ dường như không có khái niệm nghỉ ngơi hoặc tự sắp xếp thời gian nghỉ ngơi phù hợp cho mình. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều người ở phương Đông đã có thay đổi tư tưởng. Họ dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi và đi du lịch, nhưng cách này vẫn chưa thực sự thích hợp như người Do Thái.

Lời bàn:

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam có câu tục ngữ: “Có làm thì mới có ăn, không làm chết đói nhăn răng đáng đời”. Vâng, điều này quả là không hề sai và quy luật của cuộc sống là vậy. Và trong câu tục ngữ này, dân gian đã khẳng định rõ ràng về nguyên tắc sống, nguyên tắc để tồn tại trên cõi đời này của mỗi con người là “có làm thì mới có ăn”. Đồng thời qua đó, người xưa cũng đã phê phán mạnh mẽ những kẻ lười biếng và những kẻ như vậy thì có “chết nhăn răng” cũng là “đáng đời”, vì chẳng ai thương tiếc những người sống vô tích sự, sống ăn bám. Và từ thượng cổ cho đến nay, chẳng một ai không làm gì mà vẫn cứ có ăn. Dẫu ai đó được thừa kế gia sản khổng lồ thì rồi cũng sẽ hết, vì “miệng ăn núi lở” và cuối cùng nếu muốn sống thì họ cũng tự lao động để có cái đưa vào miệng.

Vẫn biết quy luật ở đời là như vậy, nhưng thời nay không phải ai cũng biết, cũng hiểu để rồi biết làm và biết ăn. Bởi thế mới có không ít người làm thì chẳng ra gì, nhưng ăn và nhất là ăn của biếu xén, của đút lót, hối lộ thì... họ là những nhà “vô địch”. Thậm chí còn có người còn tìm đủ mọi cách để ăn cho được thật nhiều của thiên hạ, của nhà nước, với ảo tưởng rằng “hy sinh đời bố để củng cố đời con”. Lại có người một mình ăn chưa đủ, họ còn nâng đỡ người thân, con cháu... để chúng cung phụng, chia chác cho mình... Và đã có biết bao người thân bại, danh liệt chỉ vì ăn tham. Mong đừng ai quên rằng tạo hóa chẳng cho không ai một thứ gì và mọi vật trên đời đều có cái giá riêng của nó. Nếu ai chưa tin, xin cứ ngẫm cho kỹ thì sẽ rõ.                                   

K.N

  • Từ khóa
109432

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu