Thứ 2, 20/05/2024 09:39:00 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 12:55, 29/06/2013 GMT+7

Thói quen tốt

Thứ 7, 29/06/2013 | 12:55:00 65 lượt xem

Những bà mẹ người Do Thái thường rất chú ý trong việc dạy con cái làm những điều hay, nói những lời phải và đặc biệt là đừng bao giờ quên lời nói “cảm ơn” khi nhận được sự giúp đỡ hoặc quà tặng của người khác. Chuyện xưa kể lại rằng, trong dịp lễ Noel năm đó, một gia đình kia có ba cô con gái và bà mẹ cùng nhận được một số quà tặng. Bà mẹ này hỏi các con:

- Các con đã gửi thư cảm ơn chưa? Cả ba cô đều trả lời chưa.

Sau đó, bà mẹ giục vài ba lần, nhưng cả ba cô con gái vẫn ì ra. Bà mẹ bực mình lắm, bảo các con:

- Chuẩn bị lên xe đi ra siêu thị ngay.

Ba cô con gái không biết ý định của mẹ bèn hỏi: Ra siêu thị làm gì hả mẹ? Để mua tặng phẩm cho người ta. Bà mẹ trả lời.

- Lễ Noel qua lâu rồi mẹ ơi. Ba cô con gái cùng nói vậy.

- Không sao, mua tặng phẩm để tỏ lòng biết ơn người ta con ạ. Bà mẹ trả lời.

Khi lên xe bà mẹ nói: Mẹ muốn cho các con biết, để gửi tặng phẩm cho nhà ta họ đã phải mất bao nhiêu thời gian. Vậy các con phải ghi một cuộc hành trình này của chúng ta mất bao nhiêu thời gian.

Các con làm theo lời mẹ dặn. Kết quả ghi được là: Thời gian đi siêu thị mất 28 phút, thời gian mua tặng phẩm mất 15 phút, thời gian đi về mất 38 phút, thời gian ra bưu điện gửi quà mất 71 phút, tổng cộng là 2 giờ 34 phút. Đến lúc này, bà mẹ lại nói: Bây giờ các con hãy viết một tấm bưu thiếp gửi lời cảm ơn xem hết bao nhiêu thời gian. Viết xong, cô con gái lớn thưa:

- Dạ, mất đúng 3 phút mẹ ạ.

Lúc đó, bà mẹ mới dạy ba cô con gái:

- Các con thấy chưa. Người thân gửi tặng phẩm cho các con phải tốn thời gian là 2 giờ 34 phút, trong khi đó, con viết bưu thiếp gửi lời cảm ơn chỉ mất có 3 phút. Vậy mà các con vẫn quên không làm.

Người Do Thái tin rằng chỉ có biết cách cảm ơn, trẻ em mới biết giúp đỡ, quan tâm đến người khác, không cho mình là trung tâm. Dạy trẻ thường xuyên biết nói lời cảm ơn, biết khen người khác và mỉm cười. Mối quan hệ giữa trẻ em với mọi người sẽ ngày càng trở nên gần gũi. Họ cho rằng, chỉ cần học cách chia sẻ, sau này đứa trẻ sẽ chung sống và hợp tác tốt hơn với mọi người xung quanh ở trường học cũng như ngoài xã hội. Xã hội trong tương lai không chỉ là một xã hội cạnh tranh mà còn là một xã hội hợp tác.

Tuy nhiên, việc giáo dục trẻ em biết cảm ơn bắt đầu từ việc trẻ em biết cảm ơn cha mẹ. Cho chúng biết rằng cha mẹ đã nuôi dưỡng chúng khôn lớn không phải là việc dễ dàng, đứa trẻ phải biết báo đáp công ơn dưỡng dục của cha mẹ. Hàng ngày họ thường kể cho con cái nghe những câu chuyện cảm ơn của loài vật: Con quạ sau khi trưởng thành còn biết quay lại mớm thức ăn cho cha mẹ, giống như cha mẹ đã mớm cho chúng ngày nhỏ... Và mẩu chuyện dưới đây là một minh chứng.

Năm nay Ike đã lên 7 tuổi. Cậu là đứa trẻ Do Thái rất ngoan. Trước đây, mẹ của Ike sinh Ike rất khó. Các bác sĩ đã nỗ lực hết sức mình mới có thể cứu được hai mẹ con thoát khỏi nguy hiểm. Từ khi sinh ra, mỗi lần đến sinh nhật của Ike, người mẹ thường đưa cậu đến bệnh viện để thăm hỏi và cảm ơn các bác sĩ sản khoa mà năm trước đã cứu sống hai mẹ con. Nếu ngày đó, mẹ bận quá không thể đưa cậu đi được, Ike thường gọi điện thăm hỏi bác sĩ. Từ đó, thói quen này đã hình thành trong cậu, nó giúp cậu biết quan tâm và chăm sóc người khác.

Lời bàn:

Đã có không ít người nói rằng, trẻ em như những tờ giấy trắng, sau này chính những tờ giấy ấy có trở thành bức tranh đẹp hay xấu là do bàn tay của người họa sĩ. Và những người họa sĩ kia chẳng phải là chúa, cũng chẳng phải là tiên, là phật từ trên trời xuống, mà chính là những người làm cha, làm mẹ, những người làm thầy và cả những người ở xung quanh. Tuy nhiên, việc giáo dục con trẻ là cả một quá trình, không nên quá nóng vội. Phải biết dạy chúng từ những việc nhỏ nhất như biết kính trọng thầy cô, như giúp thầy cô lau bảng, chủ động làm việc nhà giúp cha mẹ, bồi dưỡng cho trẻ ý thức biết cảm ơn để chúng không bao giờ quên ơn nuôi dưỡng và giáo dục của cha mẹ, thầy cô, không quên ơn giúp đỡ của người khác với bản thân. Đối với những người đã từng giúp đỡ mình, sự cảm ơn xuất phát từ đáy lòng, chứ không phải làm lấy lệ, càng không thể không cảm ơn khi nhận sự giúp đỡ của người khác.

Điều đơn giản nhất nếu chúng ta muốn trẻ học cách cảm ơn, trước hết bố mẹ phải là tấm gương tốt. Nếu cha mẹ thường xuyên nói “xin lỗi”, “cảm ơn” với trẻ và với những người xung quanh, thì từ đó tự nhiên sẽ hình thành thói quen với trẻ. Nhưng người làm cha, làm mẹ mà không biết kính trọng, hiếu thảo với chính cha mẹ của mình thì không thể đòi hỏi những đứa trẻ đối xử tử tế với mình. Thật đáng buồn là điều tưởng chừng vô cùng đơn giản ấy, nhưng thời nay không phải người nào cũng làm được. Nếu ai chưa tin, xin hãy nhìn kỹ xung quanh mình sẽ rõ.                                

Đ.T

  • Từ khóa
109426

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu