Thứ 2, 20/05/2024 07:26:40 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:48, 24/06/2013 GMT+7

Vì quyền lực

Thứ 2, 24/06/2013 | 08:48:00 115 lượt xem

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Nguyễn Thị Anh người xã Bố Vệ, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, nay là phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa. Nguyễn Thị Anh vào cung làm vợ thứ tư của vua Lê Thái Tông trong lúc Lê Thái Tông đã có bà phi Dương Thị Bí sinh được con trai cả là Lê Nghi Dân và Lê Nghi Dân cũng đã được lập làm hoàng thái tử. Từ khi gặp bà Nguyễn Thị Anh, vua Lê Thái Tông rất sủng ái và phong bà làm Thần phi.

Năm 1441, Nguyễn Thị Anh sinh được hoàng tử Lê Bang Cơ. Nhân vì không vừa lòng với tính kiêu ngạo của Dương phi và nghe theo lời mật ngọt của ái phi Nguyễn Thị Anh, vua Lê Thái Tông đã phế truất Dương phi xuống làm Chiêu nghi và thái tử Nghi Dân làm Lạng Sơn vương, rồi lập Lê Bang Cơ làm hoàng thái tử.

Là người đàn bà xinh đẹp và đầy mưu mô xảo trá, Nguyễn Thị Anh thường tìm mọi cách để chiếm được sự ưu ái của nhà vua... để từ đó giành ngôi vua cho con trai. Trong sách “Đại Việt sử ký toàn thư” có đoạn chép về sự việc này như sau:

Nguyễn Thị Anh được vua sủng ái, nên năm 1441, vua nghe lời, truất ngôi của Nghi Dân, nhưng vẫn chưa định ai ở ngôi vị thái tử... Tuy nhiên, nhiều người trong triều dị nghị rằng, Nguyễn Thị Anh đã có thai trước khi vào cung và Bang Cơ không phải là con vua Thái Tông.

Cùng lúc đó, có một bà phi khác là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao lại có mang sắp đến ngày sinh và trong cung khi ấy có tin đồn rằng bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao nằm mộng thấy Thượng đế sai một tiên đồng xuống đầu thai làm con trai bà. Vì vậy, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh sợ bà Ngọc Dao sinh được con trai thì hoàng tử Bang Cơ sẽ không được kế vị, bèn cấu kết với Đinh Thắng, một hoạn quan tâm phúc để lập mưu hại Tiệp dư.

Theo lệnh của Nguyễn Thị Anh, Đinh Thắng lấy một hình nhân đàn ông, lấy 7 mũi kim đâm vào lưng và ngực, dưới chân ghi chữ Bang Cơ và cố tình để cho một cung nhân bắt được tâu lên vua. Hoàng hậu chủ mưu nhưng lại ra vẻ là người bị hại và đòi nhà vua phải truy cứu việc này đến cùng, phải tìm ra được người làm việc này và xử theo luật cho voi giày ngựa xéo.

Tháng 11 năm 1441, nhà vua xuống chiếu lập Bang Cơ làm thái tử. Sau khi Thái Tông mất, thái tử Bang Cơ (1 tuổi) lên nối ngôi, lấy hiệu là Nhân Tông và khi đó, Nguyễn Thị Anh trở thành thái hậu nhiếp chính.

Trong sự việc này, Tiệp dư Ngọc Dao là người bị nghi ngờ nhiều nhất. Nhà vua rất băn khoăn nhưng chỉ khép vào tội phát lưu (đày đi xa). Biết chuyện, quan hành khiển Nguyễn Trãi vào triều kiến giá và ra lời can gián rằng, chứng cớ xác đáng không có mà đã vội kết án Tiệp dư là một việc làm thất đức và ông xin nhà vua cho mình được lo liệu việc này. Vua Lê Thái Tông thấy không còn cách nào hơn nên đành chấp nhận đề nghị của Nguyễn Trãi. Ngay đêm ấy, Nguyễn Thị Lộ (vợ thứ của Nguyễn Trãi) đã bí mật đưa Tiệp dư họ Ngô ra ẩn náu ở chùa Huy Văn (ngõ Văn Chương, phố Tôn Đức Thắng ngày nay).

Theo một số tài liệu sử học thì, vì sẵn đố kỵ việc vợ chồng Nguyễn Trãi “bênh” Tiệp dư Ngọc Dao và sợ tai tiếng Bang Cơ không phải dòng máu rồng, nên hoàng hậu Nguyễn Thị Anh đã chủ mưu sát hại vua Lê Thái Tông, gây nên vụ oan án Lệ Chi Viên chấn động một thời.

Trong cuốn Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ với thảm án Lệ Chi Viên, các nhà sử học và một số nhà khoa học đã chỉ rõ, chủ mưu của vụ thảm án Lệ Chi Viên là Tuyên từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, mẹ vua Lê Nhân Tông. Tuy nhiên, đến nay, sự thật về sự hạ sát tàn độc của Nguyễn Thị Anh với thiên tử vẫn là một ẩn số.

Lời bàn:

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, hoàng hậu Nguyễn Thị Anh không chỉ là người phụ nữ xinh đẹp, mà còn là một người đàn bà có đầy lòng tham quyền lực và vô cùng mưu mô xảo trá. Để đạt được mục đích của mình, khi mới nhập cung, Nguyễn Thị Anh luôn luôn tìm đủ mọi cách để chiếm được sự ưu ái của vua Lê Thái Tông. Được nhà vua sủng ái, bước tiếp theo là Nguyễn Thị Anh đã không từ bất cứ thủ đoạn nào, thậm chí kể cả việc giết chồng để giành ngai vàng cho con là thái tử Lê Bang Cơ. Tiếng là vậy, nhưng khi ấy Lê Bang Cơ mới có 1 tuổi, nên mọi quyền bính trong triều đều rơi vào tay Nguyễn Thị Anh với vai trò nhiếp chính.

Thế mới hay rằng, vì quyền lực, địa vị và cuộc sống vinh hoa phú quý mà Nguyễn Thị Anh đã trở thành người đàn bà tàn ác. Tuy nhiên, quy luật ở đời thì đã có vay ắt phải có trả, “ác nhân ác báo”, nên tuy giành được ngai vàng cho con và quyền lực cho mình, nhưng Nguyễn Thị Anh đã phải trả giá bằng cái chết thảm của chính bà và con trai. Và cái giá đắt hơn nữa là tiếng xấu mà bà ta để lại đến muôn đời sau cũng không thể rửa sạch. Tiếc rằng hậu thế thời nay không phải ai cũng rút cho mình bài học từ tấm gương tày liếp của bà hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ngày xưa. Bởi thế ở đâu đó vẫn còn có những người phụ nữ vì tiền, vì quyền mà họ sẵn sàng bán rẻ danh dự, nhân phẩm của bản thân mình. Thậm chí còn có người vứt bỏ cả thân nhân, lừa đảo cả anh em, cha mẹ; thật đáng buồn thay.                     

K.N

  • Từ khóa
109424

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu