Thứ 2, 20/05/2024 08:39:31 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:03, 20/06/2013 GMT+7

Phẩm hạnh cao - thành công lớn

Thứ 5, 20/06/2013 | 14:03:00 185 lượt xem

Đối với người Do Thái, ngoài việc giáo dục con cái phải chăm chỉ học tập, bồi dưỡng kiến thức, trau dồi trí tuệ và rèn luyện thân thể để có sức khỏe, họ còn rất coi trọng việc giáo dục đạo đức, lối sống. Họ luôn khuyến khích con cái tu dưỡng phẩm hạnh, cố gắng phấn đấu trở thành một con người có nhân, có đức. Đặc biệt là người Do Thái thường hay dùng gương sáng của các nhân vật lớn về sự cần cù, tài năng, trí tuệ và đức độ để hướng cho con cái noi theo. Và hai mẩu chuyện dưới đây là một minh chứng cho điều này.

Bố Penin là người gốc Do Thái. Cả hai vợ chồng ông đã đặc biệt coi trọng việc dạy dỗ Penin ngay từ thời thơ ấu. Họ dùng nhiều phương pháp giáo dục khác nhau như giảng giải, noi gương, nhắc nhở, bồi dưỡng cho Penin có những thói quen tốt là luôn biết nghe lời người lớn, đối xử hòa nhã với bạn bè và trong đó họ đặc biệt chú ý đến lời ăn tiếng nói của con. Chưa hết, họ còn luôn dạy con phải biết sống khoan dung và độ lượng với tất cả mọi người.

Chính vì vậy mà ngay từ ngày còn nhỏ, Penin đã là một chú bé ngoan và biết giữ lễ phép, lễ độ với người lớn, cũng như với thầy cô, bè bạn. Cậu bé tôn trọng thầy cô giáo và cũng biết tôn trọng những người lao động bình thường như công nhân khuân vác, thợ cày, thợ giặt quần áo... Cậu chơi đùa thân mật với trẻ con hàng xóm, coi họ như anh em. Trong cuộc sống hàng ngày, cậu biết thương người và sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Nhà bác học Marie Curie cũng là một người có phẩm chất cao thượng. Bà luôn chú ý bồi dưỡng đức hạnh cho các con và học trò của mình. Sau khi chồng bà là ông Pierre Curie mất, bà phải một mình chăm lo việc giáo dục con cái. Lúc đó, thu nhập của bà một phần phải dành cho việc phục vụ công tác nghiên cứu khoa học nên việc chi tiêu cuộc sống gia đình rất eo hẹp. Mặc dù đang sở hữu một số uranium trị giá tới một triệu đồng franc nhưng bà quyết tâm không bán, mà bà quyết dùng số uranium này cho việc nghiên cứu khoa học. Trước khi qua đời, bà đã để lại di chúc tặng gia tài giá trị này cho phòng thực nghiệm nguyên tử.

Có lần bà đã đưa hai cô con gái cùng sang Mỹ để nhận một gam uranium do Tổng thống Mỹ tặng. Bà nói với hai con rằng:

- Phải dùng uranium để phục vụ cho khoa học, không được bán. Uranium là thuộc về khoa học, không thể là sở hữu cá nhân.

Chưa hết, bà còn sớm rèn luyện cho con mình có tính cần kiệm, không hám danh hoa phù phiếm. Trong thời kỳ đại chiến thế giới lần thứ nhất, bà Curie lại có một việc làm hết sức cao thượng. Đó là việc bà đã hiến tặng toàn bộ số tiền thưởng của giải Nobel cho Chính phủ Pháp để phục vụ cuộc chiến tranh bảo vệ nước Pháp. Bà từng cùng con gái ra tiền tuyến dùng máy chiếu quang tuyến X để phục vụ việc chữa trị các vết thương cho binh sĩ. Sau này, các con gái bà đều thành đạt. Năm 1940, hai vợ chồng người con gái bà đã tặng quyền lợi sáng chế lò phản ứng nguyên tử cho Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia.

Nhà bác học Curie dạy dỗ con thường tập trung vào bốn mặt sau:

Giáo dục lòng yêu nước thương dân. Bà từng dùng tên Ba Lan - Tổ quốc mình để đặt tên cho loại nguyên tố mới được phát hiện là Poloni (Po). Rèn luyện cho con có tinh thần kiên cường, dũng cảm, lạc quan và yêu đời. Bồi dưỡng tinh thần coi trọng thực tế, tránh hoang tưởng. Bồi dưỡng ý thức cần cù, tiết kiệm.

Lời bàn:

Mở đầu sách “Kinh thư”, bậc thánh hiền cổ xưa đã viết: “Nhân chi sơ, tính bản thiện”. Điều ấy có nghĩa là con người ta khi mới được sinh ra vốn đã là thiện. Và sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định rằng “hiền dữ” trong mỗi con người không phải là tính sẵn, mà bởi “phần nhiều do giáo dục mà nên”. Nói cách khác, trẻ em giống như một tờ giấy trắng, khi trưởng thành thì các em sẽ là bức tranh phản ánh trung thực cách giáo dục của gia đình và trong đó quan trọng nhất là những người làm cha, làm mẹ. Và thực tế từ mẩu chuyện thứ hai ở trên cho ta thấy, nếu nhà bác học Marie Curie không có việc làm cao thượng thì chắc chắn sẽ không có sự thành đạt của chính bản thân bà cũng như những người con gái của bà sau này.

Thế mới hay rằng, sự cao thượng càng cao thì sự thành công càng to lớn. Điều quan trọng hơn là hậu thế ngày nay suy nghĩ gì về phương pháp giáo dục các con của nhà bác học Marie Curie. Vâng, đó là chân lý, một chân lý đơn giản nhưng vô cùng cao đẹp là muốn trở thành người có ích cho xã hội, cho Tổ quốc thì trước hết phải biết yêu nước, thương dân. Muốn thực hiện được điều ấy thì phải học và làm theo tấm gương đạo đức vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

N.N

  • Từ khóa
109423

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu