Thứ 2, 20/05/2024 14:37:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:18, 30/05/2013 GMT+7

Khi giặc đến nhà...

Thứ 5, 30/05/2013 | 10:18:00 828 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Trần Đình Túc quê ở làng Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Tuy nhiên, ông tổ bảy đời của Trần Đình Túc là Trần Đổng theo Nguyễn Hoàng vào Nam. Thân phụ của Trần Đình Túc là Trần Trung từng làm quan Hiệp trần Phú Yên dưới thời Gia Long. Trần Đình Túc là con thứ hai của Trần Trung.

Năm Thiệu Trị thứ hai (1842), Trần Đình Túc đỗ cử nhân và bắt đầu ra làm quan từ đó. Về sau, ông làm quan đại thần của nhà Nguyễn, dưới thời vua Tự Đức và từng giữ các chức: Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội, Ninh Bình), Hiệp biện Đại học sĩ. Trần Đình Túc là một trong những đại thần chủ chốt trong việc nghị hòa với người Pháp, khi Pháp xâm lược Việt Nam.

Thời điểm Trần Đình Túc ra làm quan cũng là thời chính sự nước nhà rất rối ren, trong thì phong trào nông dân rầm rộ nổi lên khắp nơi, ngoài thì quân xâm lăng tràn vào cướp nước. Tháng 4 năm Quý Hợi (1863), Trần Đình Túc đương chức Tá lý, xin với vua Tự Đức cho mộ người khẩn hoang ở hai tỉnh Thừa Thiên và Quảng Trị, vua chuẩn cho làm Doanh điền sứ. Tháng 3 năm 1864, Trần Đình Túc mộ dân khai khẩn lập ấp tại làng Lương Điền, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên.

Năm Mậu Thìn (1868), Trần Đình Túc đi ngoại giao từ Hồng Kông (Hương Cảng) trở về, ông cùng Nguyễn Huy Tề đã trình tấu với Tự Đức rằng: Triều đình nên cho mở thương cảng tại cửa biển Trà Lý, nay thuộc tỉnh Thái Bình, nhưng nhà vua không nghe. Tháng 10 năm 1869, Trần Đình Túc đang giữ chức Tán lý quân thứ Tuyên Quang, lo ngại Lưu Vĩnh Phúc gây trở ngại cho buôn bán ở Bảo Thắng Lào Cai, lúc đó thuộc Tuyên Quang, tâu về triều xin giao cho Nguyễn Bá Nghi là Tổng đốc Sơn - Hưng - Tuyên, thương lượng với tướng nhà Thanh là Phùng Tử Tài gây sức ép triệu Lưu Vĩnh Phúc về nước. Vua Tự Đức đã nghe theo.

Năm Tự Đức thứ chín, tức năm Bính Thìn - 1856, vua Tự Đức bổ dụng Trần Đình Túc làm Tùy biện ở quân thứ Quảng Nam. Vua sai người chạy ngựa trạm vào, đón Trần Đình Túc về kinh đô để hỏi về ba chước là đánh, giữ hay hòa với quân Pháp. Trần Đình Túc xin dâng kế thanh dã (tức là kế làm vườn không nhà trống) và nói rằng kế ấy dẫu giặc có tiến đánh thế nào cũng chẳng có gì để ăn. Cứ thế mà làm mãi, sau nếu có hòa cũng không sao.

Các chước mà nhà vua nói đến ở trên là những chước dự định ứng phó với người Pháp. Hai năm sau ngày nhà vua hỏi ý kiến Trần Đình Túc, thực dân Pháp chính thức nổ súng xâm lược nước ta. Năm 1862, triều đình Huế phải cắt ba tỉnh miền Đông Nam kỳ, năm 1867 lại phải cam lòng cắt nốt ba tỉnh miền Tây Nam kỳ cho thực dân Pháp. Năm 1873, thực dân Pháp tấn công Hà Nội. Cuộc chiến tranh xâm lược của chúng đã lan rộng ra cả nước.

Cũng sách trên viết tiếp: Năm Tự Đức) thứ 26, tức năm Quý Dậu - 1873, đến lượt khu Đông Nam thành Hà Nội bị đánh úp. Sau đó, tỉnh Ninh Bình cũng bị mất về tay giặc. Phái viên của Pháp là Các Nhi (tức Francois Garnier) có ý muốn thương lượng. Khi ấy, nhà vua sai Trần Đình Túc lãnh chức Tổng đốc Hà Nội cùng với quan Tuần phủ mới của Hà Nội là Nguyễn Trọng Hợp và quan Án sát là Trương Gia Hội đi thương lượng. Ý của nhà vua khi ấy là muốn bàn luận sao đó để lấy lại được thành trì. Nhưng ngay lúc đó, Trần Đình Túc lại tâu rằng: Ở cõi phái Đông này, người Âu đến đâu phải chỉ có một nước, cho nên rõ ràng không thể lấy sức mà chống lại được. Nay, xin được chuyển thế cuộc: Tất cả quan binh nhất loạt vừa mới phái tới hãy tạm đình chỉ và cho họ lưu lại ở đâu đó, thần sẽ xin cùng với các quan cộng sự đi ngay Hà Nội để thương lượng. Và vua Tự Đức đã nghe theo.

Năm 1883, Trần Đình Túc được vua Tự Đức giao cho làm Chánh sứ trong việc thương thuyết ký kết Hòa ước Quý Mùi (Hiệp ước Harmand) với Pháp, thừa nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, đồng thời chấp nhận nền bảo hộ của Pháp ở Bắc kỳ và Trung kỳ, chính thức chấm dứt nền độc lập của Việt Nam.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên mà xét tiết tháo của một người làm quan như Trần Đình Túc thì quả là đáng giận, đáng trách. Bởi khi vận nước lâm nguy, nhà vua lo lắng và hoang mang nên mới sai người đón Trần Đình Túc về để hỏi kế sách chống giặc giữ nước. Tiếc thay, khi ấy quân Pháp chưa vào, giặc chưa đến mà Trần Đình Túc đã lo tính chước bỏ chạy bằng kế sách vườn không nhà trống. Cái kế thanh dã của Trần Đình Túc khi mới nhắc đến ai cũng tưởng là ông kế thừa kinh nghiệm của tổ tiên ngày xưa, nhưng thực sự thì ngược lại. Bấy giờ chưa biết thực dân Pháp sẽ đánh ở đâu trước, chưa biết đất nào sẽ là chiến trường, làm sao lại có thể tính kế bỏ nhà vào rừng cho được. Còn nữa, trong lúc kẻ thù đang tính kế đánh úp quân của triều đình, thì Trần Đình Túc lại xin triều đình phải lui binh để thương lượng.

Không biết mặt kẻ thù, không rõ khí giới của quân địch, lại không biết gì về thực lực của mình, mà đã tính đường tháo chạy thì quả là một viên quan nhu nhược, hèn kém. Nhưng nếu chỉ riêng trách mình Trần Đình Túc thì xem ra không công bằng. Bởi khi ấy bên cạnh ông còn bao bậc đồng liêu cũng yếu bóng vía và chung nếp nghĩ như vậy. Hơn nữa, trên Trần Đình Túc còn có nhà vua và cả triều đình, nhưng thật đáng buồn thay, vì tất cả nhà vua và các triều thần đều hèn nhát như nhau. Khi giặc đến nhà thì dù là đàn bà... và còn cái lai quần... cũng đánh, xin hậu thế đừng ai quên dũng khí ấy.

N.V

  • Từ khóa
109417

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu