Thứ 2, 20/05/2024 11:23:09 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 09:10, 28/05/2013 GMT+7

Giai thoại về câu đối

Thứ 3, 28/05/2013 | 09:10:00 605 lượt xem

Ngày nay, ở vùng Kinh Bắc, tức vùng Bắc Ninh vẫn còn lưu truyền một giai thoại. Nội dung của giai thoại ấy được truyền lại như sau: Ông cụ vốn người ham thích văn chương, nhưng tuổi già sức yếu, không có việc gì làm. Muốn cho đỡ buồn, ông đã dựng một quán hàng nước giải khát ở bên vệ đường, vừa có thêm thu nhập lại vừa thường xuyên gặp khách vãng lai trò chuyện cho khuây khỏa. Quán hàng tuy nhỏ nhưng sạch sẽ, thoáng mát. Ngay chính giữa gian nhà, ông chủ kê một cái án thư, trên đó đặt chiếc mâm gỗ và trong cái mâm gỗ có để sẵn một quan tiền đồng. Trên vách, đối diện với chiếc án thư là một vế câu đối đỏ và trên đó chỉ vỏn vẹn có năm chữ:

“Tân quán nghênh tân khách”. Nghĩa là cửa hàng mới đón chào khách mới. Đã nhiều lần ông cụ nói với những người quen thuộc rằng:

- Đây là mấy chữ chào khách, sơ sài thôi. Nhưng các vị khách xa gần, ai đối được thì lão xin tặng luôn quan tiền, gọi là chút quà tri ngộ.

Với câu đối kể ra thì không khó, vì có ý nghĩa rõ ràng, nhưng lại khá hóc búa. Vì lối điệp ngữ đơn giản mà sắc sảo. Tìm cho được câu thích hợp chẳng phải là chuyện dễ dàng. Vì vậy mà đã hàng tháng ròng, nhưng quan tiền cứ nằm nguyên trên mâm, chưa được tặng cho ai cả.

Chiều hôm ấy, có khá nhiều khách quây quần trong hàng nước của ông cụ, cười cười, nói nói. Ai cũng trầm trồ chép miệng phàn nàn vì chuyện thiếu nhân tài. Câu đối như vậy mà mãi không ai đối được. Bỗng từ ngoài có một thầy nho thong thả bước vào, mua bát nước vối giải khát. Ông thầy nho nhìn lên vế câu đối trên vách, rồi lại đưa mắt nhìn quanh mọi người. Một bác hàng xóm ngồi đó, cười xởi lởi:

- Thầy nho chắc ở xa đến chưa rõ. Chúng tôi đang nói chuyện về vế câu đối trên vách kia đấy. Đã lâu lắm rồi, có biết bao người qua lại vùng này và dừng chân ở đây, nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai đối cả. Thầy nho xem có đối được thì đọc cho mọi người cùng nghe, rồi bước tới nhận tiền thưởng của cụ chủ quán!

Nghe một người trong quán nói vậy, thầy nho từ từ gật đầu, đưa bát nước vối lên môi, chiêu một ngụm rồi đặt xuống chõng. Đột nhiên, giữa mấy chục con mắt ngơ ngác của mọi người, ông thầy nho đĩnh đạc bước tới gần án thư và cầm lấy quan tiền rồi lẳng lặng bước ra ngoài mà không nói một lời. Thấy vậy, tất cả mọi người ngồi trong quán khi ấy đều nhao nhao:

- Ô kìa, ông khách! Sao ông lại lấy tiền đi mà chẳng nói chẳng rằng. Ông có đối được không mà lại lờ đi thế?

Khi đó, ông chủ quán cũng định nhổm dậy. Nhưng nhìn ra, thấy anh đồ cứ bước những bước ung dung chứ không hề tỏ ra có chút gì là vội vàng cả. Vì thế, ông chủ quán nghĩ rằng vị khách kia không phải là hạng người xấu thói. Ông cụ nghĩ ngay có thể thầy nho kia có ẩn ý gì chăng. Cụ đưa mắt cho cô con gái ngồi trên góc bếp. Cô gái nhanh nhẹn đứng lên gọi với:

- Thưa thầy! Thầy chưa đối lại câu đối của bố em.

Tuy nghe rõ tiếng cô gái, nhưng ông thầy vẫn cứ ung dung nhịp bước rất khoan thai, rất ngắn và chỉ khẽ quay đầu lại nói: Tôi đối rồi đấy chứ!

Nghe vậy, tất cả mọi người trong quán đều cười vang:

- Mọi người ngồi đây từ nãy đến giờ nào có ai nghe, ai thấy ông thầy nói năng câu gì đâu mà bảo là đã đối rồi. Không đối được thì thôi, chứ sao thầy lại lừa mọi người và cả ông già với cô gái như vậy.

Đến lúc này, ông thầy nho mới dừng lại rồi hơi nghiêng mình hướng về phía ông cụ vừa đưa tay giơ quan tiền ra vừa nói: Thưa cụ chủ quán và mọi người, quan tiền của cụ vào tay tôi thế này tức là “Quý vật tặng quý nhân” chứ còn gì nữa ạ!

Và vế đối của ông thầy nho quả là hay và chuẩn không ai có thể chỉnh được nữa. Đến lúc này, ông chủ quán đành phải nở nụ cười và chấp nhận mất một quan tiền.

Lời bàn:

Câu đối là một mảng đặc sắc trong văn học Việt Nam, thể hiện nét hóm hỉnh, tinh tế của người Việt cũng như sự phong phú, uyển chuyển của tiếng Việt. Vì vậy, người xưa, nhất là các bậc nho sĩ thường có quan niệm rằng thơ là tinh hoa của chữ nghĩa thì câu đối là tinh hoa của tinh hoa. Tuy nhiên, cho đến ngày nay người ta đưa ra rất nhiều định nghĩa về câu đối, nhưng  khái niệm sau đây được nhiều người chấp nhận hơn cả: Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm diễn đạt ý tưởng, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một sự việc, hiện tượng nào đó trong đời sống xã hội. Và đó có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.

Theo nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam Dương Quảng Hàm, thì câu đối có những thể loại sau: Câu đối mừng, câu đối phúng, câu đối tết, câu đối thờ, câu đối đề tặng, câu đối tự thuật, câu đối tức cảnh, câu đối chiết tự, câu đối trào phúng, câu đối tập cú và câu đối thách... Ngày nay, dù đã vắng bóng những ông đồ ngồi viết câu đối tết trên giấy hồng điều nhưng câu đối sẽ vẫn mãi mãi là nét văn hóa đẹp, có giá trị lớn về mặt ngôn ngữ, rất cần được tìm hiểu, bảo tồn và phát huy. Và việc nhắc lại giai thoại trên đây cũng không nhằm ngoài mục đích ấy.                  

K.N

  • Từ khóa
109415

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu