Thứ 2, 20/05/2024 12:33:30 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 15:36, 20/05/2013 GMT+7

Câu đối chuẩn

Thứ 2, 20/05/2013 | 15:36:00 764 lượt xem

Chuyện xưa kể lại rằng, một hôm có ông quan phủ đi kinh lý ở vùng Thuận Thành (Bắc Ninh ngày nay). Trên đường đi, ông quan kia đã dừng chân ở chợ Chì (nay thuộc huyện Quế Võ) để chờ đò qua sông Đuống. Quan ngồi nghỉ trong một quán nước, khi ấy có đông đủ kẻ hầu người hạ và khách qua lại cùng vào giải khát. Vốn tính hay khoe khoang tài văn chương chữ nghĩa của mình, nên vừa bước vào quan hỏi chuyện mọi người. Sau khi hỏi chuyện người dân được một lát thì quan thở dài và lên giọng than phiền rằng đi đâu cũng không được gặp văn nhân tài tử. Có lẽ cái mảnh đất chợ Chì này cũng hiếm người đỗ đạt học hành.

Một vài người ngồi đó, song vì sợ thế của quan nên không tiện phản đối, nhưng tất cả mọi người khi đó đều không bằng lòng. Biết được sự phật ý ấy, quan muốn chứng minh và cũng là để nhân dịp này ông khoe tài của mình với mọi người, quan vừa cười vừa nói:

- Đấy nhé, thử xem thì biết. Ta thử ra một vế đối, xem quanh đây ai đối được không. Nếu đối hay ta thưởng. Câu đối tức cảnh thôi. Đây là chợ Chì phải không? Thế thì ta ra câu đối này: Chị chờ em ở chợ Chì.

Kể ra thì câu đối cũng khéo, có thể nói là hay. Quan dụng ý dùng tiểu xảo: Chị chờ nói lái là chợ chì. Lối ra câu đối này rất thường. Cái khó là tìm ra một tên riêng để đối với chợ Chì, mà khi chuyển ra nói lái vẫn có nghĩa. Thành ra cả đám đông nghĩ mãi chẳng có ai đối được. Quan phủ càng đắc ý:

- Đấy, ta nói có sai đâu! Câu đối dễ vậy mà các người nghĩ mãi không ra. Nhân tài ở đất này quả là hiếm thực!

Đến lúc đó, mọi người trong quán càng ức vì sự mỉa mai của viên quan. Nhưng bỗng có tiếng nói từ bên vệ đường vọng vào:

- Bẩm quan lớn, con xin đối.

Nghe vậy, ai nấy đều nhìn ra ngoài. Người kia vừa nói vừa đặt đôi càng xe xuống đất, vụng về bước vào trong quán. Thì ra đó là một anh phu xe quần áo xuềnh xoàng, chiếc nón rách ngoắc bên vai. Anh ta ngồi đấy đã lâu đón khách, đang định kéo xe đi thì nghe tiếng quan ra câu đối nên vào để hưởng ứng câu chuyện văn chương của quan phủ. Mọi người đều ngạc nhiên và không ít người nghĩ rằng cái anh chàng khố rách này chắc gì đã biết chữ nhất là một, mà dám vào đối đáp. Quan phủ chừng như cũng khó chịu nên hất hàm nói:

- Được, muốn đối thì cứ đối. Nhưng ta bảo trước, đối phải cho đúng phép tắc văn chương chứ không phải nói lảm nhảm vu vơ như các anh nói chuyện với nhau ở đầu đường góc chợ đâu nhé. Sai phép tắc ta nọc cổ ra đánh ngay tức khắc, lúc đó đừng có bảo là ta ác nghiệt đấy.

Viên quan vừa nói xong, anh phu xe lễ phép:

- Dạ, con đâu dám. Con làm nghề phu xe, chỉ xin lấy nghề nghiệp ra mà nói thôi. Quê con bên Gia Lâm, có cái thôn tên rất nôm na dân dã là Keo Táo. Vậy con xin được lấy cái tên ấy mà ghép vào câu. Câu quan lớn ra: Chị chờ em ở chợ Chì. Con xin đối là: Tao kéo mày về Keo Táo.

Câu đối hay quá! Keo Táo nói lái cũng là tao kéo. Nghe xong, quan phủ như điếng người. Lúc đó, bà con ngồi chung quanh bụm miệng không dám cười to, nhưng tất thảy ai nấy đều hể hả vì nghe từ chính miệng anh phu xe văng mày tao vào mặt quan mà quan phải chịu phép. Tiếc rằng, mọi người vì mải mê khen câu đối quá hay, quá chỉnh nên chẳng ai còn để ý đến việc viên quan phủ kia có giữ lời hứa, thưởng cho anh phu xe không.

Lời bàn:

Trong kho tàng văn học Việt Nam, câu đối có một chỗ đứng riêng biệt vì nó có nguyên tắc riêng và không phải ai cũng thể hiện được. Thậm chí ngay cả những người học cao, hiểu rộng nhưng không giàu ngôn ngữ, ít trí tưởng tượng và không có năng khiếu thì cũng khó có được câu đối hay vế đối để đời. Vì trong câu đối thể hiện rất rõ quan điểm, lập trường cũng như tư tưởng, bản lĩnh và tâm tư, tình cảm của người ra vế đối cũng như người đối lại. Một khi nó được người đối dùng để phê phán những thói hư, tật xấu của người đời cũng như tính cách tham lam, bợ đỡ của tầng lớp quan lại và thậm chí cả vua chúa trong xã hội phong kiến ngày xưa... thì nó là thứ vũ khí vô cùng sắc bén, sâu cay, thâm thúy.

Chuyện xưa kể lại rằng, trong lần vua Minh Mạng ra Bắc để nhận phong của vua Thanh. Hôm đó, trời nắng quá, Cao Bá Quát thấy bèn cởi quần áo xuống hồ Tây tắm. Bất ngờ, Minh Mạng ngự chơi đền Trấn Võ. Lính cận vệ dẹp đường phát hiện ra Quát dưới hồ bèn gọi lên. Cao Bá Quát nói mình là học trò, thật tình không biết lối vua đi, xin vua tha tội. Vua bảo: Nếu ngươi là học trò, trẫm ra cho câu đối, đối được thì tha, bằng không phải phạt chục roi. Nhân thấy dưới hồ có con cá lớn đuổi bắt cá bé, Minh Mạng tức cảnh đọc rằng: Nước trong leo lẻo, cá đớp cá. Quát gãi đầu gãi tai xin vua có tha tội mới dám đối, Minh Mạng thuận cho. Được lời, Quát đối luôn: Trời nắng chang chang, người trói người. Một vế đối có thể nói là chuẩn không ai chỉnh được, vua Minh Mạng đành chịu phục tài cậu bé Quát, nhưng nhà vua đã được một vố đau. Vâng, cái thâm thúy của câu đối là vậy.                             

Đ.T

  • Từ khóa
109414

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu