Thứ 6, 26/04/2024 04:11:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 08:49, 23/04/2013 GMT+7

Sứ thần áo rách

Thứ 3, 23/04/2013 | 08:49:00 302 lượt xem

Trong lịch sử ngoại giao Việt Nam dưới thời phong kiến có nhiều câu chuyện, giai thoại thú vị về các chuyến đi sứ phương Bắc nhưng có một trường hợp độc nhất vô nhị là chuyến đi cầu viện của đoàn sứ thần nhà hậu Lê. Độc nhất vô nhị là vì trong lần ấy, đoàn sứ thần nhà hậu Lê do Trần Danh Án và Lê Duy Đản dẫn đầu sang nhà Thanh vào cuối năm 1788, đều đóng giả là thường dân và phải mặc quần áo rách.

Chuyện kể lại rằng, lúc bấy giờ Tây Sơn đã kéo đại quân ra Bắc, vua Lê Chiêu Thống hoảng sợ bỏ kinh đô Thăng Long chạy trốn, rồi sai người sang xin quân Thanh kéo vào giúp giành lại ngôi vua. Sau khi thảo xong bức thư cầu viện, vua Lê Chiêu Thống quyết định chọn Trần Danh Án và Lê Duy Đản làm sứ thần đi cầu viện. Do tình hình hỗn loạn, lại sợ bị quân Tây Sơn phát hiện nên hai người chỉ đem theo vài kẻ thân tín cùng đi, đầu đội nón cũ, mặc áo rách như người thường dân đi đường. Vua Lê tiễn hai người đến vùng núi Bảo Lộc và dặn rằng:

- Đối đáp ở đất nước người là chức trách của sứ thần. Chuyến đi này quan hệ đến sự mất, còn của nước nhà và sự thành, bại của công việc. Các ngươi nên tùy cơ ứng biến, đem cái tài học chất chứa lúc bình sinh mà thi thố ra việc làm. Tài kinh luân ở ba tấc lưỡi, việc từ lệnh ấy không thể thiếu được. Các ngươi nên cố gắng, cho xứng đáng với tấm lòng trông chờ của trẫm.

Hai người cùng lạy tạ vua Lê rồi đi. Ngay lúc đó, Lê Duy Đản đã nói riêng với Trần Danh Án rằng:

- Bọn ta tiếng là bồi thần, thật ra chẳng khác gì kẻ vong mạng, ra đi lúi xùi chẳng có ai đưa đón, trên đường thì nhiều sự cách trở, lại phải trèo leo vất vả trong chốn núi rừng. Nếu chưa đến đất Trung Hoa mà đã bị quân giặc đuổi bắt, thì đó chính là sự dở dang rất đáng lo ngại. Còn như đã tới được gần doanh của đốc bộ Lưỡng Quảng thì ta không còn lo gì nữa.

Nghe Lê Duy Đản nói vậy, Trần Danh Án liền trả lời rằng:

- Nếu như lòng trời còn giúp xã tắc, chắc sẽ không có việc ấy, cần gì mà phải lo xa? Có điều, từ khi nước ta có nước đến nay, trong việc đi lại với Trung Hoa tuy rằng các đời sáng nghiệp và trung hưng cũng đã từng gặp cảnh gieo neo không biết là bao nhiêu phen, nhưng mà kẻ bồi thần đi sứ, chưa có ai như chúng ta ngày nay.

Khi ấy, Trần Danh Án làm bài thơ, trong đó có hai câu rằng: Thiên cổ do truyền kỳ tuyệt sự; Tệ soa tàn lạp sứ thần trang. Nghĩa là: Ngàn thuở còn truyền câu chuyện lạ; Sứ thần áo rách, nón mê tàn.

Nói xong, hai người theo con đường tắt trong núi, qua cửa ải Lạng Sơn mà đi. Nhưng do không phải là một cuộc đi sứ chính nghĩa, mà là “rước voi về giày mả tổ”, nên vua Lê Chiêu Thống bị người đời lên án. Cũng vì vậy mà sau trận đại phá quân Thanh xâm lược đầu năm Kỷ Dậu - 1789, tàn quân ủng hộ nhà Lê dần bị Tây Sơn đánh dẹp hết. Bản thân vua Lê Chiêu Thống phải chạy theo giặc về đất Bắc, trở thành kẻ vong quốc, sống khốn khổ, đau đớn và chết uất hận nơi đất khách.

Hai sứ thần “áo rách” vì không kịp theo vua, nên phải sống ẩn dật tại quê nhà, Lê Duy Đản về ở tại xã Hương La, huyện Yên Phong (nay thuộc xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Còn Trần Danh Án, nghe tin Lê Chiêu Thống chết nên quỳ lạy hướng về phương Bắc, rồi nhịn ăn mà khóc đến chết.

Lời bàn:

Theo sử cũ, Trần Danh Án là người xuất thân trong một gia đình khoa bảng, có nhiều người làm quan lớn trong triều. Ông nội là tiến sĩ Trần Phụ Dực, làm quan đến chức Tư huấn Quốc Tử Giám. Bác ruột ông là tiến sĩ Trần Danh Ninh và cha ông là tiến sĩ Trần Danh Lâm (cùng đỗ tiến sĩ năm 1731), cùng làm quan đồng triều và đều trải đến chức Thượng thư. Còn Trần Danh Án là người thông minh học giỏi. Năm Chiêu Thống thứ nhất - 1787, ông thi đỗ Hoàng giáp khoa rồi được bổ chức quan. Nhưng tiếc rằng, một người xuất thân từ cửa Khổng sân Trình như Trần Danh Án mà lại nhầm lẫn về lòng trung. Vẫn biết dưới thời phong kiến, các nho sĩ phải biết lấy trung, hiếu làm đầu và trung với vua cũng là trung với nước, nhưng trung với nước không có nghĩa là trung với cá nhân một ông vua nào đó. Vâng, chính vì sự nhầm lẫn này mà một con người như Trần Danh Án đã đặt lòng trung của mình nhầm địa chỉ. Cũng chính vì sự mù quáng này mà Trần Danh Án đã trở thành kẻ tiếp tay cho Lê Chiêu Thống “rước voi về giày mả tổ”, tức là cầu cứu quân Thanh sang cướp nước ta.

Vẫn biết rằng, để đánh giá một nhân vật lịch sử thì nhất thiết phải đặt nhân vật đó vào trong thời đại, văn hóa, ý thức hệ... của thời đại họ đang sống. Vì thế, dưới đây xin trích đoạn văn trong tác phẩm Hoàng Lê Nhất Thống Chí đã viết về vua Lê Chiêu Thống như sau: Tuy vua Lê đã được phong vương, nhưng giấy tờ đưa đi các nơi, đều dùng niên hiệu Càn Long... Ngày ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị (Tôn Sĩ Nghị) để nghe truyền việc quân, việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, quân lính hộ vệ chỉ vài chục người. Người trong kinh nói riêng với nhau rằng: Nước Nam ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào nhà Thanh? Và chỉ với lời này cũng đã quá đủ để hậu thế hiểu rõ Lê Chiêu Thống là ai và đại thần Trần Danh Án thời đó là ai.

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109409

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu