Thứ 2, 20/05/2024 13:30:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:42, 18/04/2013 GMT+7

Chuyện về Nguyễn Bá Nghi

Thứ 5, 18/04/2013 | 14:42:00 1,270 lượt xem

Theo sách “Đại Nam chính biên liệt truyện”, Nguyễn Bá Nghi sinh năm Đinh Mão 1807, người làng Thời Phố (sau đổi là Lạc Phố), huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi và mất năm 1870. Ông có hiệu là Sư Phần và là quan đại thần của nhà Nguyễn. Năm Tân Mão - 1831, dưới thời vua Minh Mạng (1820-1840), ông thi đỗ cử nhân tại trường Hương Thừa Thiên và năm sau - 1832, ông thi đỗ Phó bảng.

Buổi đầu, ông làm Tri huyện, sau thăng làm Tri phủ. Nhờ có tiếng là ngay thẳng, ông được trao chức Thự án sát tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, có lần xử án và ông chưa làm hết trách nhiệm nên bị cách chức một thời gian.

Đến đầu thời vua thiệu Trị - 1841, Nguyễn Bá Nghi làm thự giảng học sĩ, Tham biện việc Nội các, rồi thăng Thự thị lang bộ Lại, nhưng chẳng bao lâu sau ông lại bị giáng xuống chức vị cũ, phải theo thuyền sang Quảng Đông (Trung Quốc) làm việc. Khi thuyền bị cháy, Nguyễn Bá Nghi phải theo đường bộ về. Dọc đường, ông bị thổ phỉ nước Thanh cướp bóc, nhà vua nghĩ thương tình nên cất ông làm Thị độc học sĩ tham biện việc Nội các.

Năm 1844, ông được thăng làm Thự bố chánh An Giang. Gặp lúc Chân Lạp muốn thần phục nhà Nguyễn, Đốc thần Nguyễn Tri Phương liền cử ông sang thương lượng. Năm 1846, Nguyễn Bá Nghi về kinh, giữ chức Thị lang bộ Lễ, sung làm việc ở Nội các. Năm sau, có kỳ xét công, ông được vua khen, chuẩn cấp cho hưởng lương tòng nhị phẩm.

Năm Tự Đức thứ nhất - 1848, nhà vua định bổ Nguyễn Bá Nghi làm Tuần phủ Hưng Hóa, nhưng xét thấy Hà Tiên là nơi trọng yếu, mà ông thì đã từng làm quan ở An Giang, nên đổi bổ ông đến đó. Không lâu sau, ông được cử làm Hộ lý Tổng đốc Bình Phú (Phú Yên và Bình Định), rồi Tham tri bộ Lại, sung Kinh duyên nhật giảng quan (giảng sử sách hàng ngày trong cung vua), Cơ mật viện đại thần.

Năm Ất Dậu (1853), có kỳ xét công, nhà vua cho ông là người chăm siêng, cẩn thận, nên đã bổ làm Tổng đốc Sơn Hưng (Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang). Thời đó, các hạt ấy nước lụt luôn mấy năm, tình hình quẫn bách, Nguyễn Bá Nghi xin cho chẩn cấp cứu tế và xóa thuế ruộng cho dân, được nhà vua chấp thuận. Năm Tự Đức thứ 12 - tức năm 1859, nhà vua cho triệu ông về làm Thượng thư bộ Hộ và sung vào viện Cơ mật.

Năm Tân Dậu (1861), quân Pháp đánh hạ Đại đồn Chí Hòa ở Gia Định, tướng Nguyễn Tri Phương trúng đạn bị thương, triều đình cử Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai đại thần vào kinh lý Gia Định, nhằm tìm ra cách đối phó với quân Pháp. Nhưng vì ngại vũ khí mạnh của đối phương, ông cử người đến gặp tướng Pháp là Leonard Charner để nghị hòa (thừa cơ hội này, quân Pháp đã đánh chiếm Định Tường ngày 14 tháng 4 năm 1961). Sau đó, ông mang việc này tâu về triều rằng:

- Việc nước ta ngày nay, trừ một chước hòa không có chước nào khác. Hòa thì không ổn rồi, nhưng trông mong sự khôi phục về sau...

Tiếp theo đó, tướng Nghi sai người đem thư nghị hòa sang đồn Pháp. Đô đốc Charner đòi triều đình Huế phải tiếp nhận 12 khoản, trong đó có khoản 2 (nhượng Định Tường và các vùng kế cận), khoản 4 (nhượng Thủ Dầu Một) và khoản 11 (bồi thường chiến tranh cho Pháp 4 triệu nguyên bạc)... là những điều tai hại nhất, khiến “triều đình thì chua xót mà dân chúng cũng nộ khí ngất trời”. Bởi vậy, vua Tự Đức đã ban dụ trách:

- Bá Nghi trước sau chỉ chủ hòa, vì trước đã vụng về, khinh xuất trong việc hòa giải nên giờ đây thêm khó. Vậy việc Nam kỳ, Tôn Thất Cáp lỗi lúc đầu, Nguyễn Tri Phương lầm lỡ khúc giữa, các người sau cũng không làm nên công trạng gì...

Lời bàn:

Theo sử sách cũ còn lưu truyền đến ngày nay thì đường hoan lộ của Nguyễn Bá Nghi kéo dài gần 40 năm, trải qua ba đời vua và ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam; với nhiều gian nan, gập ghềnh nhưng lúc nào cũng thể hiện là một người mẫn cán, kiên nghị, chuộng thực tiễn. Đến cuối đời vua Tự Đức, khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lược, Nguyễn Bá Nghi phải lãnh những trọng trách trong việc chống giặc xâm lược, nhưng với dã tâm của thực dân và chính sách mù quáng của triều Nguyễn, nhiều lần ông bị triều đình ghép tội vô cớ và giáng cấp vì quan điểm, lập trường của ông với thời cuộc có nhiều khác biệt với vua Tự Đức.

Song, dù các sử gia đương thời có dễ dãi đến mấy, thì hậu thế vẫn không thể chấp nhận việc nghị hòa của ông đối với thực dân Pháp ngày đó. Bởi, từ khi nhậm chức, Nguyễn Bá Nghi chỉ đóng quân ở Biên Hòa. Công việc đầu tiên của ông ta là cử đại diện đi tìm gặp chỉ huy của quân Pháp là Charner để xin được “nghị hòa” trong khi đó Charner đang cử quân đi do thám ở Định Tường... Và chính hành vi này của Nguyễn Bá Nghi đã tạo cơ hội cho quân Pháp xâm chiếm các tỉnh miền Tây Nam bộ một cách dễ dàng. Có lẽ vì vậy nên hậu thế đã có không ít người cho rằng, với Nguyễn Bá Nghi công thì ít mà tội lại nhiều. Tuy nhiên, mọi sai lầm của Nguyễn Bá Nghi ngày ấy không chỉ một mình ông gánh chịu, mà chính là sự nhu nhược của triều đình nhà Nguyễn và người đứng đầu là vua Tự Đức. Vâng, đó cũng điều dễ hiểu, vì quân sao thì thần ắt phải vậy.

 

K.N

  • Từ khóa
109408

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu