Thứ 2, 20/05/2024 12:06:27 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:24, 20/11/2012 GMT+7

Khiêm nhường và vị tha

Thứ 3, 20/11/2012 | 14:24:00 397 lượt xem

Khi giáo dục con trẻ, các bậc cha mẹ người Do Thái thường kể cho con mình câu chuyện nói về đức khiêm nhường với nội dung như sau: Một chú sơn dương đen đang mải miết đi trên đường về nhà. Con đường núi gập ghềnh, dốc đứng quanh co. Khi tiến đến một chiếc cầu độc mộc rất hẹp, chú nhìn thấy một con sơn dương trắng đang tiến đến phía bên kia cây cầu.

Sơn dương trắng ngạo nghễ nói: “Này chú em, cầu hẹp lắm, hãy tránh đường cho anh mày đây”. Sơn dương đen trả lời: “Gớm chửa! Đầu óc nhà anh thần kinh đấy à? Đừng có hòng nhé”. Hai con sơn dương chẳng con nào chịu nhường con nào, cứ hùng hục đi, đến giữa cầu thì đụng nhau. Bốn sừng chọi nhau chan chát, một cuộc ác chiến đã bùng nổ. Dưới cầu nước chảy cuồn cuộn, trên trời nắng chiếu chói chang. Cuối cùng cả hai con đều bị rơi xuống sông, mất mạng.

Trong Kinh Thánh cũng có nhiều câu chuyện khuyên răn con người cần có đức khoan dung, nhường nhịn. Có sống thế mới giữ được tình hòa hiếu, cùng hưởng thanh bình. Xuất phát từ quan điểm sống như vậy, người Do Thái còn có chuyện khác kể lại rằng, có một cậu bé có tính rất xấu, hay tranh chấp, hơn thua với các trẻ khác, không chịu nhường ai dù chỉ là một chút xíu. Ông bố bèn lấy một túi đinh rồi đưa cho cậu con trai và dặn:

- Từ nay cứ mỗi khi phạm phải tính xấu nào đó, con hãy ra vườn sau nhà đóng một cái đinh. Ngày thứ nhất, cậu bé đóng 37 cái đinh, những ngày sau tình hình đã thay đổi tốt đẹp, số đinh đóng ở vườn sau ngày càng giảm đi. Nhưng rồi cậu bé lại phạm phải tính xấu cũ. Ông bố lại nói với cậu con trai rằng:

- Mỗi khi con nhường nhịn một việc gì với ai đó hay tránh được thói xấu cũ của mình thì hãy ra vườn nhổ một cây đinh.

Nghe lời ông bố, dần dà cậu bé đã nhổ hết đinh trong vườn.

Ông bố thấy vậy bèn dắt con ra vườn và nói: Con hãy nhìn những vết đinh còn lại. Mỗi lần ta xúc phạm người khác sẽ để lại một dấu vết như thế này, không xóa đi được. Ta đâm người khác một nhát dao, dù có xin lỗi trăm lần, vết tích ấy vẫn còn mãi mãi.

Trong kho tàng chuyện dân gian của người Do Thái có chuyện kể lại rằng: Ngày xưa, trong cuộc chiến tranh có một kỵ binh bị quân Thổ Nhĩ Kỳ bắt làm tù binh. Viên sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ bắt chàng kỵ binh kia sống chung với bò để cùng cày ruộng. Ngày phải làm quần quật, đêm khuya mới được ngủ, anh lính kỵ binh này đã phải chịu đủ mọi tủi nhục. Vợ anh ở nhà phải bán hết gia sản và nhờ bạn bè giúp đỡ thêm mới có đủ tiền chuộc anh về. Nhưng không lâu sau lại nổ ra cuộc chiến tranh. Anh chàng kỵ binh ngày nào lại tái ngũ ra tiền tuyến. Lần này, anh bắt được viên sĩ quan đã làm nhục mình trước đây. Anh hỏi tên tù binh Thổ Nhĩ Kỳ rằng:

Này, anh nghĩ tôi sẽ đối xử với anh như thế nào?

- Tên tù binh Thổ Nhĩ Kỳ không cần suy nghĩ mà lập tức trả lời rằng: Báo thù! Chắc chắn tôi sẽ bị ông báo thù.

Nghe vậy, anh chàng kỵ binh nói:

Đúng thế, anh sẽ bị báo thù nhưng đây là cách báo thù của người Do Thái chúng tôi. Thánh Jehwah đã dạy chúng tôi biết yêu quý đồng bào của mình và khoan dung cho kẻ thù. Vì thế, anh sẽ được yên ổn trở về với vợ con mình.

Câu nói đó đã khiến viên sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ cảm động vô cùng.

Một chuyện khác nữa kể lại rằng, có bà trọc phú ngồi ăn trong một khách sạn sang trọng. Bà chê hết món nọ đến món kia. Người phục vụ nghe rất chối tai nhưng không dám nói gì. Khi bưng lên một món ăn mới nóng hổi, chị phục vụ thấy bà trọc phú chỉ vào đĩa và rít lên: “Chỉ ăn thế này à? Đến lợn cũng không ăn được”.

Đến lúc này, chị phục vụ chịu hết nổi và cáu tiết bèn trả lời: Thưa bà, nếu thế thì tôi sẽ làm một món ăn của con lợn cho bà vậy. Và chỉ vì một người thì thiếu thiện ý một người thì thiếu khoan dung, nên sau đó hai bên đã nổ ra cuộc xung đột gay gắt.

Lời bàn:

Mặc dù những mẩu chuyện trên đây được người dân Do Thái truyền miệng cho nhau hoặc được ghi lại trong Kinh Thánh, song tất cả cũng chỉ là những giai thoại với mục đích nhằm giáo dục con người ta ở đâu cũng cần có tính khiêm nhường, lòng vị tha. Về điều này, có một bậc trí giả đã từng nói: “Một chút nhẫn nhịn, một chút độ lượng, thiên hạ sẽ hết đánh nhau”, quả là không sai.

Bởi lẽ, “Sự hờn giận giống như một dòng điện, có thể gây tai họa chết người. Nếu ta biết cách kiềm chế sự giận hờn, dòng điện đó sẽ là một nguồn năng lượng rất có ích”. Vâng, bao giờ và ở đâu cũng vậy, một sự nhịn là chín sự lành. Sự khoan dung và khiêm nhường sẽ giúp chúng ta tránh được những phiền toái và thiệt hại không đáng có. Thế mới hay rằng, chữ “nhẫn” là rất cần, rất quan trọng trong cuộc sống của mỗi con người. Vì vậy, xin hậu thế ngày nay đừng ai quên điều này.

NV

  • Từ khóa
109387

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu