Thứ 2, 20/05/2024 13:50:58 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 16:14, 26/10/2012 GMT+7

Lòng mẹ

Thứ 6, 26/10/2012 | 16:14:00 97 lượt xem

Cũng như nhiều dân tộc khác trên hành tinh này, người Do Thái có một kho tàng văn học dân gian khá đồ sộ. Trong kho tàng văn học dân gian của người Do Thái có rất nhiều câu thành ngữ, ngạn ngữ không chỉ có người phương Tây, mà ngay cả nhiều người ở các nước phương Đông cũng phải thừa nhận nó vừa mang tính triết lý sâu sắc, lại vừa chứa đựng tính nhân văn cao. Và câu ngạn ngữ của người Do Thái sau đây là minh chứng:

- Người làm con phải biết hết lòng kính trọng, hiếu thảo và yêu quý cha mẹ của mình. Tuyệt đối không bao giờ để cho cha mẹ phải khóc vì con. Thần linh sẽ đếm từng giọt nước mắt của cha mẹ đấy.

Vì thế đối với những đứa con hư, hoặc đi nhầm đường lạc lối, người Do Thái luôn áp dụng biện pháp cứu vớt tốt nhất là không bao giờ vứt bỏ con của mình, mà tỏ ra hết sức thương yêu, quan tâm. Họ tin rằng rồi sẽ có một ngày nào đó, tình yêu sẽ làm cho đứa con hư hỏng kia tỉnh ngộ. Và câu chuyện của một người Do Thái dưới đây là một minh chứng.

Chuyện kể rằng, ở đất nước Scotland xưa kia có một cô gái người Do Thái chán cảnh sống buồn tẻ ở gia đình đã bỏ nhà đi tìm một thế giới mới lạ. Nhưng trên đường đời cô gái kia đã gặp hết thất bại này đến thất bại khác. Cô ta đã phải làm rất nhiều việc thấp hèn để kiếm sống.

Nhiều năm tháng qua đi, bố cô gái ốm nặng rồi chết, còn người mẹ thì tuổi già không làm được gì. Trong khi đó, cô gái này vẫn sống ngập ngụa trong vũng bùn lầy. Hai mẹ con đã hoàn toàn cắt đứt liên lạc với nhau, nhưng bà mẹ không bao giờ quên được cô con gái. Bà vẫn để tâm tìm kiếm tung tích của cô. Chỉ cần nghe loáng thoáng tin cô ở đâu là bà vội tìm đến.

Có lần, bà đã lặn lội đến tận các hang cùng ngõ hẻm ở các vùng để tìm con. Bà đã tìm đến nhiều trạm thu dung, khẩn khoản xin họ cho treo một tấm biển ngoài cổng. Trên biển có hình một bà già tóc bạc mỉm cười, kèm theo một dòng chữ: “Con yêu quý! Mẹ mong nhớ con nhiều. Hãy về nhà ngay, theo địa chỉ...”.

Một hôm, cô gái bơ phờ tìm đến một trạm thu dung để kiếm một bữa ăn miễn phí. Cô ta uể oải xếp hàng chờ đến lượt mình. Chợt cô liếc mắt nhìn lên và thoáng thấy hình ảnh mẹ mình ở bảng cáo thị. Cô vội tách ra khỏi hàng, tiến sát đến bảng cáo thị để nhìn cho rõ. Trời ơi, đúng là mẹ mình rồi. Đọc dòng chữ mẹ nhắn nhủ trên bảng mà cô ngậm ngùi rơi nước mắt.

Lúc đó, trời đã nhá nhem tối nhưng cô gái quyết tâm tìm bằng được đường để trở về nhà ngay theo địa chỉ bà mẹ đã chỉ dẫn. Đến quá nửa đêm, cô mới về tới nhà. Cô đứng ngoài cửa, trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu: Có nên gọi mẹ không nhỉ?

Cô cứ đắn đo mãi. Cuối cùng, cô mới đặt nhẹ tay vào cánh cửa thì đã thấy nó hé mở. Kỳ quá, thế ra cửa không khóa à? Kẻ trộm lần mò vào thì tính sao? Hay là đã có một tên trộm lẻn vào rồi. Cô thận trọng mở cánh cửa bước vào. Trong phòng rất yên tĩnh. Cô thấy mẹ già đang nằm ngủ trên giường. Cô vội ôm lấy mẹ, nức nở khóc: Mẹ yêu quý ơi! Con gái mẹ đã về đây.

Bà mẹ giật mình tỉnh giấc. Bà không dám tin vào mắt mình nữa. Đúng là con gái mình đây rồi. Khi đó, hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, cùng rơi lệ. Rồi nhớ ra điều vừa suy nghĩ, cô gái vội hỏi:

- Sao mẹ không khóa cửa, con cứ tưởng đã có kẻ trộm vào nhà mình.

Nghe con gái hỏi vậy, bà mẹ ôn tồn trả lời rằng: Từ ngày con bỏ nhà ra đi cho đến nay, đêm đêm mẹ đều không bao giờ khóa cửa. Mẹ vẫn đợi con về mà.

Lời bàn:

Nội dung của giai thoại trên đây hoàn toàn phù hợp với nội dung trong câu ca dao của người Việt Nam xưa: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. Đồng thời, nó hoàn toàn đúng với lời trong bài hát “Lòng mẹ”: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình...”. Hơn nữa, người Việt Nam còn có câu thành ngữ: “Hổ dữ đến mấy cũng không bao giờ ăn thịt con”. Và chỉ với từng ấy đã là quá đủ để nói về tấm lòng bao la của người mẹ đối với những đứa con do chính mình rứt ruột sinh ra. Chính vì thế, nếu ai đã từng có con mà không biết hiếu kính với bậc sinh thành thì kẻ đó không còn xứng làm người nữa chứ nói gì đến làm cha, làm mẹ?

Vẫn biết đạo lý ở đời là vậy. Thế nhưng thực tế cuộc sống không phải ai cũng hiểu và làm theo cái đạo lý đơn giản ấy. Bởi thế cho nên mới có người khi cha mẹ còn sống thì chẳng bao giờ đoái hoài tới. Thậm chí có kẻ còn nhẫn tâm đẩy cha mẹ ra đường hoặc anh em phân công nhau nuôi hai người mà tất cả họ gọi là cha, mẹ. Nhưng khi cha mẹ chết thì họ lại cố tình tranh nhau để được đưa về nhà làm đám ma thật lớn, cúng giỗ thật to rồi gửi thiệp mời khắp nơi... Tất cả những việc đó chẳng qua cũng chỉ là trả nợ miệng cho những người đang sống, chứ người chết rồi thì cỗ to đến mấy cũng vô nghĩa... và thực chất đó là việc làm lấy “vải màn che mắt thánh”. Ai có tâm, có đức hiếu thảo... thiên hạ biết cả đấy và họ có muốn nói ra hay không mà thôi.

N.V

  • Từ khóa
109385

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu