Thứ 2, 20/05/2024 05:19:36 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:35, 17/09/2012 GMT+7

Nhà ngoại giao biệt tài

Thứ 2, 17/09/2012 | 10:35:00 170 lượt xem

Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, vào đời vua Nhân Tông trị vì, sứ thần nước Sách Mã Tích (tên cổ của Singapore) sang cống, nhưng triều đình không tìm được người phiên dịch. Mãi sau có người nói và nhà vua cho mời Trần Nhật Duật đến và ông dịch được. Sau đó, có người hỏi ông vì sao biết được tiếng nước họ. Ông trả lời:

- Thời vua Thái Tông (tức Trần Cảnh), sứ nước ấy sang, nhân có giao du với họ, nên hiểu được đôi chút tiếng nước họ.

Vua Trần Nhân Tông từng nói về Nhật Duật:

- Chú Chiêu Văn có lẽ là kiếp sau của người phiên lạc, nên giỏi tiếng các nước đó (Trần Nhật Duật là con vua Trần Thái Tông và là em của vua Trần Thánh Tông, nên vua Trần Nhân Tông gọi là chú).

Theo thông lệ, khi sứ nhà Nguyên sang thì triều đình phải sai người biết tiếng để phiên dịch, tể tướng không thể là người trực tiếp nói chuyện với họ, sợ có sai sót gì thì còn có cớ đổ lỗi cho người phiên dịch. Nhưng tể tướng Trần Nhật Duật thì không làm như thế, khi tiếp sứ nhà Nguyên ông thường nói chuyện thẳng với họ mà không mượn người phiên dịch. Đến khi sứ về nơi nghỉ thì dắt tay cùng vào, ngồi uống rượu vui vẻ như bạn vẫn quen biết. Sứ Nguyên hỏi ông:

- Ông là người vùng Chân Định (tên một huyện ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) đến làm quan ở đây chứ gì?

Nghe hỏi vậy, Trần Nhật Duật ra sức bác lại, nhưng họ vẫn không tin vì ông nói tiếng của họ quá giỏi.

Trần Nhật Duật vẫn thường hay qua nhà của Trần Đạo Chiêu là người Tống. Hai người ngồi bên nhau nói chuyện phiếm hàng giờ không mỏi. Vua Anh Tông biết chuyện, bảo Nhật Duật:

- Tổ phụ (Anh Tông gọi Duật là tổ phụ tức là ông) là tể tướng, Đạo Chiêu tuy là người Tống nhưng đã có hàn lâm phụng chỉ, há nên ngồi nói chuyện với hắn?

Nhật Duật thích chơi với người nước ngoài, thường cưỡi voi đến chơi thôn Bà Già (khi vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành có bắt được người Chiêm Thành và cho ở đấy) có khi ba, bốn ngày mới trở về nhà. Ông cũng lại hay đến thăm chùa Tường Phù, nói chuyện với nhà sư người Tống, ở lại đến hôm sau. Người nước ngoài đến kinh sư, thường kéo đến nhà ông. Nếu là khách nhà Tống thì ông kéo ghế ngồi gần, chuyện trò suốt buổi; nếu là người Chiêm hay người Man khác thì đều theo phong tục nước họ mà tiếp đãi.

Theo sử cũ, Trần Nhật Duật là người thông sử sách, hâm mộ đạo giáo, nổi tiếng đương thời là người uyên bác. Khi vua Trần Anh Tông muốn tôn Tuyên Từ hoàng thái hậu lên một bậc nữa nhưng không biết gia tôn thế nào. Khâm Từ hoàng thái hậu đem việc ấy hỏi Trần Nhật Duật. Ông trả lời:

- Tôn làm Thái hoàng thái hậu.

Và cũng bắt đầu từ đó, chức thái hoàng thái hậu được chính thức ghi chép trong lịch sử phong kiến của nước nhà.

Vua Trần Anh Tông có hai chiếc mũ võ là mũ đội khi duyệt và giảng võ mà chưa có tên gọi. Khi đi đánh Chiêm Thành định đội, bèn sai ông đặt tên. Trần Nhật Duật liền đặt tên một chiếc là Uy Vũ, một chiếc là Uy Đức. Nhà học của các hoàng tử là Tư thiện đường; nhà học của Đông cung thái tử là Toát trai cũng đều do Nhật Duật đặt tên cả.

Những tiết tấu âm nhạc, khúc điệu múa hát thời nhà Trần cũng phần lớn do ông sáng tác. Trong nhà ông vẫn thường ngày mở cuộc hát xướng, làm trò vui mà không ai chê là say đắm.

Lời bàn:

Trần Nhật Duật là bậc thân vương tôn quý của nhà Trần ở thế kỷ XIII - một triều đại hưng thịnh và oai hùng vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ông là con thứ 16 của vua Trần Thái Tông và hoàng hậu Thuận Thiên, em trai vua Trần Thánh Tông và Thượng tướng - Thái sư Trần Quang Khải. Từ thuở niên thiếu, Trần Nhật Duật đã nổi tiếng là ông hoàng hiếu học và sớm bộc lộ thiên tài. Ông làm quan trải bốn triều vua: Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông; ba lần coi giữ trấn lớn là Đà Giang, Tuyên Quang và Thanh Hóa. Ông từng được phong tước Chiêu Văn Vương, Nhập nội kiểm hiệu Thái úy, Bình chương sự, Đô nguyên súy, Thượng trụ quốc, Khai quốc vương, Tả thánh thái sư.

Tài năng của Trần Nhật Duật trải rộng trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, quân sự, ngoại giao... và thông thạo ngôn ngữ, phong tục tập quán của các tộc người thiểu số và nước ngoài. Ông cũng rất giỏi về âm nhạc và thường tự mình sáng tác các bản nhạc, trong đó có không ít bài có lời bằng chữ Nôm. Tuy nhiên, tài năng nổi bật nhất, cống hiến lớn nhất của Trần Nhật Duật là lĩnh vực quân sự. Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1288), Trần Nhật Duật thật sự là một danh tướng kiệt xuất. Với những cống hiến của mình cho lịch sử dân tộc, tên tuổi cùng với sự nghiệp của Trần Nhật Duật mãi mãi tồn tại và tỏa sáng. Và điều quan trọng là hậu thế ngày nay sống như thế nào để không phải hổ thẹn với tổ tiên mình.

ĐT

  • Từ khóa
109379

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu