Thứ 2, 20/05/2024 07:47:32 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 14:53, 28/03/2012 GMT+7

Hậu sinh khả úy

Thứ 4, 28/03/2012 | 14:53:00 189 lượt xem

Chuyện xưa kể lại rằng, khi vừa mới lên tỉnh học được ít lâu, vào một buổi chiều đẹp trời, cậu nho sinh Củng (Nguyễn Công Trứ) lang thang dạo phố thì bỗng gặp một đoàn xe ngựa của quan Tuần phủ đi tuần, dù lọng nghênh ngang, tiền hô hậu hoán. Đang lớ ngớ không biết đường tránh, cậu vô tình cản đường đoàn người ngựa và bị toán lính hầu bắt tới trình quan về tội vô lễ. Cậu trò vừa bị giải đến nơi, đã nghe quan quát hỏi: Sao cậu dám thất lễ với bản quan?

- Bẩm quan lớn, tiểu sinh nguyên học ở trường làng vừa mới lên tỉnh chưa biết rõ các nghi lễ nên mới vô tình vô lễ, xin quan lớn dung thứ.

- À, nếu cậu đúng là sĩ tử trường Đốc học, bản quan sẽ ra một vế đối, cậu đối hay thì được tha, bằng không sẽ bị giam về tội “phạm thượng”!

Nói rồi viên quan liền đọc: Khách khoa bảng, khách văn chương, giữa quan khách, khách lại gặp khách.

Nho Củng ứng khẩu đối ngay: Ai anh hùng, ai hào kiệt, trong trần ai, ai dễ biết ai!

Quan Tuần phủ nghe xong hết lời khen cậu là kẻ thiếu niên mà chí khí lớn lao, nên chẳng những tha lỗi cho mà còn thưởng thêm một quan tiền đồng (bằng sáu quan tiền kẽm). Nói rồi ông quay sang nói với các vị đồng hành: Quả là Khả úy đoan đoan đích hậu sinh.

Đây vốn là một câu cổ thi và có nghĩa là: Kẻ hậu sinh này rất đáng sợ.

Không chỉ làm thơ để tạ lỗi, cậu Củng còn có nhiều lần làm thơ cảm ơn những người đã giúp mình bất cứ việc gì. Chuyện kể rằng vào một ngày trời nắng chang chang, vì có việc phải đi qua ngọn đèo toàn đá, mà đôi chân hàn sĩ Trứ lại không có giày. Vừa may có hai cô gái gánh giày đi cùng đường thương tình cho mượn tạm đôi giày để đi. Khi đã qua đèo an toàn, chàng học trò Trứ liền cởi giày, hai tay nâng lên ngang mày trả cho hai cô và xin phép đọc bài thơ “Cây nhà lá vườn” gọi là cảm ơn:

Lật đật qua đèo nóng nực thay,
Hai cô thương đến lại cho giày.
Ơn này biết lấy chi mà giả,
Xin quỳ hai gối, chống hai tay!

Chàng học trò hiền lành vừa xong câu cuối, hai cô hàng giày mặt đã đỏ nhừ như say nắng và... ù té chạy!

Không những thế, Nguyễn Công Trứ còn làm thơ để khuyên giải người đời. Có giai thoại kể lại rằng, có chị nhà quê mất mấn. Chị ta đã ròng rã đứng chửi đã hai ngày liền, chị ta dọa sẽ chửi đủ tám ngày nữa mới thôi làm mọi người xung quanh xanh mắt. Đầu xứ Trứ nghe chuyện vừa thương vừa buồn cười, liền làm một bài thơ Nôm khuyên chị ta như sau:

Thằng cha con bợm thật gớm ghê!
Trộm mấn bà đi đã độc hề!
Những chắc ra đi còn có bận,
Nào hay mất trộm lấy chi che?
Thương thay lạnh lẽo ba mùa rét,
Tội nhỉ trần truồng một nố tê
Của mất, người còn, còn có của,
Thôi thôi đừng chửi, xóm làng chê!
Sau khi nghe bài thơ của Đầu xứ Trứ, chị ta liền thôi không chửi nữa.

Lời bàn:

Trong ba giai thoại trên, với vế đối ở giai thoại thứ nhất đã cho chúng ta thấy khí phách của một kẻ sĩ trong con người Nguyễn Công Trứ, mặc dù khi đó ông mới chỉ là một nho sinh. Tuy là vế đối nhưng qua đó nho sinh Củng đã đặt ra một câu và đồng thời cũng là câu trả lời cho viên quan tuần phủ hống hách rằng “Chưa chắc ai hơn ai”. Còn ở giai thoại thứ hai, với bài thơ cảm ơn của Đầu xứ Trứ, xin đừng ai bảo đó là tục, mà đó là tấm lòng chân thật đến ngông nghênh của ông. Và ở giai thoại thứ ba thì quả là cái ngoa ngoắt của người phụ nữ, trong giai thoại này đã làm cho Nguyễn Công Trứ không lên tiếng không được. Và ở đây ta thấy sự góp ý, cách khuyên bảo của ông với người dân quê rất tế nhị nhưng vô cùng thâm thúy. Và chính điều này đã giúp cho người đời bớt thói chanh chua.

Từ nội dung của những giai thoại trên cho thấy, ở Nguyễn Công Trứ có sự nhất quán giữa con người trong mối quan hệ với cộng đồng và con người trong mối quan hệ với bản thân; giữa ý thức về trách nhiệm của bản thân và ý thức về trách nhiệm với cộng đồng. Chính vì thế mà sau gần 155 năm ngày Nguyễn Công Trứ đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hậu thế vẫn còn tưởng nhớ và tôn vinh cuộc đời cũng như sự nghiệp cao cả của ông.

Kim Ngọc

  • Từ khóa
109360

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu