Thứ 2, 20/05/2024 06:55:06 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 10:44, 23/03/2012 GMT+7

Miệng làm hại thân

Thứ 6, 23/03/2012 | 10:44:00 146 lượt xem

Bởi lập được nhiều công lao to lớn, nên Lê Chất luôn được các vua triều Nguyễn trọng thưởng. Tuy nhiên, vinh nhục trong cuộc đời của mỗi con người vốn chẳng cách xa nhau là mấy. Và với Lê Chất điều này càng rõ hơn, bởi cứ mỗi lần được trọng thưởng là một lần Lê Chất bị đồng liêu kèn cựa hoặc gièm pha, nên với Lê Chất trong suốt quãng đời về với nhà Nguyễn là một chuỗi vui buồn lẫn lộn thật khó mà nói cho hết được.

Trong sách “Đại Nam chính biên liệt truyện” phần sơ tập có đoạn dẫn chuyện vinh nhục của Lê Chất như sau: Năm Gia Long thứ nhất - 1802, khi vua Gia Long đem đại quân đi đánh Bắc thành đã thăng Lê Chất làm Khâm sai chưởng hậu quân, với cờ hiệu Bình Tây tướng quân. Cùng đi lần này có Lê Văn Duyệt dẫn bộ binh tiến lên trước. Khi quân của triều đình đến đồn Tiên Lý ở dinh Vĩnh Định, gặp giặc là đánh tan, thừa thắng tiến mãi với thế như chẻ tre. Bắc Hà bình định xong, tin thắng lợi báo về, vua ban thưởng rất hậu. Lê Chất được phong tước Quận công và được mang ấn Bình Tây Tướng quân.

Khi các tướng cùng hộ giá về kinh, Đặng Trần Thường có nói riêng với một số người rằng: Lê Chất mà là Bình Tây Tướng quân thì ai bình Lê Chất? Lê Chất mà Quận công thì lũ ta phải mười lần Quận công.

Lê Chất nghe được lời ấy và tự thấy không yên lòng, bèn dâng vua tờ biểu, với nội dung đại lược nói rằng: Thần vốn là kẻ bất tài lại mới quy phụ, nếu ví với các quan thì họ hơn đến vạn phần gian nan mà thần thì chưa được một. Thần đã được phong đến tước Quận công lại còn được làm Chưởng Hậu quân, như thế là lạm ở hàng cao quý, xét không thể đảm đương được. Vậy xin cho thần được xuống hàng Đô thống chế cho ngang với các quan khác.

Vua đem tờ biểu ấy cho triều thần bàn định. Triều thần bàn định rằng, phong tước là để đền đáp công lao, cũ mới nào có khác nhau gì, những lời đàm tiếu ở ngoài chẳng có gì đáng kể cả. Sau đó, nhà vua xuống dụ sai Lê Chất giữ chức tước như đã phong, lại cho mẹ của Lê Chất mỗi tháng 40 phương gạo.

Năm Gia Long thứ hai 1803, vua sai xây dựng kinh thành Huế, các quan gồm: Lê Chất cùng Nguyễn Văn Khiêm, Phạm Văn Nhân được giao việc đốc suất. Đến tháng 8 năm 1803, vua đi Bắc tuần, Lê Chất cùng với Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Đức Xuyên đem quân bản hộ theo hầu. Khi đến Thanh Hoa thì được tin ở Quảng Yên có giặc biển, quan Tổng trấn Bắc thành là Nguyễn Văn Thành đem việc ấy tâu lên, vua liền sai Lê Chất và Nguyễn Văn Trương đem quân tiến lên trước để đánh giặc. Lê Chất nói với Nguyễn Văn Trương:

- Nơi nào có giặc thì quan lại ở nơi đó phải đánh. Nay, các quan Bắc thành đem giặc cho ta đánh, tướng quân sao không nói rõ chuyện này?

Nguyễn Văn Trương nói: Đợi đến xong việc rồi nói cũng không muộn gì.

Khi Nguyễn Văn Trương đến Quảng Yên thì giặc sợ mà chạy, bèn về uống rượu với Nguyễn Văn Thành và đem lời Lê Chất nói lại cho Nguyễn Văn Thành hay. Từ đó, Nguyễn Văn Thành để bụng giận Lê Chất.

Lời bàn:

Cứ theo nội dung của giai thoại trên, thì vì bất đắc dĩ nên Lê Chất mới phải đầu quân về với Nguyễn Ánh. Sau khi được phong chức và trước lời đàm tiếu của đồng liêu, Lê Chất đã có sớ xin nhà vua phong chức thấp hơn để được ngang hàng với các triều thần khác. Điều ấy cứ cho là Lê Chất thật lòng, nhưng sau đó vua Gia Long đã đem sự việc ra bàn thì trong triều đình lại chẳng ai nói gì. Chẳng những thế, ngay cả Đặng Trần Thường là người có ý kiến phản đối về việc thăng chức cho Lê Chất trước đó cũng không phản đối gì, mà ngược lại còn cùng với các quan trong triều ủng hộ và cho rằng việc phong chức của Lê Chất là phải, là việc nên làm.

Thế mới hay rằng, chốn quan trường thì thời nào và ở đâu cũng vậy, nơi nào có vua sáng thì ở đó ắt có tôi hiền và ngược lại. Nếu trên mà không công bằng, minh bạch thì ở dưới ắt có không ít kẻ so bì, ganh tỵ. Điều đáng lo ngại nhất là chính những kẻ ích kỷ, hẹp hòi bao giờ cũng là mầm mống, là nguyên nhân của sự bất ổn. Và vẫn biết rằng “miệng sẽ làm hại thân”, nhưng hậu thế xin đừng ai quên điều này.

Gia Bảo

  • Từ khóa
109359

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu