Thứ 2, 20/05/2024 08:58:19 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 30/01/2012 GMT+7

Tuổi nhỏ tài cao

Thứ 2, 30/01/2012 | 00:00:00 427 lượt xem

Theo sách: “Truyện kể về những giai thoại của Nguyễn Công Trứ”, vào buổi sáng của một ngày đẹp trời, ông thầy đồ ở làng Uy Viễn đến thăm nhà của cậu học trò Củng (tên của Nguyễn Công Trứ khi còn nhỏ). Khi thầy giáo cùng với thân phụ của cậu Củng ngồi đàm đạo chuyện học, chuyện đời và lâu lâu hai người lại kéo thuốc lào rồi thả khói từng đám bay ra như mây.

Lúc đó, cậu bé Củng được phép đứng bên hầu thầy và cha để hóng chuyện. Chợt thấy cha đưa tay vê vê điếu thuốc nạp vào nõ điếu, cậu Củng vội vàng đốt đóm đưa lên. Cụ Đức Ngạn Hầu rít một hơi dài khoan khoái, rồi nhả khói bay ra thành luồng như một con rồng uốn khúc. Cúi mình đón cái điếu cày từ tay cha, bất ngờ cậu bé Củng ứng khẩu đọc luôn hai câu thơ rằng:

Nín hơi, biển động ba tầng sóng/ Há miệng, rồng bay chín khúc mây.

Ngay lúc đó, ông thầy dạy học của cậu Củng không nín được, liền đưa tay vỗ đùi khen hay. Cha của Củng cũng tròn mắt nhìn, vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ. Như được động viên, Củng sung sướng đọc tiếp:

Ba tầng sóng dội vang trời bể/ Năm sắc mây bay thấp thoáng trời.

Thấy trò Củng đọc bốn câu thơ xuất thần đó, ông thầy đắc ý lắm, gọi cậu đến gần rồi đưa tay xoa đầu khen ngợi rồi nói với cụ thân sinh của cậu rằng:

- Tôi tin sau này trò Củng sẽ có một tương lai phong vân đắc lộ, sự nghiệp kinh nhân, tôi rất hãnh diện có một môn sinh như Củng. Nhưng ở đây trường tư nhỏ bé, trình độ các học sinh còn thấp kém nhiều so với Củng. Nếu cháu Củng còn lưu học ở đây, thì tôi e sẽ không đủ chữ nghĩa cho cháu học. Như vậy chẳng phải là sẽ làm uổng phí thì giờ của Củng hay sao.

Ngừng một lúc để hút xong điếu thuốc lào, ông thầy đồ lại nói tiếp: Vậy nên tôi khuyên ngài hãy cho cháu Củng xin lên trường quan Đốc trên tỉnh theo đòi bút nghiên để chóng thành tài...

Nghe theo lời khuyên của ông thầy đồ trong làng, cha của cậu Củng đã đưa con lên tỉnh để tiếp tục con đường bút nghiên. Trước ngày lên đường đi học với thầy khác ở trên tỉnh, cậu bé Củng đến dâng thầy học cũ của mình đôi câu đối để tạ ơn:

Tuy tôn sư chi giáo trạch vô cùng, hà cảm xá cận nhi cầu viễn;
Nhi quốc gia chi học quy hữu định, tương sử tự hạ tiệm thăng cao.
Đôi câu đối trên có nghĩa là:
Tuy ơn giáo dục của tôn sư vô cùng, đâu dám bỏ nơi gần mà đi tìm nơi xa;
Nhưng phép học hành của quốc gia có định, nên phải từ chỗ thấp mà bước lên chỗ cao.

Thế là “túi đàn, cặp sách đề huề”, trò Củng rời đất Nghi Xuân lên đường vào thành Hà Tĩnh học. Lúc này cậu Củng đã 15 tuổi và trở thành Nho sinh trường Đốc học của tỉnh.

Lời bàn:

Với bốn câu thơ ứng khẩu trong giai thoại trên cho chúng ta thấy, tuy còn nhỏ tuổi song ở Nguyễn Công Trứ đã thể hiện rõ tài năng và khí phách của một bậc trượng phu, của một danh tướng tài ba. Vì thế, ngay từ thuở còn hàn vi, Nguyễn Công Trứ đã nuôi lý tưởng giúp đời, lập công danh, sự nghiệp: “Đã mang tiếng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông”. Và cái chí nam nhi của ông xuất phát từ sự trải nghiệm sâu sắc đời sống lam lũ, khổ nghèo của người nông dân, chứ không đơn thuần là một phút cao hứng trong thư phòng lộng lẫy của vương công quý tộc. Chính vì thế Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ đối lập, tách rời giữa lý tưởng “trí quân” và “trạch dân”. Với ông hai mục tiêu ấy tuy hai mà một, cái này là điều kiện của cái kia, hỗ trợ cho cái kia. Là người học rộng, Nguyễn Công Trứ có một cái nhìn quán thông kim cổ để nhận xét thời thế, hiểu rõ quốc sự, dân tình.

Và với tư cách một nhà thơ, điều đặc biệt ở Nguyễn Công Trứ là dù xét ông ở tư cách nào, người ta cũng bắt gặp ở ông có một điểm chung nhất, đó là thái độ ngông ngạo với cuộc đời. Có lần nghe chuyện về ông, vua Minh Mạng đã gọi ông là thằng cuồng. Với lời nhận xét ấy Nguyễn Công Trứ, thì chính vua Minh Mạng đã cố tình quên mất rằng đằng sau ông có hơn nửa đời sống trong cảnh nghèo nàn của một bạch diện thư sinh. Mong rằng hậu thế đừng ai mắc phải sai lầm của vua Minh Mạng. Và khi nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ cần có cái nhìn trung thực, công tâm hơn.

Gia Bảo

  • Từ khóa
109351

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu