Thứ 2, 20/05/2024 06:03:56 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 16/12/2011 GMT+7

Nổi danh với nghề

Thứ 6, 16/12/2011 | 00:00:00 138 lượt xem

Theo sử cũ của Trung Quốc, Diệp Quế có tên chữ là Thiên Sĩ, hiệu Hương Nham, người vùng Tô Châu, huyện Ngô, là y gia trứ danh đời Thanh. Ông là người đặt nền móng cho phái ôn nhiệt học. Tổ phụ của ông là Diệp Thời (tự Tử Phàm) là người thông y lý, tinh chuyên khoa tiểu nhi, trị bệnh trẻ con không quản gian khó nên đã cứu sống rất nhiều người và nổi danh một vùng đất Ngô. Cha ông là Diệp Triều Thái (tự Dưng Sinh), tinh y thuật, khinh tài, thường hay làm việc thiện, người các địa phương trong vùng huyện Ngô đến xin trị liệu ngày đêm không dứt. Diệp Quế từ nhỏ đã thông mẫn hơn người, đọc sách qua mắt rồi là không quên. Ban ngày theo thầy học thư kinh, ban đêm học nghề thuốc với cha. Các sách y do các danh gia Hán, Đường, Tống ông đều xem qua là nhớ. Điều bất hạnh là ông mồ côi cha khi 14 tuổi.

Tuổi trẻ mồ côi lại nghèo và để sinh sống, ông chỉ còn cách một mặt hành nghề xem mạch chẩn trị, một mặt bái sư họ Chu vốn là đồ đệ của cha để tiếp tục học y. Người họ Chu đem toàn bộ sở học của thầy Diệp truyền lại cho con thầy. Thiên Sĩ hết lòng nghe dạy, nghe đến đâu hiểu ngay đến đó, thông thuộc rất nhanh, có chỗ tâm đắc còn hơn cả thầy. Nhưng ông không hề tự mãn, nghe ai có sở trường nào về trị liệu thì tìm cách bái sư học thêm. Làm như thế trong thời gian từ 14 đến 19 tuổi, ông đã theo học ở 17 vị danh y. Nhờ đó mà ông học được những cái hay của nhiều người. Ông chẩn đoán giỏi, lúc xem bệnh bắt mạch, xem thần sắc con bệnh, nghe giọng nói, quan sát hình tướng, cho nên khi trị bệnh, ông không cố chấp thành kiến và đã trị được nhiều bệnh lạ, được người ta khen là y học đại gia. Ông nổi tiếng trong triều ngoài nội, trên từ nhà quyền quý, dưới đến bình dân bách tính, gần xa trong ngoài tỉnh, ít có người không biết tiếng ông.

Sự cống hiến cực lớn của ông cho nền y học Trung Quốc là ông đã sáng lập học phái ôn bệnh. Ông đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân, nhận thấy các sách y học kinh điển của Trung Quốc tuy có tên là ôn bệnh nhưng không rõ ràng phép trị liệu, lại thiếu sót lý luận và thực tiễn không có hệ thống. Ông bèn tiến hành nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng ôn bệnh, trải qua thời gian tìm tòi, bàn thảo không nghỉ, cuối cùng ông đã có nhận thức mới đối với quy luật phát sinh, phát triển của ôn bệnh và cách điều trị. Hơn hai trăm năm nay, có nhiều người kế tục hoàn thiện học thuyết của ông, học phái ôn bệnh do đó mà hình thành và ông đã được tôn là tổ sư của học phái ôn bệnh.

Ông trọn đời bận lo nhiệm vụ chẩn trị bệnh, đem kinh nghiệm của mình tùy lúc truyền cho đồ đệ. Hiện còn các sách “Ôn Nhiệt Luận” và “Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án” đều là do đồ đệ của ông là Cố Cảnh Văn, Hoa Tụ Vân đem kinh nghiệm trị liệu và học thuyết của ông tập hợp chép ra thành sách. Ông mất năm 1749, hưởng thọ 79 tuổi. Lúc lâm chung, ông di chúc cho con và các đệ tử với lời dặn đi dặn lại rằng: Nghề y nên làm, mà cũng chẳng nên làm. Đầu óc sáng suốt, thiên tư thông mẫn, đọc nhiều sách, sau đó khả dĩ cứu đời; bằng không, ít có ai không giết người vì bánh thuốc cũng như đao kiếm vậy. Ta chết, con cháu thận trọng, chớ xem nhẹ y đạo...

Lời bàn:

Không phải đợi đến khi ông mất, mà ngay khi ông còn tại thế, người đương thời đã có lời ca tụng ông như sau: “Danh y danh ngôn, ngữ trọng tâm trương”. Ý nghĩa của câu này nói rõ rằng sự nghiệp y học là một sự nghiệp cao thượng, là sự nghiệp cứu người giúp đời, đồng thời nó cũng phản ánh đầy đủ thái độ nghiêm túc của Diệp Thiên Sĩ đối với nghề y. Và với bất kỳ ai đã sinh ra trên cõi đời này thì cũng chỉ cần có được một lời như thế của người đương thời đã là quá đủ.

Hậu thế thời nay có rất nhiều người cũng tâm huyết với nghề, họ sẵn sàng cứu người giúp đời mà chẳng ngại khó khăn, gian khổ và cũng không nghĩ tới việc người được cứu giúp phải mang ơn mình. Thế nhưng bên cạnh đó cũng có không ít người chẳng những xem thường y đức mà còn thờ ơ với trách nhiệm của mình. Bởi thế cho nên cháu Nguyễn Thị Tường Vy, ngụ tại ấp 2, xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau bị viêm phổi thông thường và mặc dù cha mẹ đưa cháu đến bệnh viện hai lần nhưng không được nhập viện để cứu chữa kịp thời nên cháu đã tử vong. Sự tắc trách của những thầy thuốc ở Bệnh viện Đa khoa huyện U Minh đã cướp đi sinh mạng của một cháu bé. Vì thế cho nên có người đã nói rằng: Nếu như không phải vì nghèo, mà cha mẹ cháu Tường Vy có bao thư lót tay cho các thầy thuốc ở đây thì con của họ đã không phải chết oan. Không biết đến bao giờ “Lương y mới như từ mẫu”? 

                                                                    
Kim Ngọc

  • Từ khóa
109349

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu