Thứ 2, 20/05/2024 08:38:55 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 04/11/2011 GMT+7

Chữ tài liền với...…

Thứ 6, 04/11/2011 | 00:00:00 67 lượt xem

Theo sử sách của Trung Quốc, Biển Thước có tên thật là Tần Việt Nhân. Ông là người ở vùng Châu Mạc, huyện Bột, nước Tề và sinh ra, lớn lên vào đầu thời Chiến Quốc. Lúc thiếu thời, ông từng làm Xá trưởng (quản lý nhà nghỉ - khách điếm) và là người sống nhiệt tình, siêng năng, hiếu học.

Khi ấy, có một thầy thuốc tài giỏi tên là Trương Tang Quân thường đến ở trọ trong nhà nghỉ do ông quản lý và được Biển Thước phục vụ chu đáo. Vì thấy Biển Thước có lòng bái sư cầu học, nên Trương Tang Quân chịu khó truyền dạy nhiều kỹ thuật trị bệnh, đặc biệt là phép xem mạch. Biển Thước dần dần học được y thuật cao siêu và nhanh chóng nổi tiếng hơn cả thầy dạy của mình.

Sau khi trở thành thầy thuốc nổi tiếng khắp vùng, Biển Thước thường xuyên đi chu du các nước để trị bệnh cho dân chúng. Ông kết hợp kinh nghiệm thực tiễn của bản thân với kinh nghiệm của người xưa và tìm ra phương pháp chẩn đoán đặc sắc và độc đáo của riêng mình là: vọng, văn, vấn, thiết (xem, nghe, hỏi, bắt mạch). Đến ngày nay phương pháp này vẫn còn được các thầy thuốc đông y dùng. Theo truyền thuyết, Biển Thước trị bệnh cho người ta, hễ uống thuốc của ông vào thì bệnh khỏi, vì thế ông được vang danh khắp các nước. Người nước Triệu bèn lấy tên danh y thời Hoàng Đế xưa là Biển Thước để đặt danh hiệu cho ông và ông có tên Biển Thước từ đó.

Có một lần, Biển Thước đến nước Tề và được gặp Tề Hoàn Hầu. Dùng phép vọng chẩn (xem sắc mặt) và ông biết được Tề Hoàn Hầu mắc bệnh. Sau đó, ông đã khuyên nên điều trị sớm và nói:

- Bây giờ, bệnh của ngài không nặng chỉ ở ngoài da trị mau khỏi lắm.

Nhưng Tề Hoàn Hầu không tin. Vài ngày sau Biển Thước thấy bệnh của Tề Hoàn Hầu phát triển nhanh bèn báo động cho Tề Hoàn Hầu rằng:

- Bệnh của ngài đã vào huyết mạch, nếu không trị e sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tề Hoàn Hầu khinh thường vẫn không chịu điều trị. Sau đó vài ngày Biển Thước vẫn dùng phép vọng chẩn rồi nói:

- Bệnh của ngài đã xâm nhập vào bộ tiêu hóa, nếu không uống thuốc sẽ tiếp tục nặng thêm lên.

Thế nhưng Tề Hoàn Hầu vẫn không tin lời khuyến cáo của Biển Thước và nhất định không để cho Biển Thước trị bệnh.

Sau mười ngày, Biển Thước lại nhìn Tề Hoàn Hầu, nhưng lần này ông chẳng những không nói lời nào mà bỏ đi. Tề Hoàn Hầu lấy làm lạ và sai người đuổi theo hạch hỏi. Biển Thước nói:

- Bệnh tình của Tề Hoàn Hầu nay đã nặng đến độ không còn dùng thuốc được nữa, cho nên tôi không khuyến cáo nữa.

Quả nhiên sau đó không lâu, Tề Hoàn Hầu phát bệnh rồi sai người đi mời Biển Thước thì Biển Thước đã rời nước Tề rồi.

Một lần khác, khi Biển Thước đến nước Quắc hành nghề, thì đúng lúc gặp dân đang lo tang sự cho thái tử. Sau khi hỏi thăm rành rẽ, Biển Thước biết rằng thái tử chết vì bạo bệnh mới nửa ngày, còn chưa liệm. Biển Thước căn cứ bệnh trạng suy đoán rằng thái tử có thể mắc chứng thi nghịch, không phải chết thật, liền châm một kim vào huyệt bách hội trên đỉnh đầu. Một lát sau, thái tử dần dần tỉnh lại. Biển Thước tiếp tục kê đơn cho thái tử uống thuốc để mau bình phục. Mọi người đều cho Biển Thước là thần y.

Lời bàn:

Cứ theo sử sách của Trung Quốc thì cuộc đời và sự nghiệp của Tần Việt Nhân hay Biển Thước quả là không hề sai so với lời của cụ Nguyễn Du, rằng: “Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Vì là một danh y có kiến thức uyên thâm lại có y đức khó ai sánh bằng và lại được người đương thời thần phục gọi là thần y nên Biển Thước đã bị bọn lang băm và đám ngự y trong triều ganh ghét. Tuy đã về già, nhưng Biển Thước vẫn không thể sống nổi ở quê hương là nước Tề, mà phải đến nước Tần hành nghề. Nhưng ở nước Tần ông cũng không được yên thân, mà bị quan Thái y nước Tề là Lý Ê sai người giết hại.

Thế mới hay rằng, ở đâu và thời nào cũng có những kẻ đối kỵ và ganh ghét những người hiền tài. Nhưng đã thực sự là người có tài, có đức thì ở đâu họ cũng có thể sống được bằng năng lực và trí tuệ của mình. Không những thế họ còn được dân chúng tin yêu, kính phục và tôn vinh. Dù có thể bị sát hại, nhưng danh tiếng của họ vẫn còn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác và Biển Thước trong giai thoại trên là một minh chứng.

                                                    Gia Bảo

  • Từ khóa
109343

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu