Thứ 4, 08/05/2024 12:38:08 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 06/10/2011 GMT+7

Nặng lòng với quê hương

Thứ 5, 06/10/2011 | 00:00:00 187 lượt xem

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, Nguyễn Công Triều sinh ngày 17-10 năm Giáp Dần (1614) trong một gia đình nông dân nghèo ở làng Kẻ Sau, nay là thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Khi ông mới lên 10 tuổi, phụ mẫu đã qua đời. Vì vậy, ông đành phải nương nhờ cửa phật tại chùa Đại Bi. Với ý chí tiến thủ, tại đây, Nguyễn Công Triều đã miệt mài rèn luyện, suốt đêm ngày đèn sách và tự học thêm chữ, quyết ra Thăng Long tìm cách tiến thân.

Tuy nhà nghèo vì mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 10 tuổi, nhưng vốn có lòng kiên dũng, lại thông minh, tại đất Thăng Long, Nguyễn Công Triều đã được tuyển chọn vào đội kỵ binh. Lúc này, đất nước đang diễn ra cuộc chiến phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Anh thanh niên Nguyễn Công Triều đã phát huy tài năng, lập nhiều chiến công, được chúa Trịnh tin yêu, cho đặc tiến về cung, rồi chúa Trịnh còn tấu lên vua Lê phong cho ông nhiều chức tước quan trọng. Năm 1653, Nguyễn Công Triều đã được phong làm Đặc tiến Phụ quốc và được mời vào cung giữ chức Thái giám, sau đó là Tổng Thái giám. Trong quá trình giữ chức vụ Tổng Thái giám, ông luôn thể hiện là một người có biệt tài dùng tượng binh, lại có đức độ, thường giúp vua khuyên bảo dân cần cù, chịu khó, chăm chỉ làm ăn, đóng góp công sức xây dựng đất nước.

Qua những năm chinh chiến, Nguyễn Công Triều lại được phong nhiều chức vụ cao quý như Bắc quân Đô đốc phủ, Đề đốc trấn vũ, Tứ vệ quân vụ sự kiêm quân công, Thượng trụ quốc. Năm 1674, triều đình lại tín nhiệm cử ông đi dẹp các dư đảng của nhà Mạc thường gây rối ở vùng Sơn Tây và các vùng biên cương hiểm yếu. Ông đã giành chiến công to lớn, giúp triều đình trị quốc, an dân. Sau đó, ông đã được giao giữ chức Tổng trấn Sơn Tây, bao gồm cả vùng Đan Phượng, Hoài Đức, Từ Liêm, Vĩnh Phú đến tận Hưng Hóa. Trong thời gian giữ chức Tổng trấn Sơn Tây, ông đã cử người về quê nhà để thực hiện ý nguyện khi ra đi “nếu thành đạt sẽ trở về xây dựng quê hương”. Khi đó, Nguyễn Công Triều đã bàn với 2 làng Kẻ Trước và Kẻ Sau lấy tên là ấp Trung Tín (thôn Đông Lao) từ đấy.

Ông lại bỏ tiền của ra cho lập chợ mới; dùng lương bổng của mình để xây dựng hàng loạt các công trình lớn như: Chùa Linh Quang, từ đường, chùa Hưng Phúc, chùa Thọ Vực, đình làng, dựng bia, tượng... Tất cả cụm công trình này thực hiện trong suốt 18 năm mới hoàn thành. Cùng với việc xây dựng các công trình, ông còn dùng hơn 100 mẫu ruộng do vua cấp riêng cho mình chia cho nhân dân, giúp dân có đất làm ăn.

Ngoài ra, cho tận tới bây giờ, những hương ước, lệ ngạch do Nguyễn Công Triều đặt ra, được ghi rành rành trong bia đá, sách đồng vẫn còn đang được lưu giữ, bảo quản tốt, do chúng vừa hợp lòng dân, lại thể hiện được sự tiến bộ, văn minh, nhưng vẫn giữ được truyền thống dân tộc. Không những thế, người dân Hà Tây cũ vẫn còn truyền nhau câu chuyện về Nguyễn Công Triều khi xưa vốn rất quan tâm đến các làng lân cận. Chính cụ đã cho xẻ ngòi thoát nước cho làng La Phù khỏi úng lụt, tránh bệnh tật mà không phải di dời dân. Do những công lao to lớn mà đến khi viên tịch (mùa hè năm Canh Ngọ 1690, thọ 77 tuổi), Nguyễn Công Triều đã được phong 14 đạo sắc, trong đó có 4 đạo phong là Đại vương.

Lời bàn:

Theo văn bia tại đền thờ của ông ở thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, sau khi cha mẹ qua đời, Nguyễn Công Triều lúc đó mới có 10 tuổi phải ra nương nhờ chùa Đại Bi. Năm 18 tuổi, Nguyễn Công Triều ra kinh đô Thăng Long làm lính dạy voi, rồi làm hoạn quan. Từ một người lính huấn luyện voi chiến, có tài dùng tượng binh, ông trở thành một vị tướng lập được nhiều công trong việc đánh giặc ở phương Bắc, dẹp các cuộc nổi loạn ở Tuyên Quang, được cử giữ chức đô đốc, thiếu bảo, tước Kiên quận công. Với triều đình nhà Nguyễn, ông là một võ tướng có nhiều công lao. Đối với quê hương, ông luôn quan tâm đến đời sống của dân trong làng. Ông đã dùng tiền lương của mình để xây dựng trường học, đào giếng, mở chợ, làm đường, xây đình, chùa, đào mương dẫn nước vào ruộng... được dân làng biết ơn.

Tiếc rằng thời nay không mấy ai học và làm theo người xưa. Bởi thế cho nên mới có người cho rằng quê hương là chùm “trái” ngọt để rồi họ mặc sức quy hoạch. Tất nhiên là những vùng đất tốt, những lô mặt tiền đều phải đứng tên người nhà của họ. Lại có người cũng học đòi bắt chước cụ Nguyễn Công Triều ngày xưa, họ cũng bỏ tiền ra làm đường, xây nhà thờ họ... nhưng lại là những đồng tiền lẻ từ các dự án giao thông hoặc do nhận hối lộ, đút lót mà có. Ôi, hậu sinh thật là khả ố!

Gia Bảo

  • Từ khóa
109339

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu