Thứ 5, 09/05/2024 07:29:18 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 04/10/2011 GMT+7

Hết mình vì việc công

Thứ 3, 04/10/2011 | 00:00:00 185 lượt xem

Theo sử cũ của nhà Nguyễn còn lưu truyền tới ngày nay, danh thần Nguyễn Công Vọng, sinh năm Giáp Thân (1644), là con thứ của cụ Kiều nhạc công Huệ Quang Nguyễn Đức Trạch ở xã Vĩnh Kiều, phủ Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc, nay là thôn Vĩnh Kiều, xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.

Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học và trong một dòng họ được phong là “Tứ gia vọng tộc” vào thời ấy. Từ nhỏ, Nguyễn Công Vọng nổi tiếng là người thông minh, học giỏi. Ông đỗ giải thi Hương từ rất sớm, năm Quý Sửu (1673), niên hiệu Dương Đức thứ 2, đời vua Lê Gia Tông trị vì; đỗ Thám hoa, phò chúa Trịnh Tạc (tức Trịnh Hoàng Tổ) và được làm quan đến chức Đông các Đại học sĩ, Hộ bộ Thượng thư, tước Bá.

Nguyễn Công Vọng vốn là người có tài ngoại giao và hùng biện nên thường được triều đình liên tục cử đi sứ. Vào năm Kỷ Mùi (1679), ông đi sứ sang Trung Quốc cống khoản và tiếp kiến nhà Thanh 2 lần dưới thời vua Khang Hy năm thứ 14 và năm thứ 17. Ông còn đàm đạo với người Tàu cùng kết hợp để dẹp yên giặc Tam Khuê do Mạc Kính Quang xưng vương nổi loạn ở vùng Hoàng Châu và giữ được sự yên bình cho đất nước. Đến năm Nhâm Tuất (1682), Nguyễn Công Vọng lại được triều đình cử đi sứ thông niên (nhiều năm). Với trọng trách một sứ thần nước Việt, ông đã hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao.

Dưới thời Chiêu Tổ Khang vương Trịnh Căn (1682-1709), Nguyễn Công Vọng cũng được triệu vào triều để cùng bàn luận những việc cơ mật, việc quan trọng của quốc gia. Ông thường được thừa lệnh đặc biệt đi giải quyết công việc khó khăn ở vùng biên giới thuộc trấn Lạng Sơn và đạt kết quả, được trọng thưởng “lộc điền” ở hai ấp Tam Đảo và Hồi Quan. Thời Nam Bắc lưỡng triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, ông được cử đứng ra dàn xếp nhiều lần.

Ngoài những năm dài đi sứ, về kinh ông còn phụ trách việc thi cử, tuyển dụng nhân tài vào làm các công việc ở triều chính, đồng thời dạy học cho các con vua và các quan đại thần. Hằng ngày, Nguyễn Công Vọng luôn có mặt tại cung đường lo toan việc nước. Ông có một tấm lòng nhân từ, bao dung và thương yêu dân chúng hết mực, nhiều lần ông đã tâu lên vua “giải phóng cho cung nữ”, viết chiếu “Quân thần nghĩa” để mở lượng ân đức cho muôn dân.

Ham mê việc nước, quên việc nhà, suốt đời ông tận tụy phụng sự triều đình, thậm chí trong lúc lâm bệnh ông vẫn cố làm việc. Vua sai Thái úy trực tiếp theo dõi bệnh tình và điều trị cho ông ngay tại trong cung. Nhưng do bệnh tình quá nặng, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15 tháng 7 năm Canh Ngọ (1690), hưởng dương 47 tuổi. Sau ngày ông mất, Vua Lê đã ban “đặc chỉ” phong chức Binh bộ Thượng thư và truy tặng ông câu đối:

“Nam Bắc lưỡng triều giai đa hữu.

Vãng hậu công văn nhất nhật công”.

Câu đối ấy có nghĩa là, khi đi sứ Nguyễn Công Vọng là người đã lập nhiều công lao to lớn; khi trở về triều, ông luôn làm việc hết mình và quên cả ngày tháng.

Lời bàn:

Theo sử cũ thì vào năm Quý Sửu (1673), khi ấy tuy mới 19 tuổi nhưng Nguyễn Công Vọng đã đạt giải thi Hương và ra làm quan cho triều đình nhà Lê. Cuộc đời tuy ngắn, nhưng trong suốt 28 năm làm quan và trải nhiều chức vụ khác nhau, Nguyễn Công Vọng được đánh giá là một trong những vị quan hiếm có của triều đình nhà Lê vào thời ấy. Vì ở ông không những là một vị quan thanh liêm, chính trực, mà còn hội đủ bốn yếu tố “thanh, cần, thận, trực”. Không những thế, Nguyễn Công Vọng còn là một người dám làm, dám chịu trách nhiệm và trong bất cứ hoàn cảnh nào ông cũng là người mẫn cán đến khác thường.

Đã hơn 320 năm sau ngày ông đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng hậu thế vẫn còn tưởng nhớ và tôn vinh cuộc đời cùng sự nghiệp đáng kính của ông. Nguyễn Công Vọng quả đúng là con người “Tri mệnh thức thời duy tuấn kiệt” (Nguyễn Công Trứ), tức là: Thấy được bổn phận, thời thế là người tài giỏi. Tiếc rằng ngày nay cũng có không ít người được gọi là có học hành và cũng có chức, có quyền nhưng lúc nào cũng chỉ nghĩ tới địa vị với quyền lợi cá nhân, còn công việc và trách nhiệm thì đùn đẩy cho người khác... thật đáng hổ thẹn với tiền nhân.

Đào Trung

  • Từ khóa
109338

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu