Thứ 4, 08/05/2024 18:38:35 GMT+7
Bình Phước, 30°C/27°C - 33°C
aA

ÔN CỐ TRI TÂN 00:00, 18/07/2011 GMT+7

Thưởng phạt phân minh

Thứ 2, 18/07/2011 | 00:00:00 152 lượt xem

Quách Hữu Nghiêm sinh năm 1445 và mất năm 1504. Ông là danh sĩ đời Lê Thánh Tông và là em của Thượng thư Quách Đình Bảo, quê ở xã Phúc Khê Tiền, huyện Thanh Lan, tỉnh Thái Bình, nay là xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Vào năm Bính Tuất 1466, ông đỗ Hoàng giáp lúc 21 tuổi. Năm Canh Tuất 1490, ông làm Phó đô ngự sử, rồi thăng Đô ngự sử và từng được giao nhiệm vụ coi việc thi Đình, làm Đề điệu trông coi suốt hai khoa thi Đình năm Quý Sửu 1493, Bính Thìn 1496. Ông là người sống phóng khoáng, rất có tài biện luận. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản kỷ thực lục có đoạn chép là vào năm 1499, ngày 25, Ngự sử đài đô ngự sử Quách Hữu Nghiêm tâu rằng:

Thưởng hay phạt, ban hay cho đoạt lại, đó là quyền của đế vương trị thế. Thưởng đúng công thì người người đều được khuyến khích, phạt đúng tội thì ai ai cũng lấy đó làm điều răn đe. Cho nên, trong việc thưởng phạt, phải cho hết đạo chí công. Nay bệ hạ, chính sự buổi đầu trong sáng, thâu tóm mọi quyền trị hóa, tiến dùng bậc hiền tài, gạt bỏ kẻ gian nịnh, người trong nước không ai không ngưỡng mộ đức hay, mừng xem thịnh trị.

Nhưng thần trộm thấy năm trước khi đi đánh Sơn Di, Chiêm Thành, Lưu Cầu, Lão Qua thì chọn kỹ quân cờ các vệ Hiệu lực, nhưng người sức lực khỏe mạnh xông lên trước giết giặc được bổ dụng vẫn chưa hết. Đến khi lựa thải lại phải lui về làm quân năm phủ cũng ngang với những người không giết được giặc, mà không có phân biệt gì. Cúi xin, các quân cờ bốn vệ Hiệu lực có giết được giặc, người nào bị thải ra sung quân năm phủ thì Binh bộ kê ra tâu lên, đặt thành 4 đội riêng của vệ Hiệu lực, như lệ đặt đội riêng của vệ Thần vũ để khuyến khích các chiến sĩ có công. Lại như những lực sĩ, dũng sĩ, võ sĩ, lại điển, quân sắc mà bắt được kẻ cướp và bọn nghịch tặc gian ác, có người lệ đáng được xuất thân, có người lệ không được xuất thân, nếu như có ban thưởng nhất loạt như nhau thì không có phân biệt gì công lao lớn nhỏ.

Cúi xin từ nay trở đi, người nào bắt được kẻ cướp và những tên phản nghịch gian ác, lệ được xuất thân thì Lại bộ theo như lệ xuất thân mà bổ dụng, người nào lệ không được xuất thân thì đều trao cho chức nhàn tản theo lệnh đã định. Như vậy thì việc ban thưởng khinh hay trọng được xử trí thỏa đáng và mọi người đều biết cố gắng. Bọn thần lại trộm thấy những người khiêng kiệu phạm các tội trộm cướp gian hung, Hình bộ theo luật xử tội lưu mà không phát đi, thành ra chúng quen thói cũ, coi thường luật pháp, không còn kiêng sợ gì nữa. Có kẻ ngang ngược gian ác, trả thù báo oán, nhiều người lương thiện đã bị chúng làm hại. Từ nay trở đi, người khiêng kiệu lần đầu tiên phạm phải tội lưu hoặc phải thích chữ đồ làm lính ở Nam quân thì cho trở về làm người khiêng kiệu như lệnh đã định. Nếu không biết răn chừa, cố ý tái phạm thì kẻ nào đáng phải lưu đày châu, sở nào, phải bắt đi hết thảy, để cho những kẻ gian ác biết sợ hãi và không dám ngang ngược hung bạo nữa.

Lời bàn:

Theo sử cũ, vào năm Canh Thân 1500, Quách Hữu Nghiêm được phong làm Thái thường tự khanh, năm Nhâm Tuất 1502 ông sung chức Chánh sứ sang nhà Minh, được vua Minh khen ngợi có phong thái bậc người tài thời Tam đại. Vua Minh ban cho áo đại hồng có thêu con dê thần và đám mây bằng kim tuyến. Khi trở về nước ông càng được trọng đãi và được giao làm Thượng thư bộ Lại, kiêm Đô ngự sử. Chỉ riêng những việc này đã cho hậu thế thấy rõ Quách Hữu Nghiêm là người thực sự có tài, lại mẫn cán và có tâm với công việc. Chính đức tính này đã giúp ông nhìn rõ vai trò của người hiền tài trong bộ máy nhà nước và sự công bằng trong quá trình cống hiến của các binh sĩ.

Quách Hữu Nghiêm mất vào ngày 9-9 năm Giáp Tý - 1504 và hằng năm, dân làng ở vùng quê của ông vẫn thường tổ chức hội Côn Giang để tưởng nhớ ngày mất của ông. Ông cũng là người được tôn vinh là danh nhân văn hóa của tỉnh Thái Bình. Kính trọng và tôn vinh công đức của tổ tiên và cha ông là truyền thống quý báu, là nét văn hóa mang đậm bản sắc của dân tộc Việt Nam. Nếu ai đó xem thường và đi ngược lại truyền thống này thì kẻ đó không phải là người Việt. Xưa nay chưa một ai trong số những người này được người đời tôn trọng chứ đừng nói gì đến việc thành danh.

N.N

  • Từ khóa
109328

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Đang tải dữ liệu